Một Hội An trong ký ức những người già. Dung dị. Tinh tế. Và dĩ nhiên, đầy thú vị với những người muốn ngược đường kiếm tìm hồi ức đô thị…
Chương trình khai thác tư liệu ký ức, lần đầu tiên được tổ chức bài bản bởi những người của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An. Người già phố Hội cùng ngồi lại với nhau, để nhắc nhớ những câu chuyện cũ, những cái tên của ngày hôm qua, những “ký ức văn hóa” đã nhuốm bụi thời gian…
Từ “quý tộc văn hóa”
Nhà văn Nguyên Ngọc mở đầu cuộc gặp bằng sự phong lưu nhã nhặn của một Hội An thế kỷ trước trong những câu chuyện của ấu thơ ông. Những con phố chưa kịp đông đúc như hiện tại. Những thị dân biết chọn cho mình một dáng vẻ kiêu kỳ nhưng vừa vặn, để không bị lệch ra khỏi guồng quay của xã hội đương thời khi ấy. Ông nói, “tôi nhớ hoài những góc phố, nơi Chùa Cầu, nơi mấy ngã tư, ngã ba, buổi tối nào cũng có những nhóm thanh niên ngồi chơi nhạc, mà toàn là nhạc cổ điển phương Tây”. Và “Hội An, đã thật lạ và hay”, trong trí nhớ của một cậu bé 12 tuổi khi ấy. Hình dung của nhà văn đã phác nên một Hội An xưa, với đời sống văn hóa ở tầm cao. Ông nhắc nhớ người viết về những quý tộc Hội An thời vang bóng, mà theo ông, đó là lớp người tinh hoa hình thành từ chính đời sống của phố thị. Như trong một bài viết nhỏ về hồi ức đô thị mà ông từng đăng tải, về lớp người tinh hoa của phố: “Một thành phố chỉ có thể thật sự là “thành phố văn hóa”, như Hội An, khi nó có, từng có, và biết giữ một lớp tinh hoa cấp cao, một lớp quý tộc văn hóa như thế, có thể nhỏ thôi, có thể nghèo, nhưng là quý tộc, sang trọng, như là cái lõi vàng ròng của đời sống tinh thần và văn hóa chung”.
Cùng hoài niệm về câu chuyện Hội An xưa. Ảnh: Song Anh |
Lớp “quý tộc văn hóa” ấy, theo nhà văn Nguyên Ngọc, là những người sản sinh ra từ đời sống văn hóa dân gian, là những người sống giữa hai thời đại. “Còn nho nhã phương Đông, nhưng đọc rành Tây và thường nói chuyện với nhau bằng tiếng Tây. Một lớp quý tộc nghèo mà sang. Những La Hối, Lê Trọng Nguyễn, Dương Minh Ninh, Dương Minh Hòa, Lưu Nghi… tất nhiên cả gia đình họ Nguyễn Tường…”. Nguyên Ngọc say câu chuyện của quá khứ, với mạch nguồn tưởng không thể dứt ra được, của những con đường Rue du pont japonnais (đường Chùa Nhật Bản) nay là Trần Phú, hay Rue Cantonnais (đường Quảng Đông) nay là Nguyễn Thái Học…, của những con hẻm sâu hun hút, những hiệu buôn nhỏ nhưng lúc nào cũng có sách. “Thật lạ khi Hội An lúc đó, nhà nào cũng có thể hỏi sách, hiệu buôn nào, dù bán thức hàng gì, cũng phải có sách. Có khi họ chỉ cho mượn thôi” - ông kể.
Hội An ngày cũ qua những bức ảnh của hiệu ảnh Vĩnh Tân. |
Tiếp nối câu chuyện về sách, ông Phạm Đức Bàng, người bạn ấu thơ của nhà văn Nguyên Ngọc, cũng là một cư dân gốc Hội An, nhớ lại một thời, phố Hội từng là nơi tụ hội của những người yêu sách vở, văn chương nghệ thuật trên khắp cả nước. Rất nhiều tác phẩm thuộc hàng kinh điển của văn học thế giới có thể tìm thấy tại các hiệu sách ở đường Cường Để cũ. Những người bạn cùng lớp tuổi hoa niên khơi lại bao nhiêu chuyện cũ của phố Hội, với những nhắc nhớ dẫu thâm trầm và đã lặng sâu hàng bao nhiêu năm, nhưng vẫn thức dậy đầy sống động trong cuộc trở về ký ức. Ở đó, có một Hội Văn học Nghệ thuật Hội An, một trường tư thục Viên Minh do cha ông Phạm Đức Bàng sáng lập, một gia đình Vương Tân với người con gái giành vương miện Hoa hậu Việt Nam năm 1945 ở Hà Nội, hay một trường nữ Tiểu học bây giờ là Tiền hiền Minh Hương…
Đến những hồi ức đô thị
Hành trình lần tìm về một Hội An vang bóng, không thể thiếu đời sống văn nghệ đã từng làm xao động bao nhiêu trái tim lữ khách. Giọng bắt đầu run rẩy, nhưng khi cụ ông Lê Khuê - người cuối cùng còn lại của ban nhạc Cung đàn xưa, cất giọng kể về đời sống âm nhạc của Hội An ngày cũ, đã đủ sức kéo câu chuyện ký ức đi về phía của những giai điệu tài hoa, sang trọng. Người kéo violin già cỗi đã thực sự bừng thức trong khoảnh khắc về những đam mê âm nhạc của người Hội An thuở ấy. “Bây giờ nhạc công nhiều, ca sĩ nhiều, nhưng chắc rất ít người biết ký âm. Hồi đó bọn tui muốn học nhạc thì phải học ký âm. Lớp dạy nhạc ký âm đầu tiên do nhạc sĩ La Hối mở. Rồi không chỉ có tân nhạc, những nhóm cải lương gia đình và sân khấu cải lương hồi đó ở Hội An phát triển rất mạnh, đã gieo đam mê âm nhạc vào nhiều lớp người ở Hội An” - ông Lê Khuê nói. Không chỉ có vậy, năm 1945, người Nhật cũng đã từng mở lớp dạy tiếng Nhật, những buổi dạy nhạc lý cũng được trân trọng đưa vào các lớp học này.
Chương trình khai thác tư liệu ký ức văn hóa Hội An tổ chức tham vấn nhân chứng để thu thập thông tin qua đó xử lý, bổ sung tư liệu phục vụ cho công tác quản lý, nghiên cứu, phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa Hội An và nhằm bổ sung nguồn tư liệu phục vụ công tác lưu trữ, nhu cầu tham khảo của độc giả. Theo ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An, chương trình bắt đầu thực hiện vào tháng 5.2016 và sẽ kết thúc vào tháng 10.2016, sau khi thực hiện tham vấn 8 nhóm đề tài, bao gồm: Các địa chỉ văn hóa; Sinh hoạt thường ngày của người dân Hội An; Trang phục; Phương tiện đi lại; Kinh doanh - buôn bán; Thể dục thể thao; Ẩm thực; Phong tục trong cưới hỏi, tang ma... |
Ông Thái Tế Thông, chủ hiệu ảnh Vĩnh Tân xưa, lại kể câu chuyện về một Hội An không chỉ là đất của thi ca mà còn nổi danh với tên gọi vùng đất của học vị Tây học. Và theo những “người cổ” phố Hội, Hội An có 2 mốc quan trọng để làm nên những dấu ấn văn hóa sâu sắc và cần thiết cho sự phục hồi của không gian di sản. Trước năm 1945 và từ năm 1945 -1975, là hai giai đoạn hình thành và biến mất rất nhiều chỉ dấu văn hóa của khu đô thị cổ. Nhắc chuyện những học vị Tây học, như tiến sĩ toán pháp - Phạm Phú Hiển hay vị tiến sĩ báo chí Lê Hiến, tiến sĩ Pháp về xã hội nhân văn Nguyễn Thanh Trừng… từng một thời là niềm tự hào của người Hội An. Tuy nhiên, những tên tuổi này, cũng như những dấu tích xưa, đã theo thời gian lặn sâu vào đời sống của nhiều lớp người phố Hội.
Riêng chuyện đời sống ẩm thực của Hội An, cũng đủ để hồi ức đô thị trở nên thâm trầm. Ông Phạm Đức Bàng xuýt xoa mãi về món mỳ sứa nấu bằng cua gạch và một nền văn hóa ẩm thực dưới ghe, mà theo ông, có lẽ đây là nét đặc trưng nhất của đời sống ẩm thực của phố Hội khi ấy. Ông Thái Tế Thông thì cứ tiếc hoài về những gánh ăn hàng dọc phố, mà trong kho tàng ảnh Hội An xưa của nhà Vĩnh Tân, nó chiếm một số lượng không nhỏ. Và khuôn diện của một Hội An trên những chuyến viễn hành về xứ An Nam của người Tây, người Tàu xưa kia, là một “mảnh đất tuy bé nhỏ nhưng có số phận lạ kỳ”. Hẳn phải có lý do, khi nằm sát Tourane, nhưng Faifoo, cũng là cảng thị mà lại hình thành một lối sống khác biệt, thiên về đời sống văn hóa thị dân hơn là thương trường của những cuộc mua bán tứ xứ tụ về. Lại quay trở về câu chuyện của nhà văn Nguyên Ngọc và càng có lý do để khẳng định, Hội An đã từng có một đời sống văn hóa quần chúng, văn hóa dân gian đủ sâu, đủ tinh tế để từ đây phát tiết những tinh hoa.
Vĩ thanh về một Hội An đương đại
Câu chuyện của người già sẽ chỉ là kho tư liệu ký ức nằm đó, nếu không có những trăn trở về một đời sống đương đại của vùng đất hạ lưu sông Thu Bồn. Lớp người cao tuổi nhìn phố Hội hiện tại trong bối cảnh của một đời sống văn hóa và xã hội mở cửa, buộc phải tiếp nhận rất nhiều tinh hoa lẫn tạp chất và vấn đề của người Hội An bây giờ là làm sao để biết cách thanh lọc và giữ cho riêng mình những đặc sắc cố hữu? Với họ, chỉ có đi con đường văn hóa, bằng cách “Hội An hóa” số người nhập cư vào Hội An và phải biết cách tận dụng những lớp tinh hoa khắp nơi đang tụ về phố Hội, tạo điều kiện để họ bộc lộ khả năng và tình yêu với vùng đất, thì mới hay chăng giữ được một Hội An an lành và không lạ lẫm…
SONG ANH - THÙY DUNG