Lặng lẽ với nghề

TRẦN BÍCH HẠNH 21/05/2013 08:32

Ít xuất hiện những tình huống nguy hiểm, rượt đuổi “lâm tặc” nhưng hình ảnh của cán bộ kiểm lâm vất vả dầm mình trong mưa nắng, gắn bó với cơ sở đã tạo ấn tượng đẹp với nhiều người. Công việc âm thầm của họ góp phần không nhỏ giữ bình yên cho những cánh rừng.

Dựa vào dân

Quảng Nam đã đóng “cửa rừng” hơn 10 năm trước nhưng những cánh rừng còn gỗ quý hiếm luôn bị giới lâm tặc lăm le, thừa cơ hội là tàn phá. Vì thế, ngành nông nghiệp chủ trương đưa kiểm lâm “cắm” địa bàn, dựa vào dân để giữ rừng. Không trạm chắn ba-ri-e, không trụ sở ổn định, chỗ làm việc của kiểm lâm địa bàn (KLĐB) là tá túc nhờ nhà dân, trường học, trụ sở UBND xã. Mô hình KLĐB đã hoạt động khá sôi nổi tại các huyện vùng cao như Phước Sơn, Nam Trà My, Đông Giang, Tây Giang, Hiệp Đức hay vùng trung du như Núi Thành, Phú Ninh, Đại Lộc. Nhiệm vụ của KLĐB là tham mưu cho chính quyền cơ sở xây dựng phương án quản lý, bảo vệ rừng (BVR), phát hiện và ngăn chặn kịp thời tình trạng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép. Công việc thường nhật của họ là bám rừng, bám dân theo phương châm “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm). Họ là cầu nối giữa chính quyền địa phương với ngành kiểm lâm nhằm góp phần bảo vệ và phát triển vốn rừng bền vững; tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia BVR. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, cập nhật thống kê rừng và đất lâm nghiệp; kiểm tra, giám sát việc sử dụng rừng, công tác phòng cháy, chữa cháy của các chủ rừng.

Phút ăn uống, nghỉ ngơi của kiểm lâm địa bàn trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. Ảnh: H.P
Phút ăn uống, nghỉ ngơi của kiểm lâm địa bàn trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. Ảnh: H.P

Thời gian gần đây, trách nhiệm của KLĐB còn nặng nề hơn là truyền đạt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân.

Địa hình núi rừng xa xôi, hiểm trở nhưng công việc bắt buộc KLĐB phải nắm chắc cơ sở, lội vào tận rừng sâu để kiểm tra thực địa. Phận sự, trách nhiệm của nghề khiến họ phải xa cách gia đình, ít có thời gian về với người thân. Ông Tán Khiết (SN 1958, KLĐB đóng tại xã A Xan, Tây Giang) đã không quản ngại gian khó, tình nguyện về địa bàn khó khăn. Với ông, những dãy rừng trùng điệp Trường Sơn không còn lạ lẫm nữa. Năm tháng lặn lội khắp các bản làng xa xôi, gắn bó mật thiết với đồng bào Cơ Tu giúp ông nắm được nhiều nguồn tin phá rừng quan trọng. Theo ông, thời gian qua, rừng ở vùng biên không còn cảnh triệt hạ ngang nhiên như trước. Số vụ phá rừng và khối lượng gỗ bị tịch thu đã giảm đáng kể. Ngoài nguyên nhân bà con sợ pháp luật trừng trị hành vi xâm hại rừng, điều sâu xa là họ đã thay đổi nhận thức, nghe theo lời cán bộ. Để đồng bào ý thức tham gia BVR tích cực hơn, có bước chân của những người KLĐB “đến tận ngõ, gõ tận nhà” để tuyên truyền, vận động…

Đâu chỉ gian khổ khi lấy rừng núi làm nơi làm việc, KLĐB luôn đối mặt với hiểm nguy, đe dọa về tính mạng. Anh Nguyễn Thành Long, KLĐB phụ trách địa bàn xã Đăk Pre (Nam Giang) nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, vùng đất này vốn phức tạp về tình trạng khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép. Không thỏa hiệp với kẻ xấu, bất chấp nguy hiểm, Long luôn quyết liệt, cung cấp nguồn tin quan trọng cho chính quyền, ngành chức năng phá dỡ nhiều lán trại, máy móc tận thu vàng trái phép của giới thổ phỉ.

Đối mặt với hiểm nguy

Nếu như KLĐB bám sát dân thì lực lượng kiểm lâm cơ động được ví như người chiến sĩ trực tiếp xông pha ra trận mạc, sẵn sàng đối đầu với lâm tặc. Trong những chuyến theo đoàn kiểm lâm truy quét, chứng kiến cảnh lâm tặc hung hăng tấn công lại người thi hành công vụ mới thấy được những hiểm nguy đang rình rập kiểm lâm. Tôi nhớ, có lần tại khu vực Dốc Kiền (Đông Giang), khi vào được “chợ gỗ di động” nơi đây, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Phan Tuấn tiếp cận được đối tượng, liền bắn liên tiếp loạt đạn chỉ thiên nhằm răn đe, khống chế. Thế nhưng, đang giả vờ chấp hành mệnh lệnh, bất thình lình, đối tượng quay ngược đầu xe bỏ gỗ… chạy lấy người. Gỗ đổ xuống lòng đường suýt đè lên chân kiểm lâm. Trước đây, chuyện lâm tặc tấn công lại kiểm lâm xảy ra như cơm bữa. Tình hình “nóng” đến mức, Bộ NN&PTNT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh phải ban bố nhiều văn bản đề cập các giải pháp cứng rắn nhằm bảo vệ người thi hành công vụ.

Nhiệm vụ tuần tra rừng, truy quét lâm tặc đôi khi còn khiến kiểm lâm đánh đổi bằng máu và tính mạng. Chuyện vắt rừng bu bám hút máu, trầy da tróc thịt khi va vào ngầm đá lúc tuần tra thường xảy ra; thậm chí có kiểm lâm còn bị thú dữ tấn công phải mang trong mình thương tật suốt đời. Điển hình, trường hợp của kiểm lâm Lê Quang Kim. Năm 2003, trong chuyến tuần tra rừng thuộc địa phận xã Quế Lâm (Nông Sơn), ông Kim đã bị voi rừng rượt đuổi làm gãy xương cột sống, bị liệt cả hai chi dưới. Kết quả giám định y khoa cho thấy, tỷ lệ thương tật 94%. Từ một người khỏe mạnh, là “khắc tinh” của lâm tặc, kiểm lâm Kim thành người đầy thương tích, vĩnh viễn không đi lại được trên chính đôi chân của mình.

Đã có chiến sĩ kiểm lâm hy sinh thân mình để giành giật lại màu xanh cho rừng. Anh em trong ngành thường an ủi, động viên nhau bằng việc ví kiểm lâm như một… nghề đặc biệt. Ông Phạm Thanh Lâm, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh tâm sự: “Vào đêm giao thừa, khi mọi người vui vầy bên gia đình thì có kiểm lâm phải lặn mình dưới sông nước Thu Bồn để bắt gỗ. Khi mọi người hân hoan đón tết thì có năm, kiểm lâm phải nằm dưới lều bạt ở Dốc Trời, Chà Vàl, Trà Nam trong cái lạnh tê tái để… canh giữ rừng”. Ông Lâm kể tiếp, lúc nửa đêm, chuông điện thoại reo, chúng tôi chẳng biết đó là tin lành hay dữ, của đồng đội, của cấp trên, của nhân dân báo tin hoạt động của lâm tặc hay của lâm tặc hăm dọa, đánh lừa. Một số kiểm lâm viên “cơm không lành, canh không ngọt” vì những “cuộc gọi ma”.

Nghề nào cũng có thử thách, đặc thù. Đã có một số kiểm lâm thoái hóa đạo đức mà tiếp tay cho lâm tặc phá rừng. Tuy nhiên, đó chỉ là cá biệt, là “con sâu làm rầu nồi canh”. Hình ảnh kiểm lâm với màu áo xanh sống trong lòng dân, lặng lẽ giữ bình yên cho núi rừng mãi là ấn tượng đẹp với nhiều người.

TRẦN BÍCH HẠNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lặng lẽ với nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO