Làng nghề nồi đất khó tìm truyền nhân

PHƯỚC HIẾU 01/12/2022 07:32

Làng nồi đất hơn 300 năm tuổi ở thôn Thắng Tây, xã Quế An (Quế Sơn) đang có dấu hiệu mai một. Hiện nay thế hệ trẻ không mặn mà với nghề này khiến việc tìm kiếm truyền nhân để duy trì và phát triển làng nghề gặp khó.

Ông Xanh trao chuốt sản phẩm gốm trước khi đem phơi nắng. Ảnh: N.Q
Ông Xanh trao chuốt sản phẩm gốm trước khi đem phơi nắng. Ảnh: N.Q

Men theo con đường bê tông nhỏ chạy vào giữa thôn Thắng Tây, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của ông Giang Ngọc Xanh (hộ dân duy nhất của xã Đại An còn sản xuất và lưu giữ nghề làm nồi đất).

Trong không gian rộng khoảng 100m2, ông Xanh dành một khoảng riêng để chứa đất sét, dụng cụ để nhào nặn đất, bàn xoay bằng gỗ, các viền tre để chuốt gốm… Tranh thủ giây phút nghỉ ngơi để chuẩn bị tiếp tục nhào nặn đất làm nồi, ông Xanh chia sẻ, vợ chồng ông nối nghiệp làm nồi đất của gia đình hàng chục năm nay. Mỗi ngày ông Xanh cùng vợ bắt đầu công việc từ lúc sáng sớm đến chiều tối.

Để có nguyên liệu làm nồi đất, gia đình ông thuê xe múc đất sét ở gò đồi gần nhà chở về bảo quản. Mỗi lần vận chuyển hơn 10 khối đất sét, khi nào dùng hết thì lại chở tiếp. Trước khi làm nồi đất, vợ chồng thay phiên nhau xú nước, nhồi nặn và tiếp đến là tạo hình, chuốt cho sản phẩm thêm bóng láng rồi đem phơi khô 3 - 4 nắng và nung trong lửa đỏ khoảng 4 tiếng, sau đó đem ra để nguội là hoàn thiện.

Nồi đất sau khi được tạo hình đem phơi khoảng 2 - 4 nắng rồi mới nung thành phẩm. Ảnh: N.Q
Nồi đất sau khi được tạo hình đem phơi khoảng 2 - 4 nắng rồi mới nung thành phẩm. Ảnh: N.Q

Bình quân mỗi tháng gia đình ông Xanh sản xuất và cung cấp ra thị trường hàng trăm sản phẩm với 7 loại chủ yếu như nồi, om, chum, bùng binh, ấm, trả… Mỗi sản phẩm có giá từ 10 - 30 nghìn đồng, tùy từng loại và kích cỡ.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm của gia đình ông Xanh không chỉ ở địa phương mà còn xuất bán ra các huyện, thị xã lân cận trên địa bàn tỉnh. Nghề này đem lại thu nhập cho vợ chồng ông Xanh khoảng 10 triệu đồng/tháng.

“Trước đây nghề làm nồi đất này rất thịnh hành vì được nhiều người dân ở khắp các huyện, thị xã ưa chuộng vì giá cả rẻ, bền bỉ, dễ sử dụng vào việc nấu nướng, sắc thuốc…

Tuy nhiên, từ khi các sản phẩm làm từ kim loại ra đời, khiến nghề này bị lãng quên, khó cạnh tranh. Hiện nay ở địa phương chỉ có gia đình tôi làm nghề này. Mặc dù thu nhập không bao nhiêu, nhưng được cái chủ động thời gian, khỏe hơn đi làm thuê” - ông Xanh nói.

Lâu nay làng làm nồi đất ở xã Quế An được nhiều người dân biết đến, sản phẩm cũng dễ tiêu thụ và từng tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhiều người dân. Nhưng để khôi phục và quy tụ những nghệ nhân làm nghề nồi đất rất khó. Trong khi đó, thế hệ trẻ không mấy ai mặn mà với nghề thủ công này vì thu nhập thấp, ít có cơ hội tiếp cận với xã hội bên ngoài.

“Chỉ sợ sau này, chúng tôi già đi sẽ không còn ai nối nghiệp. Tôi hy vọng chính quyền địa phương có phương án bảo tồn và phát triển làng nghề như mở các lớp dạy nghề cho thế hệ trẻ, quảng bá sản phẩm tạo sức hút, nâng cao giá trị sản phẩm… ” – ông Xanh trải lòng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làng nghề nồi đất khó tìm truyền nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO