Làng nghề Phú Ninh thoi thóp

HOÀNG ĐẠO - KIM THẠCH 30/07/2022 17:40

(QNO) - Trên địa bàn huyện Phú Ninh có 2 làng nghề truyền thống là làng nghề mây tre đan Phú Thịnh và làng mộc Văn Hà. Những năm qua, dù chính quyền đã có những hỗ trợ nhất định song chưa giải quyết tốt về nguồn nguyên liệu, đầu ra cho sản phẩm và nhân lực kế cận... khiến các làng nghề này dần mai một.

Làng nghề truyền thống ở Phú Ninh đang có nguy cơ mai một. Ảnh: UBND huyện P.N
Làng nghề truyền thống ở Phú Ninh đang có nguy cơ mai một. Ảnh: UBND huyện Phú Ninh

Đìu hiu. Không còn vang vọng tiếng đục đẽo gỗ, làng mộc Văn Hà (xã Tam Thành) giờ rất im vắng. Ông Trần Ngọc Tuấn tâm tình, trước đó, để phát triển làng nghề những người làm mộc Văn Hà thành lập tổ hợp tác dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của chính quyền. Tuy nhiên hoạt động của tổ hợp tác không duy trì được lâu.

“Không thể duy trì và phát triển nên buộc lòng tôi và các thợ mộc phải thành lập nhóm riêng nhận các công trình nhà cổ, làm nhà thờ tộc, quán cà phê gỗ trên địa bàn huyện và các địa phương lân cận ở Duy Xuyên, Tam Kỳ, Đà Nẵng… Còn một số thợ khác tự nhận đơn hàng và làm riêng lẻ với các sản phẩm gia dụng như tủ, bàn, ghế, các loại cửa. Không có định hướng cũng sự hỗ trợ nào nhiều nên tự mình phải cứu vãn cho mình thôi” - ông Tuấn chia sẻ.

Không khác gì làng mộc Văn Hà, làng nghề mây tre đan Phú Thịnh (thị trấn Phú Thịnh) hiện có 71 hộ đang gắng gượng giữ nghề. 119 lao động của làng thì có đến 68 lao động nữ và phần lớn là người đã lớn tuổi. Thị hiếu tiêu dùng và những thay đổi thói quen dùng đồ gia đình hiện nay đã khiến người dân làng nghề chỉ thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng. Còn lại, họ phải bương chải làm ruộng, phụ hồ… để đủ tiền trang trải cuộc sống.

Chỉ còn người già, lao động nhàn rỗi bám trụ với nghề cha ông. Ảnh: H.Đ
Chỉ còn người già, lao động nhàn rỗi bám trụ với nghề cha ông. Ảnh: H.Đ

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh Trần Quốc Danh đánh giá, đặc thù sản phẩm làng nghề mây tre đan Phú Thịnh chủ yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nghề cá. Các hộ trong làng nghề sản xuất riêng lẻ, cầm chừng theo yêu cầu của một số cá nhân mua thu gom ở địa phương và các vùng lân cận, chưa có tổ chức sản xuất theo hợp đồng để ổn định sản xuất. Còn với làng nghề mộc Vân Hà, dụng cụ, máy móc lạc hậu, thô sơ như cưa vòng xẻ gỗ, cưa bàn liên hợp, máy tiện gỗ, một số dụng cụ điện cầm tay khác... nên năng suất lao động thấp, độ tinh xảo chưa cao.

“Diện tích trồng tre ngày càng thu hẹp từ đó nguồn nguyên liệu cho làng nghề mây tre đan Phú Thịnh có nguy cơ cạn kiệt không đủ đáp ứng cho làng nghề. Nguyên liệu cho làng mộc Văn Hà chủ yếu là mua từ các cơ sở kinh doanh gỗ trong tỉnh, một phần ít khai thác từ gỗ vườn tại địa phương nên giá cả ngày càng đắt đỏ.  Đó cũng là khó khăn chưa có hướng giải quyết hiện tại của các làng nghề ở địa phương” - ông Danh nói.

Cạnh đó, dù đã các cơ chế, chính sách hỗ trợ có liên quan đến phát triển làng nghề trong thời gian qua theo quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa thật sự phát huy được hiệu quả. Chính sách khuyến công, xúc tiến thương mại không thường xuyên, nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn, trang thiết bị hạn chế.

Một thách thức khác trong phát triển làng nghề chính là xây dựng thương hiệu, trong khi đây là yếu tố quan trọng góp phần tăng giá trị và sức cạnh tranh cho sản phẩm. Hai làng nghề truyền thống này chủ yếu vẫn sản xuất truyền thống bán sản phẩm lẻ và dựa vào thu mua của thương lái, thời vụ. Cạnh đó, nghề cha ông đang đứng trước nguy cơ mai một khi thế hệ trẻ không mặn mà khiến nguồn lao động kế thừa đang ít đi.

“Tại làng nghề mây tre đan Phú Thịnh hầu hết lao động làm nghề đều lớn tuổi, lao động nhàn rỗi, khó tiếp cận và thích ứng trong việc sản xuất ra các sản phẩm mới, khả năng ứng dụng cơ giới hóa hạn chế. Đối với làng mộc Vân Hà thì lớp trẻ không muốn theo vì nghề cha ông cực nhọc mà thu nhập thấp” – ông Trần Quốc Danh nói.

[VIDEO] - Làng nghề truyền thống ở Phú Ninh không còn lao động trẻ:

Địa phương này đang dự tính trồng rừng gỗ lớn tạo vùng nguyên liệu cho các ngành nghề. Trong đó, sẽ nghiên cứu qui hoạch vùng nguyên liệu tre tại các khu vực phù hợp tạo ra vùng nguyên liệu tre cho làng nghề mây tre đan Phú Thịnh và các cơ sở mây tre trên địa bàn huyện. Song hành, qui hoạch hệ thống các cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm và các xưởng sản xuất… để giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề.

“Đồng thời, chính quyền cũng hỗ trợ kỹ thuật xử lý nguyên liệu, đặc biệt là chống mối, mọt cho mây, tre, gỗ để nâng chất lượng, tính cạnh tranh cho sản phẩm. Song song, huyện phát triển làng nghề mới gắn với sản phẩm OCOP để tìm kiếm nguồn lực về vốn, thị trường cho người dân làng nghề nâng cao đời sống” – Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh Trần Quốc Danh cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làng nghề Phú Ninh thoi thóp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO