(QNO) - Sáng 13.5, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV đơn vị bầu cử số 1 tiếp xúc cử tri vận động bầu cử trực tuyến tại điểm cầu hội trường Tỉnh ủy với các điểm cầu 5 địa phương: Đại Lộc, Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang và Phước Sơn.
Ứng cử viên tiếp xúc cử tri gồm: ông Nguyễn Văn Hiếu - chuyên viên Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh; bà Arất Thị Thúy Nga - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - THCS huyện Nam Giang; ông Vương Quốc Thắng - Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp (Đại học Quốc gia Hà Nội); bà Đặng Thị Bảo Trinh - Bí thư Thị đoàn, Chủ tịch Hội LHTN thị xã Điện Bàn.
Kiến nghị sửa Luật Đất đai
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cử tri đánh giá cao chương trình hành động của các ứng cử viên. Đồng thời bày tỏ tin tưởng, nếu trúng cử các ĐBQH khóa XV sẽ phát huy năng lực, kinh nghiệm để đóng góp vào hoạt động của Quốc hội, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của đông đảo cử tri.
Cử tri cũng kiến nghị nhiều nội dung đến các đại biểu ứng cử. Cử tri Nguyễn Công Bình (huyện Nam Giang) đề cập đến quy định trong Luật Đất đai 2013, đó là đất rừng không sử dụng trong thời gian 2 năm liên tục có thể bị Nhà nước thu hồi.
Ông Bình cho rằng quy định này không phù hợp với điều kiện canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, ảnh hưởng quyền lợi của người dân khi sử dụng đất đai. Do đó đề nghị ứng cử viên nếu trúng cử cần kiến nghị Quốc hội điều chỉnh điều luật này cho phù hợp với tình hình thực tế các huyện miền núi.
Ngoài ra, tại huyện Nam Giang, diện tích rừng tự nhiên rất lớn, việc chuyển đổi mục đích đất lâm nghiệp, đất rừng phải xin phép nhiều cấp. Huyện có nhiều chủ trương chuyển đổi song gặp nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện và các địa bàn khác.
Theo ông Nguyễn Công Bình, chế độ chính sách cho cán bộ bán chuyên trách rất thấp, không đảm bảo đời sống, yên tâm trong quá trình công tác. Vì vậy đề nghị các ứng cử viên nếu trúng cử phải kịp thời có kiến nghị, đề xuất giải pháp trước Quốc hội.
Một kiến nghị đáng chú ý là việc nghiên cứu ban hành Luật Nhà giáo trên cơ sở tích hợp các chế độ chính sách, quy định với nhà giáo, do cử tri Bnướch Rè (huyện Tây Giang) nêu ra tại hội nghị. Cử tri này cũng nêu thực trạng, dù tích cực được tuyên truyền pháp luật, tuy nhiên tình trạng bạo lực gia đình ở miền núi vẫn xảy ra, đề nghị có giải pháp hạn chế tình trạng này.
Cũng đề cập mức lương của cán bộ bán chuyên trách ở cơ sở quá thấp, một cử tri ở xã Đại Quang (Đại Lộc) còn nêu những khó khăn trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất bạc màu. Cử tri đề nghị các ứng cử viên trúng cử cần phản ánh với Quốc hội để điều chỉnh, tạo hành lang pháp lý phù hợp cho từng vùng miền.
Tham dự buổi tiếp xúc cử tri, đại biểu Trần Xuân Vinh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho hay, hiện nay nhiều địa phương quy hoạch sân bay, bến cảng. Trong bối cảnh ngân sách đất nước đang gặp khó khăn, ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19 thì cần phát huy hạ tầng dùng chung, nhất là sân bay, bến cảng đang có. Như vậy vừa tiết kiệm ngân sách, tránh lãng phí, vừa khai thác tiềm năng, lợi thế liên vùng, kích thích phát triển kinh tế.
Luôn đồng hành với cử tri
Trả lời những đề cập của cử tri, ông Nguyễn Văn Hiếu - chuyên viên Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh nhìn nhận, việc tích hợp các chính sách của nhà giáo để ban hành Luật Nhà giáo là ý tưởng hay, cần thiết.
Khẳng định bản thân từng có nhiều năm làm công tác nội vụ ở cơ sở, ông Hiếu cho rằng mình hiểu được tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ không chuyên trách. Đây là đội ngũ truyền tải tất cả chính sách, chủ trương của Nhà nước đến nhân dân, cử tri nhưng chế độ vẫn còn thấp so với lượng công việc ở cơ sở. Giải pháp ông Hiếu đưa ra là tiếp tục thực hiện sáp nhập, tinh gọn đội ngũ, bộ máy để từ đó nâng mức lương, các chế độ chính sách cho đối tượng này.
Clip hội nghị tiếp xúc cử tri trực tuyến:
Về kiến nghị liên quan đến chuyển đổi đất nông nghiệp, đặc biệt là đất lúa bạc màu, ông Vương Quốc Thắng - Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến cử tri, chuyển đến diễn đàn Quốc hội nếu trúng cử. Đại biểu Quốc hội sẽ đồng hành, có tiếng nói, bám sát việc xử lý kiến nghị của cử tri.
Đại diện cho 4 ứng cử viên đơn vị bầu cử số 1, ông Vương Quốc Thắng chia sẻ bản thân các ứng cử viên đều rất tiếc vì lý do dịch bệnh nên phải thay đổi chương trình tiếp xúc cử tri theo kế hoạch, không thể gặp gỡ đông đảo cử tri để trình bày chương trình hành động, trực tiếp lắng nghe băn khoăn, trăn trở của cử tri.
Khẳng định các đại biểu nếu trúng cử đều sẽ thường xuyên gắn bó, lắng nghe cử tri, có mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền nắm bắt tình hình địa phương nơi ứng cử, ông Thắng cho hay những kiến nghị của cử tri tại hội nghị đều được ghi nhận kỹ lưỡng. Và nếu trúng cử sẽ chuyển đến cơ quan, cấp có thẩm quyền giải quyết, giám sát, đôn đốc giải quyết.
“Sau khi ý kiến được chuyển đến Quốc hội và các bộ ngành, có việc sẽ được giải quyết ngay, nhưng cũng có kiến nghị sẽ kéo dài, mất thời gian rất dài. Vì vậy ứng cử viên trúng cử sẽ kiên trì, theo sát diễn biến giải quyết sự việc, đảm bảo lợi ích của cử tri, đồng thời thể hiện trách nhiệm người đại biểu nhân dân” - ông Vương Quốc Thắng khẳng định.