Hôm qua 2.8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì hội nghị đối thoại trực tuyến với cán bộ và hội viên nông dân trên toàn tỉnh để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Cuộc đối thoại thu hút nhiều kiến nghị, phản ánh từ thực tế đời sống ở các địa phương.
Phản ánh từ thực tế
Ông Nguyễn Văn Yên (xã Bình Quế, Thăng Bình) cho biết, tình hình sản xuất nông nghiệp của nông dân sau đại dịch Covid-19 gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu… đều tăng cao. Trong khi đó, sản phẩm nông nghiệp bán ra thị trường với giá thấp, thương lái ép giá gây ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu khẳng định, Quảng Nam luôn ưu tiên hàng đầu cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn từ nguồn lực cho đến nhân lực. “Chưa có tỉnh nào mà có đến 14 nghị quyết dành cho nông nghiệp nhưng vẫn còn các vướng mắc khách quan và chủ quan trong quá trình thực hiện. Tôi ghi nhận, tiếp thu hơn 50 ý kiến, kiến nghị của nông dân gửi về UBND tỉnh. Giao Văn phòng UBND tỉnh và Hội Nông dân tỉnh tổng hợp, chuyển cho các sở, ngành, đơn vị liên quan trả lời cụ thể” - ông Bửu nói.
“Tôi đề nghị nhà nước có cơ chế, chính sách ổn định tình hình này, nhất là các chính sách trợ giá, hỗ trợ đầu ra sản phẩm, thị trường tiêu thụ, liên kết sản xuất” - ông Yên nói.
Theo ông Trần Văn Công (xã Hiệp Hòa, Hiệp Đức), trước đây Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho nhân dân vay vốn sản xuất nhưng sau khi xảy ra dịch Covid-19 và bão số 9 năm 2020 thì người dân đối diện với nhiều khó khăn.
Tình cảnh thiếu vốn lại tiếp diễn, nhiều hộ dân không đủ khả năng tái sản xuất và phục hồi các diện tích có cây cối bị gãy đổ. Ông Công kiến nghị cấp có thẩm quyền cần có cơ chế hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn mới và có cơ chế hỗ trợ khuyến khích đầu tư để tái sản xuất.
Ông Alăng Chân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ating (Đông Giang) cho rằng, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 35 (ngày 29.9.2021) về cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế vườn - trang trại trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2025 là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, tại điều 3, mục 2 của nghị quyết này quy định phương thức hỗ trợ là hỗ trợ sau đầu tư, đây là vấn đề gây khó khăn cho người dân.
“Trong thực tế, nông dân ở miền núi đã là hộ nghèo, hộ cận nghèo thì chắc chắn rất khó khăn về nguồn vốn để đầu tư ban đầu. Vậy mà nghị quyết này chỉ hỗ trợ sau đầu tư thì hộ nông dân nghèo, cận nghèo ở miền núi rất khó thực hiện.
Xin hỏi, đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo ở miền núi khi thực hiện dự án phát triển kinh tế vườn - trang trại có thể cho bà con tạm ứng trước 50% tổng vốn hỗ trợ được không?” - ông Alăng Chân nói.
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Đình Tứ - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiên Phước nêu ý kiến: “Thủ tục để giải ngân nguồn vốn hỗ trợ sau đầu tư theo Nghị quyết số 35 còn rườm rà, gây khó khăn cho người dân khi thực hiện, vì yêu cầu khi quyết toán phải bằng hóa đơn”.
Tại cuộc đối thoại, nhiều ý kiến được nêu ra phản ánh nhiều khó khăn, bất cập ở cơ sở như chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội; việc khớp nối dự án khu phố chợ Chiên Đàn với quốc lộ 1 làm ảnh hưởng đến việc thoát nước của cống Ông Trang 1 và Ông Trang 2...
Trên lĩnh vực thủy sản, ngư dân xã Tam Giang (Núi Thành) cho biết, hiện nay một số chiếc tàu lớn đánh bắt xa bờ đóng theo Nghị định số 67 của Chính phủ bị hư hỏng nặng, ngư dân tốn khá nhiều tiền để sửa chữa. Trong khi đó, giá dầu tăng cao, tiền hỗ trợ nguyên liệu chậm giải ngân khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn...
Giải đáp của cơ quan chức năng
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, do dịch Covid-19 ảnh hưởng kéo dài nên các vấn đề về sản xuất bị gián đoạn, cùng với chính trị thế giới phức tạp, biến đổi khí hậu khiến giá vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao.
Bộ NN&PTNT yêu cầu doanh nghiệp tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước để chế biến, sản xuất vật tư phục vụ nông nghiệp nhằm giảm giá thành sản phẩm. Đồng thời, khuyến cáo nông dân canh tác theo hướng hữu cơ để tiết kiệm chi phí.
Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 35 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế vườn - trang trại, ông Ngô Tấn nói người hưởng chính sách này và chính quyền các cấp phải làm đúng theo quy định về thủ tục hỗ trợ, chính quyền và ngành nông nghiệp các địa phương phải đồng hành để tiếp sức nông dân.
Về các kiến nghị liên quan đến Nghị định 67, ông Ngô Tấn nói đây là chính sách mở ra con đường hiện đại hóa tàu cá cho ngư dân, có sự đồng thuận của ngư dân. Nhà nước hỗ trợ vay vốn, sửa chữa.
Tuy nhiên, về hỗ trợ sửa chữa tàu thì đang gặp vướng do chưa có hướng dẫn cụ thể từ Trung ương nên thời gian đến sẽ kiến nghị với Trung ương để sớm giúp ngư dân hưởng quyền lợi từ chính sách.
Phó Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Trường Sơn đề nghị các trường hợp vướng mắc liên quan đến cấp “sổ đỏ” trong quá trình dồn điền đổi thửa cần kịp thời phản ánh về sở.
Đối với kiến nghị liên quan khu phố chợ Chiên Đàn, Sở TN-MT theo dõi sát sao, đang yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện các hạng mục thoát nước, tránh gây ngập úng cho các khu dân cư xung quanh.
Về các chính sách vốn vay, ông Phạm Trọng - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Nam chia sẻ, người nông dân muốn vay vốn phải có phương án sản xuất hiệu quả.
Việc giảm lãi suất thì trong hợp đồng tín dụng đã có sự thỏa thuận rõ ràng, hộ vay phải chấp nhận. Trong điều kiện khó khăn đặc biệt thì người dân cần kiến nghị để ngân hàng xem xét lại.
“Đối với tàu cá đóng theo Nghị định 67, hiện nay hơn 80% bị nợ thì ngân hàng lấy đâu nguồn vốn để tiếp tục cho vay. Còn việc vay theo Nghị định 55 thủ tục còn rườm rà, gây khó khăn thì bà con báo ngay vào đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước để chúng tôi xử lý” - ông Trọng nói...