Nhận thức về bảo vệ môi trường tại làng nghề ngày càng nâng cao khi Quảng Nam tiến tới xây dựng, phát triển các làng nghề truyền thống gắn với du lịch...
Đây là nhận định của ông Nguyễn Văn Tiếp - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Quảng Nam. Theo ông Tiếp, cùng với nhận thức từ cộng đồng được cải thiện, chiến lược phát triển làng nghề gắn với việc phát triển các sản phẩm OCOP cũng là cách thức tạo nên những “lá chắn” bảo vệ môi trường tại các làng nghề.
Thách thức từ sản xuất
Đại diện Sở NN&PTNT cho biết, tại Quảng Nam, các chủ thể OCOP ngày càng chú trọng hơn đến hoạt động bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Hầu hết chủ thể đều có đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường; có quy trình xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn theo quy định. Cùng với đó, hiện nay, xu hướng bảo vệ môi trường đang có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất, chế biến thuận tự nhiên, hữu cơ để bảo đảm sức khỏe cho cả người trực tiếp sản xuất và người tiêu dùng.
Nghiên cứu của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam qua khảo sát hiện trạng môi trường với một số loại hình làng nghề chính đã đưa ra nhận định, các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, nhất là các làng nghề sản xuất tinh bột, nấu rượu, nuôi và giết mổ gia súc có độ ô nhiễm rất cao.
Cùng với đó, các làng nghề dệt nhuộm cũng dễ gây ô nhiễm khi nước thải sản xuất có hàm lượng hóa chất, thuốc nhuộm cao. Với làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng thì ô nhiễm chủ yếu do sử dụng nhiên liệu là than, củi. Trong khi đó, các làng nghề thủ công mỹ nghệ gây ô nhiễm chủ yếu tới môi trường không khí do bụi, hơi dung môi hữu cơ...
Ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề trên cả nước vẫn đáng báo động khi chủ yếu là ô nhiễm bụi, khí độc, hơi kim loại, mùi và tiếng ồn, tùy thuộc vào tính chất, quy mô và sản phẩm của từng loại ngành nghề.
Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2021, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề so với giai đoạn trước nhìn chung vẫn chưa được kiểm soát, tại một số làng nghề còn có xu hướng gia tăng.
Nguyên nhân chính là nhiên liệu sử dụng trong các làng nghề phổ biến là than chất lượng thấp, công nghệ sản xuất lạc hậu, lại chưa đầu tư cho hoạt động xử lý chất thải. Ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề chủ yếu là ô nhiễm bụi, khí độc, hơi kim loại, mùi và tiếng ồn, tùy thuộc vào tính chất, quy mô và sản phẩm của từng loại ngành nghề.
Tại Quảng Nam, qua báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 09 ngày 27/12/2016 của Tỉnh ủy về quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 cho biết, các điểm nóng về môi trường tại Quảng Nam từng bước được kiểm soát. Môi trường các khu công nghiệp, khu vực nông thôn, khu dân cư được cải thiện.
Công tác xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại đã được quan tâm, chú trọng hơn. Các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được khắc phục, các nguồn thải, cơ sở tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, hiện nay, tại các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm chưa được triển khai điều tra, khảo sát, xây dựng cơ chế bảo vệ môi trường...
Đảm bảo môi trường
Thống kê từ Sở Công Thương, đến nay Quảng Nam có 45 làng nghề, trong đó có 34 nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận (gồm 4 nghề truyền thống, 30 làng nghề, làng nghề truyền thống). Ông Nguyễn Văn Tiếp cho biết, Quảng Nam chưa có làng nghề nào mà người dân ở đó phản ánh vì ô nhiễm môi trường.
“Các làng nghề truyền thống của Quảng Nam chủ yếu sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Thách thức về bảo vệ môi trường chủ yếu ở các làng nghề chế biến thủy hải sản hoặc gạch gốm. Tuy nhiên, theo tôi được biết, hiện chưa có làng nghề nào gặp phải tình trạng ô nhiễm nặng” - ông Nguyễn Văn Tiếp cho biết.
Ông Võ Quyện - người làm nghề tại làng gốm Thanh Hà (Hội An) cho biết, từ nhiều năm trước, chính quyền Hội An đã chuyển giao công nghệ nung gốm bằng lò đốt gas cũng như nâng cấp các lò đốt thủ công thành lò đốt cải tiến công suất lớn (17m3).
Lò đốt cải tiến này được dựa trên thông số kỹ thuật của ngành gốm, sứ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm gốm, sứ mỹ nghệ. Người thợ gốm Thanh Hà còn có ý thức bảo vệ nguồn đất, tiết kiệm nguyên liệu trong bối cảnh nguồn đất sét đang dần hạn chế như chú ý đậy che các ụ đất sét chưa sử dụng chống rửa trôi, thu gom đất sét thừa sau cắt gọt phôi tránh thất thoát. Chưa kể, các món quà bán, tặng du khách đều được gói bằng giấy báo, túi giấy với xu hướng phát triển du lịch xanh từ làng nghề mà Hội An đang tiến hành.
Tại Cụm làng nghề Đông Khương (thị xã Điện Bàn), ông Nguyễn Văn Tiếp cho biết, hiện mới chỉ có cơ sở gốm đỏ của nghệ nhân Lê Đức Hạ và cơ sở mộc mỹ nghệ của ông Tiếp. Và cả 2 cơ ở này đều đảm bảo các thủ tục, quy định về môi trường đối với cơ sở sản xuất thủ công.
“Hiện nay ý thức của người dân làng nghề ngày càng nâng cao vì cùng với chương trình nông thôn mới với tiêu chí đánh giá tác động môi trường thì các cơ sở sản xuất cũng như làng nghề truyền thống đều hướng tới phát triển du lịch. Khi xác định làm du lịch thì phải có môi trường trong lành” - ông Nguyễn Văn Tiếp nói.
Thời gian tới, Quảng Nam sẽ triển khai thực hiện Nghị quyết số 38 (ngày 9/12/2022) của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2023 - 2025 từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách tỉnh hơn 36,8 tỷ đồng; cấp huyện hơn 11,9 tỷ đồng; các nguồn khác hơn 28,5 tỷ đồng.
Trong các chính sách để phát triển làng nghề truyền thống, có hạng mục các cơ sở ngành nghề nông thôn được hỗ trợ để di dời cơ sở sản xuất, xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý môi trường tại cơ sở...
Tuy nhiên, theo Quyết định số 3924 ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh ban hành Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2025, có xét đến năm 2035, Quảng Nam có 2 cụm công nghiệp làng nghề là Cụm công nghiệp làng nghề Đông Khương và Cụm công nghiệp làng nghề Tam Tiến, huyện Núi Thành (diện tích 10ha). Hiện Cụm làng nghề Đông Khương mới chỉ có 2 doanh nghiệp đi vào hoạt động, trong khi Cụm công nghiệp làng nghề Tam Tiến đến nay vẫn giậm chân tại chỗ.
Ông Nguyễn Văn Tiếp cho biết, nhiều ngành nghề nếu vào cụm công nghiệp thì không còn là nghề truyền thống, trong khi vào cụm làng nghề thì các thủ tục giấy tờ cũng như phải đầu tư lại về hạ tầng khiến người sản xuất không muốn tham gia...