(QNO) - Những ngày này, đến thăm làng nghề Quán Hương ở tổ 11, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, đâu đâu cũng thấy không khí khẩn trương, rộn ràng cùng mùi hương thơm ngát và những bó tăm hương xòe đỏ rực.
Người dân Quán Hương tất bật sản xuất cung ứng cho vụ tết. |
Ra đời cách đây gần 200 năm, trải qua nhiều thăng trầm, năm 2004, làng nghề được khôi phục đầu tư quy hoạch, xây dựng cổng làng, nhà truyền thống, đường bê tông liên xóm... để tạo thuận lợi cho việc sản xuất. Đến nay, làng có hơn 100 hộ dân trong tổng số 180 hộ chuyên sản xuất hương với trên 300 lao động. Nhu cầu ngày càng cao, thay vì sản xuất thủ công theo phương pháp se hoặc nhúng bột lên tăm hương như trước, hầu hết các gia đình làm nghề đều sử dụng máy điện. Qua đó, góp phần tăng năng suất, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân trong làng.
Ông Võ Tấn Hiếu - Trưởng ban làng nghề Quán Hương cho biết: “Trước đây, làng có 27% hộ nghèo, nhờ nghề làm hương, tỉ lệ này hiện chỉ còn 6%. Hiện trong làng có hơn 50 máy sản xuất hương công nghiệp, đem lại thu nhập đáng kể cho người dân. Dần dần, đây cũng là nghề chính của nhiều hộ gia đình”.
Nghề làm hương tại làng Quán Hương thu hút mọi lứa tuổi tham gia, kể cả những người già. Người dân trong làng làm nghề quanh năm nhưng dịp tết nhộn nhịp nhất. Để kịp giao các đơn hàng ở xa, người dân còn tranh thủ làm tới 1 - 2 giờ sáng, bù lại sản phẩm làm ra tới đâu tiêu thụ hết tới đó. Trung bình, mỗi lao động có thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng, trong tháng cuối năm này có thể tăng gấp đôi.
Gắn bó với nghề làm hương nhiều năm nay, anh Võ Đức Thành, chia sẻ: “Những ngày cận tết, khách đặt hàng làm không xuể. Hàng làm ra được các thương lái mua đem đến tận Quảng Trị, Quảng Bình, vào các tỉnh phía Nam để phục vụ cho người dân”.
Sản phẩm của làng Quán Hương từ lâu đã nổi tiếng trong vùng. |
Nét đặc trưng trong sản phẩm của làng nghề Quán Hương là bột hương được làm từ hai hỗn hợp chính gồm bột quế Trà My và bột vỏ cây bời lời đỏ ở vùng đất Tây Nguyên. Nhờ đó, thẻ hương có mùi thơm ngát, tốc độ cháy chậm và không gây hại tới sức khỏe. Để đảm bảo thương hiệu, ở làng nghề hiện có 6 hộ đầu tư máy móc, cung ứng nguyên liệu tại chỗ cho các hộ sản xuất; trung bình mỗi tháng các hộ này cung ứng 30 tấn tăm hương và 50 tấn bột các loại. Đồng thời, nhiều gia đình cũng đã tổ chức đăng ký thương hiệu, đem sản phẩm giới thiệu tại các hội chợ, triển lãm làng nghề.
Tính bình quân, mỗi năm làng nghề sản xuất khoảng 800 tấn hương, thị trường tiêu thụ khắp cả nước. Nhiều gia đình đã tranh thủ sản xuất ngay từ dịp hè, trữ hàng phục vụ tết. Ngoài hình thức làm hương truyền thống, nhiều gia đình còn sản xuất thêm mặt hàng hương vòng, viên hương trầm để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Ngày cuối năm, đến thăm làng Quán Hương, nghe nhang trầm thoang thoảng, nhìn không khí làm việc khẩn trương của dân làng, mới thấy tết đang đến rất gần. Phong vị tết cổ truyền sẽ theo những chuyến xe đi xa, đến từng nhà, từng vùng, ấm thêm không khí ngày xuân.
PHƯƠNG GIANG - ALĂNG NGƯỚC