Sâu lắng, trữ tình và ngọt ngào, một không gian âm nhạc làm mềm lòng người nghe, từ chính những giọng ca không chuyên đất Quảng.
Sân chơi rộng mở
Như một cuộc hẹn của những người yêu âm nhạc xứ Quảng, Liên hoan “Bolero - Giai điệu Quê hương” lần thứ 3 này trở lại trong sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chuyên nghiệp của thí sinh và sự nhiệt tâm từ phía người tổ chức.
“Trời đổ mưa/ Cho phố vắng mênh mông/ Khơi lòng bao nỗi nhớ/ Trời làm mưa, cho ướt áo em thơ/ Mưa rơi tự bao giờ” - cả khán phòng như lặng phắt để nghe Lê Vĩnh Phú (đơn vị Tam Kỳ) tự sự cùng “Mưa đêm tỉnh nhỏ”.
Một sân khấu với những bông cau rộ trắng trước mái tranh quê, một phối cảnh con đò chống sào trên bãi... đủ sức gợi với những gì thân thuộc của quê hương. Và nhất là những giọng ca từ khắp mọi vùng của xứ Quảng, với độ mùi, độ ngân rung hẳn chỉ có ở những giai điệu của bolero.
Bà Nguyễn Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trưởng ban Tổ chức liên hoan lần này cho biết, mục đích đầu tiên là tạo sân chơi cho những người có năng khiếu ca hát và đam mê dòng nhạc bolero trên địa bàn Quảng Nam có điều kiện giao lưu, gặp gỡ và thể hiện tài năng của mình.
“Từ thành công của hai lần trước, liên hoan lần này kỳ vọng sẽ mang đến không gian âm nhạc đẹp cho khán giả. Đồng thời đây là dịp để phát hiện những nhân tố văn nghệ tài năng từ các địa phương, góp phần phát triển phong trào văn hóa văn nghệ của Quảng Nam” - bà Nguyễn Thị Hương nói.
Từ hàng trăm tiết mục, Ban tổ chức đã chọn ra 21 giọng ca xuất sắc để vào chung kết. Chị Lê Thị Thuận - thí sinh đến từ Nông Sơn là một trong số những giọng ca được đánh giá tốt để vào chung cuộc liên hoan.
Vốn dĩ ở vùng đất mà người dân đều ưa mê giai điệu bolero cùng giọng ca mượt mà, Lê Thị Thuận nói, sân chơi này là điều chị mong được tham dự từ nhiều năm trước. Nông Sơn cũng là địa phương liên tục tổ chức hội thi “Tình khúc bolero” để người dân ở các xã có cơ hội tỏ bày đam mê của mình, như ông Nguyễn Tấn Lạc - Giám đốc TTVH huyện Nông Sơn cho biết.
“Bolero trở lại”
Từ những đêm trăng trên sông nước, những cuộc đi rừng đầy rẫy khó khăn hay lúc bộn bề với đồng áng, tiếng ca mùi mẫn cất lên. Người dân xứ Quảng đặc biệt mê bolero. Dù thể điệu âm nhạc này vốn dĩ sử dụng các quãng âm của dân ca Nam Bộ chủ yếu.
Cố nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển từng nói, bolero tại Việt Nam là một dòng nhạc tình ca thể 4/4 có tiết tấu nhịp nhàng và vững chắc, nhằm kể lại một câu chuyện (“Những đồi hoa sim”, “Chuyện tình Lan và Điệp”, “Đồi thông hai mộ”…) hay bày tỏ một nỗi lòng (“Bến giang đầu”, “Lạnh trọn đêm mưa”, “Nỗi buồn gác trọ”, “Phố đêm”…).
“Các nhạc sĩ Việt Nam có khuynh hướng dìu tiết tấu bolero chậm lại, sử dụng các quãng âm dân ca Nam Bộ làm “mềm” ca khúc và gần gũi với bà con bình dân hơn. Sự gặp gỡ giữa âm nhạc truyền thống Nam Bộ và bolero tạo ra những bài tình ca bolero mang âm hưởng dân ca khá độc đáo” - cố nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển từng nói.
Hình như vì câu từ và giai điệu bình dân của nó, mà mỗi khúc bolero ngọt lịm tâm sự từ người hát. Để ca bolero, không chỉ cần quãng giọng, phát âm nhả chữ chuẩn. Cảm xúc mỗi người lựa chọn chuyền tải đến người nghe mới là điều quan trọng để có một tiết mục bolero thành công.
Bà Trần Thị Mỹ Ly - giám khảo tại Liên hoan “Bolero - Giai điệu quê hương” lần này cho biết, qua mỗi mùa thi, lại thấy thí sinh có sự chuyên nghiệp và đầu tư hơn. Họ đã biết làm chủ sân khấu, lựa chọn bản phối nhạc hợp lý và thể hiện ca khúc ăn khớp, hài hòa với phần đệm…
Đây cũng là nhận định của nhạc sĩ Trần Quế Sơn với vai trò giám khảo của cuộc thi. Trần Quế Sơn cho rằng, phong trào ca hát của Quảng Nam đang có chiều hướng phát triển tốt với rất nhiều nhân tố được học hành bài bản cũng như các thí sinh được tạo điều kiện từ sân chơi ở cấp địa phương để họ không phải bỡ ngỡ trước khán giả và sân khấu lớn.
Đã có nhiều thí sinh của Quảng Nam thành danh từ sau các mùa thi của Liên hoan “Bolero - Giai điệu quê hương”. Trần Hào Nam - á quân mùa 1 của liên hoan, hiện là một cái tên quen thuộc của nhiều sân khấu ca nhạc tại TP.Đà Nẵng. Anh cũng tham gia các sân chơi âm nhạc đường phố do nhiều tổ chức triển khai.
Với Huỳnh Thanh Thủy - á quân mùa 2, hiện chị tham gia nhiều hoạt động âm nhạc tại Hội An, Đà Nẵng cũng như các địa phương lân cận. Và rất nhiều thí sinh khác bước ra từ những sân chơi, hội thi âm nhạc quần chúng của Quảng Nam, đã từng bước khẳng định mình với đam mê, năng khiếu...