Lắng nghe nhân dân

C.B.L 06/11/2018 01:55

Trong buổi họp báo thường kỳ do Văn phòng Chính phủ vừa tổ chức, nhiều cơ quan báo chí đã đặt câu hỏi với nội dung xung quanh tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Tờ Zing.vn nêu vấn đề: ông Nguyễn Tiến Thành - Giám đốc Ban Quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thừa nhận dự án này chỉ đạt 6/10 điểm. Trong khi đó, đây là công trình quan trọng với số vốn lên tới hơn 34.500 tỷ đồng, vậy số vốn đầu tư có tương xứng với chất lượng công trình? Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng kiểm tra chất lượng có các quy định kỹ thuật, có thí nghiệm chứng minh, đánh giá định tính không có cơ sở xác định. Phải theo quy trình kỹ thuật thí nghiệm vật liệu đầu vào, xác suất, so sánh với thiết kế, giám sát thực hiện thi công.

Dù là “đánh giá định tính” nhưng không thể xem đây là kiểu nói khơi khơi không có cơ sở, nhất là từ đại diện của đơn vị có trách nhiệm đảm bảo chất lượng tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Và thực tế các hiện tượng như thấm dột, hư hỏng mặt đường... được phát hiện gần đây cũng nói lên phần nào con số 6/10 điểm về chất lượng công trình. Để đánh giá chất lượng tuyến cao tốc chính xác hơn, bây giờ phải làm theo quy trình với nhiều khâu như lật lại hồ sơ vật liệu, so sánh với thiết kế, giám sát thực hiện thi công... Thật là quá phức tạp, phải tốn thêm nhiều thời gian và tiền bạc nữa. Mà hình như “quy trình” này đã được một người dân “sơ khảo”, dù ở phạm vi nhỏ. Đó là ông Phạm Tấn Lực (trú xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi). Ông Lực từng là nhân viên bảo vệ công trường thi công một gói thầu trên tuyến cao tốc này. Hàng ngày, chứng kiến các đơn vị thi công lấy đất không đạt yêu cầu làm đường cao tốc, thoạt đầu, ông phản ánh sai trái với nhóm kỹ sư giám sát. Không ngờ, họ cho rằng “phận làm lính” nên khó thay đổi được gì. Vậy nên ông nghỉ hẳn và cùng với một số người dân địa phương viết đơn kèm theo hình ảnh thi công gian dối gửi đến các cơ quan chức năng. Nhưng rốt cuộc, tiếng nói của ông và nhiều người dân vẫn chưa thể lọt lỗ tai những người có trách nhiệm. Thậm chí ông còn bị dọa giết, đề nghị hối lộ... cũng vì tinh thần”thấy họ làm sai quá, tôi không chịu được”.

Lắng nghe nhân dân, giờ đây đã trở thành “phong trào” được tổ chức thường xuyên bằng các diễn đàn ở nhiều địa phương. Nhưng, từ câu chuyện của ông Lực, có thể nhận xét một cách... “định tính” rằng, việc lắng nghe và xử lý những ý kiến của nhân dân hiện vẫn chưa kịp thời, hiệu quả. Lấy ví dụ như ở lĩnh vực giao thông, nhiều ý kiến mà nhân dân phản ánh, cơ quan chức năng không chỉ được nghe mà còn thấy nữa, nhưng rất chậm xử lý, khắc phục. Bởi vậy, không ít trường hợp, đã xảy ra sự cố rồi mới “ghi nhận” ý kiến của nhân dân. Ông Lực bây giờ có lẽ vẫn còn niềm an ủi, bởi người ta đã nhìn nhận lại những điều ông nói sau khi tuyến cao tốc hư hỏng; UBND huyện Bình Sơn còn “kịp thời” xem xét khen thưởng cho công sức của ông nữa. Nhưng cái cách mà ông được lắng nghe ý kiến, thì thật tình không một người dân nào mong muốn!

C.B.L

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lắng nghe nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO