Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những ngày qua người dân ở nhiều làng nghề của tỉnh gặp không ít khó khăn trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Làng nghề truyền thống quấn chổi Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, Duy Xuyên) không còn không khí làm việc khẩn trương như dạo trước. Nhiều cơ sở sản xuất phải cắt giảm nhân công, hàng hóa chất đầy trong các nhà kho, phân xưởng.
Ông Hồ Văn Nghĩa – người dân địa phương cho biết, suốt mấy tuần nay, cơ sở quấn chổi của ông phải hoạt động cầm chừng, hơn 3.000 cây chổi đót hiện vẫn nằm trong kho do ách tắc trong khâu vận chuyển tiêu thụ. Nhiều ngày qua 4 nhân công phụ việc đã nghỉ làm và khả năng hết tuần này 9 người thợ chính cũng sẽ nghỉ việc.
Ông Nghĩa nói: “Chổi đót của cơ sở chúng tôi chủ yếu bỏ cho các đầu mối lớn ở Đà Nẵng, Huế... Trước đây, bình quân mỗi ngày cơ sở sản xuất không dưới 600 sản phẩm chổi các loại nhưng giờ phải cắt giảm 50 - 60% sản lượng”.
Ông Đoàn Công Vân – Chủ tịch UBND xã Duy Trinh cho biết, những năm qua, làng nghề quấn chổi truyền thống Chiêm Sơn hoạt động khá hiệu quả, giải quyết công ăn việc làm ổn định và mang lại nguồn thu nhập tương đối cao cho rất nhiều hộ dân ở địa phương. Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, làng nghề quấn chổi Chiêm Sơn đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn từ việc khan hiếm nguồn nguyên liệu đầu vào cho đến đầu ra của sản phẩm.
“Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của dịch Covid-19 để kịp thời có những tham mưu, đề xuất với cấp trên về các giải pháp hỗ trợ phù hợp. Đồng thời thường xuyên động viên người dân chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để vận chuyển hàng hóa đi tiêu thụ ngay sau khi lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ” – ông Vân nói thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phi Hồng – chuyên viên Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết, theo số liệu thống kê mới nhất, hiện nay trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 45 làng nghề và làng nghề truyền thống. Ngành nghề hoạt động của các làng nghề chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực như chế biến và bảo quản nông – lâm - thủy sản, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ...
Tổng số cơ sở sản xuất tham gia hoạt động ngành nghề tại các làng nghề là 3.341 cơ sở với 6.547 lao động. Riêng tại 5 địa phương Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình đang thực hiện cách ly xã hội hiện có 23 làng nghề, phần lớn hoạt động sản xuất trên lĩnh vực mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ, gốm, bánh tráng, trồng rau củ quả, mây tre đan, chiếu cói, chổi đót, tơ lụa, chế biến hải sản, nước mắm. Thời gian gần đây, dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhất là thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm khiến thu nhập của nhiều chủ cơ sở và cả nghìn người lao động sụt giảm...