Từ xa xưa trong văn thơ Đông phương hay Tây phương, thường lấy hình ảnh lá rơi làm tín hiệu cho mùa thu về.
Chiều thu trên sông Tam Kỳ. |
Những họa sĩ bậc thầy như Van Gogh, Levitan khi đặc tả mùa thu thường sử dụng gam màu vàng chói để làm bật nổi xác lá ngập đầy trong vườn, hoặc lá phủ dày trên các lối đi mênh mang im vắng. Còn lúc nắm bắt cái tứ trong bài thơ Yên tĩnh của Giáng Vân, nhạc sĩ Phú Quang liền phổ ngay một câu làm nét chủ đạo: “Lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu”. Lá trút như một nỗi buồn, như sự chia ly cố hữu nhưng có những lý lẽ riêng... Có phải lá luôn ám gợi, quyến rũ, dằn vặt... hết thảy hồn thi nhân? Duy có điều: tôi đếm hoang vu trong bài thơ Ở với mùa thu Tam Kỳ là nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên rất sợ nỗi đời hoang vắng trống không. Ai lao lướt trong cõi vô thường kịp quay nhìn lại mình cũng đều thấy như thế; nhưng những lúc thọ trì đọc tụng Tâm Kinh thì nhằm chỉ quán tới cái rỗng không...
Nhớ một bữa nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên về Tam Kỳ thấy mưa nắng một ngày, bỏ đi chơi xa/ còn lại mùa thu và tôi/ và xa vắng. Hành trình của con người là nỗi cô đơn thăm thẳm. Thật vậy, khi lòng cô đơn thì tưởng chừng mọi cảnh vật như ngừng lại, thế giới lặng tờ như bức tĩnh vật rất đỗi mong manh, dễ vỡ... Hiển nhiên với nhà thơ đều chung cùng tâm thức. Trong bài Nhớ Nguyễn Du Hoài Khanh như đi trong âm vang đồng vọng: Vẫn chưa tròn một Quê-nhà-bao-dung?/Vẫn chưa tỉnh giấc hãi hùng?/Trong cơn-trường-mộng-vô-cùng-thời-gian... Dấu chân vẹt mòn lữ thứ với nỗi quan hoài cõi nhân gian không bao giờ nguội lạnh trong lòng.
Ở với mùa thu Tam Kỳ Mưa nắng một ngày bỏ đi chơi xa NGUYỄN NHÃ TIÊN |
Tôi không nghĩ trong cuộc kiếm tìm của nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên là hoàn toàn vô ích: ngọn gió tìm hương không gặp tóc đã quay về nếu như nhà thơ không gợn chút phân vân, lóe vài dòng suy nghĩ... Cứ thong dong, xem đi - về như cuộc dạo chơi trong cuộc tồn sinh. Rồi mùa Tam Kỳ cũng giống như mùa thu trong vườn Luxembourg ở bên Tây hay Tây Hồ - Hàng Châu ở bên Tàu... Bởi bất kỳ ở đâu, bất cứ chỗ nào cũng đều như vậy: Tẻ vui bởi tại lòng này đấy thôi?
Hãy nhắm mắt lại đi và chỉ ngồi (tọa thiền) tịch mặc, không dựa vào bất cứ đối tượng nào, kể cả dĩa sơn màu, ngọn lửa đèn sáp, vào ra của hơi thở, tiếng mõ tiếng chuông, tiếng tụng niệm, tiếng động chung quanh v.v. Và khi nhắc đến tánh Không, Hoằng Trí nhắc nhở chúng ta phải kiên cố bền lòng: “Trong sáng và không ham muốn, gió trong những cây tùng và trăng trong nước đều bằng lòng trong những nguyên tố của chúng”. Bằng lòng là thả lỏng không suy tính; viên dung một khối, không trong không ngoài, chẳng một chẳng khác, chẳng đi chẳng lại...
Ở với mùa thu Tam Kỳ nhà thơ khắc khoải với “nút thắt”: Ly đếm giọt/ Ngoài kia cây đếm gió/ Lá đếm mùa thu tôi đếm hoang vu. Đếm là suy tính, phân biệt. Ly đếm giọt, cây đếm gió, lá đếm mùa thu, tôi đếm hoang vu là còn dựa vào thanh sắc tất nhiên còn dính mắc! Bởi vì con người là giống hữu tình thì làm sao có thể vượt thoát nổi giữa cơn trường mộng ngàn năm đảo điên tơ tưởng.
Cứ để mùa thu Tam Kỳ đến và đi tự nhiên. Biết đâu một ngày nào đó ta về lại Tam Kỳ để được nhìn, được ngắm từng giọt cà phê thủng thỉnh rơi chẳng cần ai uống của năm xưa mà nay là sự quyện chặt sum vầy. Phút hạnh ngộ viên mãn. Mùa thu Tam Kỳ lá gieo mầm reo vui và ta khẽ lắng lòng một chút cũng sẽ bớt hoang vu.
ĐÌNH QUÂN