Làng nghề gian nan tạo thương hiệu

ĐẶNG HÙNG 01/10/2018 02:49

Những năm gần đây, các làng nghề truyền thống ở Quảng Nam từng bước được khôi phục và phát triển, tuy nhiên các làng nghề còn gặp nhiều vướng mắc trong việc xây dựng, đăng ký thương hiệu dẫn đến khó tìm kiếm mở rộng thị trường, tăng giá trị sản xuất.

Sản xuất nước mắm ở các làng nghề đang gặp khó trong nguồn nguyên liệu và đầu ra sản phẩm.Ảnh: Đ.H
Sản xuất nước mắm ở các làng nghề đang gặp khó trong nguồn nguyên liệu và đầu ra sản phẩm.Ảnh: Đ.H

Xây dựng thương hiệu

Ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ cho rằng, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề ở Quảng Nam không chỉ góp phần khôi phục, mở rộng sản xuất mà còn nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Những năm gần đây, việc đăng ký thương hiệu, xác lập sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với đặc sản địa phương được khởi xướng, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng  thị trường tiêu thụ trong và ngoài  nước. Ngay từ năm 2007, Hội An đã xây dựng thành công cho thương hiệu các sản phẩm đèn lồng Hội An, làng rau Trà Quế. Đây là những làng nghề lâu đời, từng đối diện nguy cơ bị mai một, hoạt động cầm chừng, tưởng như khó “vực dậy” trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Song, qua quá trình phục hồi, làng rau Trà Quế được xem là mô hình hiệu quả nhất trong việc kết hợp khai thác kinh tế gắn với phát triển du lịch. Trước đó, chính các hộ trồng rau ở Trà Quế đã bắt tay vào xây dựng thủ tục pháp lý và đến năm 2009 được Cục SHTT Việt Nam cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể sản phẩm rau. Nhãn hiệu này do 131 hộ trồng rau ở làng Trà Quế đồng chủ sở hữu và do Hợp tác xã Nông nghiệp Cẩm Hà đại diện hợp pháp. Kể từ đó, với nhãn hiệu độc quyền “Trà Quế - Hội An”, trung bình mỗi ngày, làng rau Trà Quế đã cung cấp hơn 4 tấn rau sạch, với 20 chủng loại rau ăn lá và rau gia vị như diếp cá, xà lách, cải xanh, húng, ngò, rau đắng, mồng tơi, rau cần,… cho các siêu thị, trung tâm thương mại ở TP.Đà Nẵng.

Tiếp sau thành công xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đèn lồng Hội An, làng rau Trà Quế, ở Quảng Nam đã có  nhiều sản phẩm như sâm Ngọc Linh, quế Trà My, thổ cẩm Zara, trầm cảnh Trung Phước, phở sắn Đông Phú, gà tre Đèo Le, nước mắm Cửa Khe, ớt Ariêu… đã được Cục SHTT Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, bảo hộ quyền SHTT. Điều này bước đầu đã nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, tránh tình trạng giả mạo; xúc tiến mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên hiện nay, số lượng sản phẩm các làng nghề, đặc sản được xem chủ lực của tỉnh được đăng ký bảo hộ quyền SHTT chiếm tỷ lệ khá thấp. Trong tổng số 130 sản phẩm chủ lực của Quảng Nam đang triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020, toàn tỉnh mới chỉ có 36 sản phẩm đã đăng ký bảo hộ SHTT.

Còn những rào cản

Theo ông Phạm Ngọc Sinh, xây dựng và phát triển thương hiệu là yếu tố cạnh tranh quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của làng nghề trong bối cảnh tự do hóa thương mại. Vì vậy để các làng nghề trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững, việc xây dựng thương hiệu cho làng nghề là vấn đề cấp thiết để tạo uy tín, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tuy nhiên, để xây dựng thương hiệu và phát triển làng nghề bền vững ở Quảng Nam cũng không phải là câu chuyện đơn giản. Những rào cản lớn nhất mà các làng nghề truyền thống đang gặp phải, đó là phần lớn các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, hoạt động manh mún, cũng như không có nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về quản trị thương hiệu. Quy mô sản xuất thủ công theo hộ gia đình, kinh doanh theo lối riêng, “mạnh ai nấy làm” nên sự gắn kết giữa các hộ trong làng nghề chưa cao. Hơn nữa, chính người làm nghề ở các làng nghề truyền thống vẫn còn nặng suy nghĩ rằng “sản phẩm làng nghề đã có nhiều người biết đến, cho nên xây dựng thương hiệu cũng là... thừa”.

Trong khi đó, để xác lập được thương hiệu trên thị trường, các cơ sở sản xuất của làng nghề đòi hỏi phải đầu tư đổi mới công nghệ, phương thức kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, tạo dựng uy tín thông qua xây dựng chiến lược, đăng ký bảo hộ thương hiệu. Ông Nguyễn Đức Thành - Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Quang (Điện Bàn) đề nghị: “Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ cho các làng nghề về nguồn vay ưu đãi, đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, xúc tiến thương mại và hỗ trợ xây dựng thương hiệu thông qua đăng ký SHTT cho các sản phẩm làng nghề . Có như vậy mới nâng cao được tính cạnh tranh là chìa khóa tăng trưởng của sản phẩm làng nghề trong bối cảnh hội nhập kinh tế”.

ĐẶNG HÙNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làng nghề gian nan tạo thương hiệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO