Làng nghề miền núi: Đầu tư nhiều, hiệu quả chưa cao

VĂN THẢO 23/10/2014 09:10

Tại các huyện miền núi như Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, một số làng nghề đã mai một đang được phục dựng, tuy nhiên số vốn đầu tư để phát triển và duy trì làng nghề khá lớn nhưng hiệu quả mang lại chưa như mong đợi.

Làng dệt Zơ Ra (xã Ta Bhing, huyện Nam Giang) được phục dựng từ năm 2011 với số vốn đầu tư ban đầu xây dựng cơ sở vật chất và tập huấn cho đồng bào tại thôn là hơn 500 triệu đồng… Ngoài ra, mỗi năm số tiền huyện đầu tư để duy trì là hàng trăm triệu đồng. Cạnh đó là chiến dịch quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các cuộc hội chợ, triển lãm trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, kết quả mang lại không như kỳ vọng. Sản phẩm dệt làm ra không bán được, cụ thể trong năm 2012 bán được hơn 200 triệu đồng, năm 2013 bán được 23 triệu đồng. Bình quân mỗi thợ dệt chỉ thu nhập khoảng 200 nghìn đồng/tháng.

Trình diễn dệt thổ cẩm truyền thống Cơ Tu. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Trình diễn dệt thổ cẩm truyền thống Cơ Tu. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Cùng với làng Zơ Ra, làng dệt thổ cẩm Đhrôồng (xã Tà Lu, huyện Đông Giang) cũng ở tình cảnh tương tự. Ra mắt vào dịp festival di sản Quảng Nam lần thứ V năm 2013, đến nay sản phẩm mà làng nghề dệt bán được rất ít ỏi, chỉ bán được cho một số khách du lịch vãng lai. Thị trường tiêu thụ ít, mẫu mã kém phong phú, chiến dịch quảng bá, đầu tư chưa hiệu quả, đường sá không thuận lợi là những nguyên nhân chủ yếu khiến các làng nghề trên địa bàn các huyện miền núi chưa phát triển. Bà Phạm Thị Như - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang chia sẻ: “Huyện cũng có nhiều hoạt động quảng bá sản phẩm làng nghề, kết hợp đưa vào tuyến điểm du lịch cộng đồng làng Zơ Ra - thác Grăng nhưng kết quả không như mong đợi. Nguyên nhân chủ yếu là khó khăn trong đầu ra, thị trường tiêu thụ sản phẩm”.

Dạo một vòng qua các làng nghề mây tre, chổi đót (thôn Ngói, xã Cà Dy, Nam Giang), làng dệt của đồng bào Bh’noong huyện Phước Sơn, tình hình phát triển của các làng nghề này cũng ảm đạm chẳng kém. Trong đó, năm 2011 và 2012, huyện Phước Sơn đã đưa 4 học viên nữ người Bh’noong đi học nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại tỉnh Kon Tum. Đồng thời đầu tư hỗ trợ chương trình khôi phục nghề dệt thổ cẩm gần 500 triệu đồng, hỗ trợ cho mỗi học viên mức lương 3 triệu đồng/người/tháng, còn lại dùng để mua nguyên liệu dệt. Tuy nhiên, tình hình sản xuất cũng không mấy khả quan.

Dù thu nhập không cao, nhưng vì khát khao muốn khôi phục làng nghề truyền thống, giữ nét đẹp văn hóa Cơ Tu nên các nghệ nhân làng dệt Zơ Ra luôn cần mẫn, tranh thủ mọi lúc rảnh rỗi để dệt và truyền nghề cho lớp trẻ. Điểm nổi bật trong công đoạn dệt thổ cẩm của người Cơ Tu là các hạt cườm trang trí được dệt hẳn vào sợi chỉ. Vì thế thổ cẩm của người Cơ Tu không thể dùng máy mà dệt bằng tay nên năng suất thấp, tốn công, giá thành sản phẩm tương đối cao. Có những sản phẩm phức tạp, có khi phải dệt cả tháng. Với sự giúp đỡ của huyện, hằng năm, làng dệt thổ cẩm Zơ Ra đều gửi sản phẩm tham gia các cuộc triển lãm, giới thiệu ở các thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An. Khách hàng chủ yếu là người nước ngoài. Hiện các mặt hàng thổ cẩm được bán ngay tại nhà trưng bày phục vụ du lịch…

Gặp chúng tôi trong nhà trưng bày sản phẩm Zơ Ra, bà Zơ Râm Rêm (thôn Zơ Ra, xã Ta Bhing), một xã viên có thâm niên 40 năm trong nghề phàn nàn rằng nhiều người trẻ bây giờ không quan tâm tới dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Cơ Tu mình. Vì vậy việc phát triển mở rộng là rất khó. Về tương lai của làng dệt thổ cẩm trên địa bàn, ông Bling Hon - Chủ tịch UBND xã Ta Bhing nhận định: “Thiếu nhân công kỹ thuật cao, thiếu vốn đầu tư, thiếu thị trường tiêu thụ nên làng nghề phải tự mình tồn tại và phát triển. Hiện không dám mở rộng sản xuất vì thiếu đầu ra”.

VĂN THẢO

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làng nghề miền núi: Đầu tư nhiều, hiệu quả chưa cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO