Lắng nghe người làng nghề

SONG ANH 16/03/2017 08:44

Những trăn trở của nghệ nhân, thợ giỏi, doanh nghiệp… ở các làng nghề, cũng như khó khăn vướng mắc từ thực trạng phát triển làng nghề, đã được lãnh đạo tỉnh lắng nghe và chia sẻ tại hội nghị “Phát triển làng nghề gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới” tổ chức vào sáng qua 15.3.  

Trăm khó ở làng nghề

Theo thông tin từ hội nghị, trong số 44 làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh hiện nay, chỉ có 28 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, đa số tập trung ở các địa phương vùng đồng bằng và chủ yếu ở nhóm nghề tiểu thủ công nghiệp. Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ, có rất nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển các hoạt động làng nghề, nhưng do nguồn kinh phí còn hạn chế nên hiệu ứng tác động của chính sách rất mờ nhạt, chưa kích thích cho làng nghề phát triển. Từ khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay đến thị trường tiêu thụ sản phẩm làng nghề, hay thiếu thế hệ làm nghề kế cận… đã trở thành thách thức kéo các làng nghề, làng nghề truyền thống của Quảng Nam vẫn giẫm chân tại chỗ, thậm chí bế tắc trong nhiều năm nay. “Các làng nghề ở Quảng Nam sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết, sử dụng công nghệ lạc hậu nên năng suất rất thấp, trong khi nguồn nguyên liệu thì khan hiếm, giá thành sản phẩm cao nên sức cạnh tranh kém. Chưa kể việc đăng ký, sử dụng nhãn hiệu, thương hiệu, logo… chưa được quan tâm nhiều” - ông Muộn nói.

Do gặp khó về nguồn vốn, một số người làm nghề tại làng dệt lụa Mã Châu (Duy Xuyên) đã phải vay vốn ngân hàng để mua máy móc sản xuất.Ảnh: SONG ANH
Do gặp khó về nguồn vốn, một số người làm nghề tại làng dệt lụa Mã Châu (Duy Xuyên) đã phải vay vốn ngân hàng để mua máy móc sản xuất.Ảnh: SONG ANH

Cũng nhận diện hàng loạt khó khăn khi xúc tiến thương mại, khuyến công và các hoạt động liên quan đến hỗ trợ phát triển làng nghề, ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, trong số các làng nghề ở Quảng Nam, ngoài làng rau Trà Quế (Hội An) và làng rau Hưng Mỹ (xã Bình Triều, Thăng Bình) là làng nghề sản xuất nông nghiệp, các làng nghề khác chủ yếu sản xuất theo hướng tiểu thủ công nghiệp. Nhưng các cơ sở làng nghề vẫn làm theo phương pháp truyền thống, thủ công là chính, cho nên để có được một sản phẩm phải tốn rất nhiều công và tiêu hao nhiều nguyên vật liệu. Chưa kể hầu hết cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất với quy mô nhỏ, sản phẩm chủ yếu phục vụ thị trường nội địa, sức cạnh tranh còn yếu, thiếu nắm bắt các thông tin về thị trường. Bản thân mỗi ngành nghề lại chưa có doanh nghiệp đầu đàn làm đầu mối cho việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bởi năng lực sản xuất kinh doanh và phát triển thị trường còn yếu nên câu chuyện bảo hộ quyền sở hữu công nghệ cho sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu làng nghề vẫn còn ở mức cầm chừng. Công tác đào tạo nghề cho người làng nghề chỉ làm theo kiểu phong trào là chính, nên hiện nay đa số lao động ở làng nghề đều ở tuổi trung niên.

Với câu chuyện đưa làng nghề phát triển gắn với du lịch, từ thực tế của địa phương, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, ngoài những điều kiện thuận lợi đã có, hoạt động các làng nghề gắn với du lịch vẫn gặp phải những khó khăn chung như nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh. Từ hạ tầng chưa hoàn thiện, đến sự phối hợp của các ngành trong chỉ đạo, điều hành và hỗ trợ làng nghề khôi phục, gắn với du lịch vẫn còn rất manh mún. “Sự tác động của du lịch đối với nghề thủ công truyền thống và phát triển du lịch theo hướng cộng đồng hiệu quả còn rất hạn chế” - ông Hùng nói. Những khó khăn từ quy luật phát triển của xã hội cộng với sự thiếu nhạy bén của người làm nghề khiến câu chuyện phát triển các làng nghề truyền thống xem chừng vẫn còn là một con đường dài.

Chia sẻ với người trong cuộc

Tôi nghĩ, đã đầu tư ở làng nghề nào thì phải làm tới cùng rồi mới nhân rộng ra các địa phương khác. Nhà nước cũng cần phân biệt các loại doanh nghiệp khác nhau để có cơ chế hỗ trợ phù hợp cho chúng tôi. Chúng ta lâu nay đã lãng phí khá lớn ở các nhà trưng bày truyền thống đặt tại các làng nghề mà chưa có kế hoạch cụ thể để các cơ sở đó phát huy công năng của mình.
(Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Quảng Nam)

Chủ trì hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh bày tỏ mong muốn được lắng nghe những nguyện vọng từ chính bản thân người làm nghề để từ đó có cách gỡ nút thắt cho sự bế tắc của thực trạng làng nghề ở địa phương. Những nghệ nhân, thợ giỏi, doanh nghiệp làm nghề như được mở đường để giải tỏa những bức bách của mình. Là một nghệ nhân nhân dân, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ tỉnh, ông Nguyễn Văn Tiếp kiến nghị làm sao có thể rút ngắn thủ tục hành chính đối với các doanh nghiệp hành nghề tiểu thủ công nghiệp, cũng như đề nghị Nhà nước nên đầu tư sâu chứ không nên đầu tư dàn trải như lâu nay. “Tôi nghĩ, đã đầu tư ở làng nghề nào thì phải làm tới cùng rồi mới nhân rộng ra các địa phương khác. Nhà nước cũng cần phân biệt các loại doanh nghiệp khác nhau để có cơ chế hỗ trợ phù hợp cho chúng tôi. Chúng ta lâu nay đã lãng phí khá lớn ở các nhà trưng bày truyền thống đặt tại các làng nghề mà chưa có kế hoạch cụ thể để các cơ sở đó phát huy công năng của mình” - ông Tiếp nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đặt ra yêu cầu phát triển của làng nghề tại Quảng Nam phải làm được 3 tiêu chí: phát triển làng nghề gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp nông thôn và nông thôn mới; làng nghề phải ổn định và bền vững, có khả năng cạnh tranh để tồn tại; làng nghề phải đảm bảo về môi trường và giữ gìn văn hóa đặc trưng của địa phương. Theo đó, UBND tỉnh sẽ có nghiên cứu định kỳ 6 tháng tổ chức rà soát đánh giá việc thực hiện các cơ chế chính sách để xem xét các làng nghề được thừa hưởng như thế nào, từ đó sẽ có điều chỉnh, củng cố thích hợp.

Bên cạnh các cơ chế chính sách vẫn còn ở mức khái quát, chưa thực sự đi sâu vào hỗ trợ cụ thể cho người làm nghề, cũng như các khó khăn về tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng mở rộng sản xuất hay những hạng mục đầu tư không xác đáng với nhu cầu người làm nghề, thì câu chuyện về xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ triển lãm của làng nghề cũng có lắm nhiêu khê. Ông Trần Thu - Giám đốc Công ty Gỗ mỹ nghệ Âu Lạc (Điện Phong, Điện Bàn) chia sẻ về những bất cập tại các hội chợ, triển lãm mà doanh nghiệp này được cử đi dự. “Có những hội chợ chúng tôi phải từ chối dù được UBND tỉnh hỗ trợ 100% chi phí. Nhưng cũng có những hội chợ chúng tôi tự bỏ kinh phí, có khi lên đến hàng trăm triệu đồng để được tham dự. Hay chăng UBND tỉnh nên để cho doanh nghiệp, cơ sở làm nghề có quyền lựa chọn hội chợ tham gia, chúng tôi chỉ cần được hỗ trợ về mặt pháp lý và một phần chi phí, để thật sự mang lại hiệu quả kinh doanh cũng như thương hiệu tại hội chợ đó” - ông Thu nói. Cùng vấn đề này, nghệ nhân Lê Đức Hạ (Điện Phương, Điện Bàn) cho rằng, hội chợ tại Quảng Nam năm nào cũng hỗ trợ với danh nghĩa là các làng nghề, nhưng những vị trí cho hộ làm nghề tại hội chợ thì lại không được lựa chọn, nên cơ hội quảng bá cũng gặp khó khi gian hàng được bố trí ở địa điểm không thuận lợi.

“Câu chuyện phát triển làng nghề có rất nhiều vấn đề”, là nhận định chung của những nghệ nhân, thợ giỏi… tại hội nghị. Ông Nguyễn Trường Thiên - Giám đốc Xí nghiệp Mây tre lá Âu Cơ (Núi Thành) cho biết, hiện tại ngành thủ công mỹ nghệ của Quảng Nam gặp phải sự cạnh tranh rất khốc liệt ở các địa phương khác. Đặc biệt, đối với ngành mây tre lá, theo ông Thiên, nếu các làng nghề không thay đổi công nghệ, nhạy bén với thị trường thì rất khó để nắm bắt cơ hội. Cùng với đó, quy hoạch nguyên liệu làm nghề cũng là vấn đề đặt ra, không chỉ đối với xí nghiệp Âu Cơ mà là câu chuyện dài của rất nhiều làng nghề khác trên con đường phát triển.

Sau khi nghe tất cả kiến nghị của người làm nghề, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chia sẻ với những khó khăn mà các nghệ nhân, thợ giỏi, doanh nghiệp, làng nghề đã và đang gặp phải. Từ ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các ngành thành lập đoàn công tác đánh giá từng vấn đề đặt ra cho làng nghề để có thể đưa ra những chính sách hợp lý. “Cần xác định làng nghề nào tiếp tục được đầu tư mạnh, làng nghề nào nên khoanh vùng lại. Đối với những làng nghề có điều kiện phát triển mạnh thì phải tiếp tục đầu tư như thế nào; vùng nguyên liệu cần phải được quy hoạch thích hợp ra sao. Cơ chế chính sách giữa các sở, ban ngành phải cộng hưởng và tích hợp để làng nghề phát triển” - ông Thanh nói.

SONG ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lắng nghe người làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO