Để đề án “Phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” sớm được ban hành, sát sườn hơn với nhu cầu thực tế, mới đây, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức hội nghị phản biện, lắng nghe ý kiến từ những “người trong cuộc” ở miền núi để có cơ sở hoàn thiện đề án.
Chính sách đặc thù
Ông Trần Văn Ẩn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư (đơn vị chủ trì soạn thảo đề án) cho biết, thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh, kinh tế miền núi tiếp tục tăng trưởng, quy mô được nâng lên, giá trị sản xuất năm 2020 đạt 12.325 tỷ đồng, tăng bình quân 2,9%/năm.
Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ở miền núi đạt 20,74 triệu đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo từng năm 4 - 5%; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 67,13%. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở miền núi đạt 40% (chỉ tiêu 38,5%); trạm y tế đạt chuẩn quốc gia đạt 80% (chỉ tiêu 50%); đường giao thông nông thôn cứng hóa đạt 69,14% (chỉ tiêu 43%)...
Tuy nhiên, qua đánh giá hiện chỉ có 15 chỉ tiêu có mức tăng trưởng và phát triển, 6 chỉ tiêu còn lại chưa đạt mục tiêu đề ra, chủ yếu do kinh tế - xã hội miền núi phát triển còn chậm, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của khu vực.
Do vậy, mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 50%; 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới; hơn 69% tỷ lệ độ che phủ rừng
Theo ông Ẩn, qua khảo sát, giai đoạn 2021 - 2025, tổng nhu cầu đầu tư tại 9 huyện miền núi khoảng 21.911 tỷ đồng. Ngoài các yếu tố thuận lợi, việc triển khai chính sách phát triển miền núi gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện bất lợi về địa hình, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn.
Trong khi đó, việc khai thác tiềm năng đất đai, lao động chưa được chú trọng; các dự án hỗ trợ trước đây chưa thực sự dựa trên cơ sở quy hoạch theo từng vùng; khả năng huy động nguồn lực còn thấp… Vì thế, quá trình thực hiện các dự án gặp nhiều trở ngại và thách thức.
“Trong đề án này, chúng tôi đặt ra mục tiêu xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ và đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội miền núi, giúp tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân theo hướng phát triển chủ yếu từ kinh tế lâm nghiệp, dược liệu, chăn nuôi và các sản phẩm hàng hóa đặc hữu có lợi thế.
Ngoài ra, gắn bố trí, sắp xếp dân cư với công tác bảo vệ phát triển rừng, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiếu yếu phục vụ sản xuất, đời sống và bảo vệ môi trường” - ông Ẩn cho biết thêm.
Ông Hồ Thanh Tân - nguyên Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho rằng, các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển miền núi cần phải cụ thể, sát với thực tế. Bởi đời sống của người dân miền núi còn nghèo, cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế… còn nhiều bất cập.
Trong khi đó, một số chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số và miền núi chưa thật sự đồng bộ, nguồn vốn ít theo kiểu “chắp vá” với thời gian đầu tư ngắn, cơ chế thực thi chính sách chưa được đổi mới phù hợp, mang tính đột phá. Vì thế, cần có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các cấp ngành và địa phương trong việc nâng cao hiểu biết, đổi mới tư duy về phát triển kinh tế, tạo động lực khuyến khích người dân thoát nghèo bền vững.
Dựa vào cộng đồng
Ông Nguyễn Bằng - nguyên Bí thư Huyện ủy Đông Giang cho hay, trong quá trình triển khai chính sách phát triển kinh tế- xã hội miền núi, vai trò của già làng, người có uy tín trong cộng đồng rất quan trọng. Bởi gần như họ góp công rất lớn trong việc huy động người dân tham gia các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Vì thế, bên cạnh phát huy vai trò người uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia các dự án, cần quan tâm đến việc tổ chức tập huấn nhằm kịp thời phổ biến, cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời quan tâm đến các chế độ chính sách đặc thù giúp khích lệ, động viên người uy tín tâm huyết, trách nhiệm với công việc chung của thôn, bản.
Theo ông Bằng, nguyên nhân chính dẫn đến đời sống người dân miền núi hiện nay vẫn còn khó khăn, ngoài cách trở về địa hình, còn do trình độ dân trí của người dân miền núi chưa cao khiến hiệu quả các dự án đầu tư chưa thực sự đi vào cuộc sống. Do vậy, các chính sách cần tập trung đầu tư phát triển về giao thông, giáo dục hạn chế mức thấp nhất việc “bao cấp” như trước đây.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - Nguyễn Phi Hùng đánh giá cao vai trò cộng đồng, nhất là người có uy tín trong việc triển khai thực hiện đề án phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2017 - 2021.
Từ việc triển khai đồng bộ, phù hợp đã tác động tích cực đến phát triển miền núi. Trong đó, tiêu biểu là các dự án động lực về bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư; phát triển kinh tế hiệu quả; công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Với đề án này, qua các bước tham vấn ý kiến của những “người trong cuộc, ông Hùng tin tưởng trong quá trình triển khai sẽ đem lại những kết quả khả quan,, đáp ứng với nhu cầu phát triển của miền núi, đặc biệt là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thu nhập của người dân, cùng các mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Cụm thi đua Mặt trận Duyên hải miền Trung tổng kết năm 2021
Tại TP.Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca cùng đoàn công tác vừa tham dự hội nghị tổng kết công tác Mặt trận năm 2021 cụm thi đua các tỉnh Duyên hải miền Trung gồm tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.
Năm 2021 là năm đầu tiên Mặt trận các cấp triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Trước tình hình diễn biến phức tạp của đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4, Mặt trận các tỉnh đã chủ động tham gia có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh (trong đó Mặt trận tỉnh Quảng Nam huy động hơn 43 tỷ đồng). Bên cạnh đó, Mặt trận các tỉnh đã vận động, chuyển hàng ngàn suất quà trị giá hàng chục tỷ cho đồng bào gặp khó khăn do dịch bệnh Covid -19 trong tỉnh, các tỉnh phía Nam và TP.Hồ Chí Minh…
Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị, trong bối cảnh dịch Covid-19, Cụm thi đua các tỉnh Duyên hải miền Trung tiếp tục đổi mới công tác tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, mở rộng và nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động đối ngoại nhân dân để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ về nguồn lực, kinh nhiệm của cá nhân, tổ chức quốc tế cho công tác phòng, chống dịch…
Từng địa phương cần có giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế” phù hợp trong giai đoạn mới, đảm bảo thực chất, hiệu quả đối với người dân và doanh nghiệp... (A.ĐÔNG)
Vận động nhân dân lắp đặt 145 camera giám sát an ninh
Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Điện Bàn cho biết trong năm 2021, mô hình “Khu dân cư phòng chống tội phạm - tệ nạn xã hôi - đảm bảo an toàn giao thông” được Mặt trận cơ sở trên địa bàn tiếp tục duy trì và phát huy có hiệu quả.
Trong đó, Mặt trận các địa phương đã phối hợp vận động nhân dân triển khai lắp đặt 145 camera giám sát an ninh với tổng giá trị hơn 409 triệu đồng tại các tuyến đường ở một số địa phương. Riêng xã Điện Quang đã lắp đặt 84 camera ở 6/6 khu dân cư với số tiền hơn 223 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 72 triệu đồng. (TÂM ĐAN)