Cùng với cả nước, Quảng Nam đã có nhiều chính sách dành cho người khuyết tật (NKT). Đề án trợ giúp NKT trên địa bàn tỉnh (2014-2020) cũng đã được triển khai nhưng vẫn còn đó những nỗi lo rất thực ...
Người khuyết tật cần có sự hỗ trợ từ cộng đồng. Ảnh: DIỄM LỆ |
Trải lòng
Đến từ xã Bình Giang (Thăng Bình), ông Nguyễn Ngọc Thanh tâm tư: “Hiện nay NKT được thụ hưởng nhiều chính sách, có điều kiện hòa nhập cộng đồng và vươn lên làm ăn, không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tuy vậy, Hội NKT của tỉnh cũng như một số huyện vừa mới thành lập hoạt động còn rất nhiều khó khăn, lại chưa được công nhận là hội đặc thù nên càng khó hơn. Tiếng nói của Hội NKT dường như chưa có trọng lượng, một số địa phương trong việc thực hiện chính sách vẫn phân biệt đối với NKT, khiến cho NKT cảm thấy tủi thân”. Còn ông Trần Hai (xã Bình Nam, Thăng Bình) quan tâm đến vấn đề khác: “Có hai việc làm tôi băn khoăn. Tôi là thương binh, cũng là NKT, nhưng khi đã là thương binh thì địa phương không chịu cấp giấy xác nhận khuyết tật cho tôi. Thứ hai, hiện nay NKT xin việc làm quá khó khăn, đi đâu cũng chỉ nhận được cái lắc đầu, kể cả cơ quan nhà nước lẫn doanh nghiệp”.
Ông Ngô Văn Thơi (xã Đại Quang, Đại Lộc) nói lên hoàn cảnh của chính mình: “Khi NKT có giấy xác nhận thì được miễn giảm vé tàu, xe buýt, máy bay. Nhưng tôi đi xe buýt, đưa giấy xác nhận thì tài xế xe buýt nói không giảm được. Như thế thì ngành giao thông có biết chính sách ưu tiên này chưa mà không tuyên truyền cho các chủ xe hiểu về chính sách. NKT khi tham gia giao thông hoặc ngay cả khi đến các cơ quan nhà nước, công trình công cộng cũng không có lối đi dành cho NKT, khiến chúng tôi đi lại ở những nơi như thế rất khó khăn”. Ông Cao Văn Hai (xã Quế Thọ, Hiệp Đức) bày tỏ: “NKT rất cần được hỗ trợ sinh kế như được hỗ trợ con bò hay con heo để làm vốn liếng làm ăn. Con cái của NKT cũng bị khuyết tật cần được đối xử công bằng trong các trường học, bởi các cháu chỉ học hết cấp 1, chứ học lên cao nữa thì khó khăn trong hòa nhập, thậm chí có trường còn khó chịu trong việc nhận học sinh khuyết tật vào học”.
Buổi đối thoại về chính sách NKT vừa được Sở LĐ-TB&XH phối hợp với tổ chức APHEDA Việt Nam (Tổ chức Nhân dân vì y tế, giáo dục và phát triển hải ngoại của Australia) tổ chức. Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Việc làm bền vững và tăng cường vị thế cho NKT trong cộng đồng”, do tổ chức APHEDA và Cơ quan viện trợ Ireland tài trợ thực hiện tại tỉnh từ năm 2012 - 2015. |
Vấn đề được đông đảo NKT quan tâm là nguồn tín dụng dành cho NKT rất ít, lại khó tiếp cận do nhiều thôn, tổ vay vốn sợ họ không làm được thì không trả nợ vay. Hay NKT khi tham gia hoạt động kinh doanh vẫn bị thu thuế môn bài mà không được xét miễn giảm. Hiện nay, NKT của một số địa phương đang được hưởng chế độ bỗng dưng bị cắt do Hội đồng xét duyệt mức độ khuyết tật cấp xã sau khi xét duyệt lại thay đổi mức độ khuyết tật sang mức nhẹ nên nhiều trường hợp bị cắt chế độ, gây bức xúc cho NKT. NKT kiến nghị nên có bác sĩ trong Hội đồng xét duyệt ở cấp xã để có sự giám định, nhìn nhận mức độ khuyết tật chính xác hơn.
Đồng hành
Lắng nghe tâm tư của NKT, ông Nguyễn Huy, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH) khẳng định: “Đối với Hội NKT, dù chưa là hội đặc thù nhưng đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ rất lớn từ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các hội đoàn thể khác. Điều quan trọng ở đây không phải là đặc thù hay không mà quan trọng là hội hoạt động như thế nào, có làm được cầu nối, mang tiếng nói của NKT đến với chính quyền địa phương, giúp địa phương thực hiện tốt hơn chính sách đối với NKT”.
Cũng theo ông Huy, sắp tới Sở LĐ-TB&XH sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra, đảm bảo tất cả NKT đều có giấy xác nhận. Việc xét duyệt ở cấp xã do chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn chịu hoàn toàn trách nhiệm, trong thành phần có trạm trưởng trạm y tế xã. Nhưng nếu NKT nào không hài lòng với kết quả xét duyệt, hoàn toàn có thể gửi đơn đến cơ quan chức năng nhờ can thiệp hoặc giám định y khoa để xác định mức độ khuyết tật. Việc làm dành cho NKT lâu nay vẫn là nỗi trăn trở của các ngành chức năng. Mặc dù có khá nhiều chính sách kêu gọi doanh nghiệp, đơn vị tiếp nhận NKT vào làm việc nhưng con số này không nhiều. Trên thực tế, chưa có một cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Trong đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2014 - 2020, nội dung này được đề cập với vai trò thực hiện của ngành giáo dục.
Theo bà Huỳnh Thị Bích Phượng, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - nghiệp vụ - tín dụng (Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh), hiện nay nguồn vốn dành riêng cho NKT chưa có mà chỉ có nguồn vốn chung giải quyết việc làm hoặc dành cho người nghèo, hộ kinh doanh. NKT là hội viên của các hội được Ngân hàng Chính sách ủy thác cho vay như hội nông dân, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh, nên NKT hoàn toàn có thể vay vốn thông qua kênh này. Việc bình xét người được vay vốn do tổ tiết kiệm - vay vốn ở thôn thực hiện. “Nếu NKT có dự án tốt, thì ngân hàng vẫn cho vay sản xuất kinh doanh, đơn vị nào nhận người lao động là NKT từ 51% trở lên được vay với cơ chế ưu đãi là hưởng 50% lãi suất của lãi suất ưu đãi 0,65%. Nhưng thời gian qua, nguồn vốn ít nên khiến NKT muốn vay vốn phải chờ lâu. Những kiến nghị của NKT, tôi sẽ kiến nghị lên Ban giám đốc, và từ đó tỉnh kiến nghị đến Trung ương giải quyết” - bà Phượng nói.
DIỄM LỆ