Lắng nghe thanh niên

GIA KHANG 19/10/2022 07:12

Một cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thị xã Điện Bàn với bí thư chi đoàn thôn, khối phố, bí thư đoàn xã, phường vừa diễn ra nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên, từ đó kịp thời hướng dẫn, giải đáp những khó khăn, thắc mắc.

Nhiều ý kiến, kiến nghị của thanh niên đã được lãnh đạo Điện Bàn lắng nghe, giải đáp.Ảnh: V.LỘC
Nhiều ý kiến, kiến nghị của thanh niên đã được lãnh đạo Điện Bàn lắng nghe, giải đáp.Ảnh: V.LỘC

Trăn trở việc làm

Là địa bàn rộng, dân số đông, nhất là lực lượng thanh niên trong độ tuổi lao động, vì vậy vấn đề đào tạo, giải quyết việc làm cho thanh niên, đặc biệt thanh niên xuất ngũ là một trong những nội dung được nhiều bạn trẻ Điện Bàn quan tâm tại hội nghị. Một đoàn viên đến từ Đoàn xã Điện Thọ đề xuất, thị xã cần mở thêm nhiều lớp dạy nghề cho thanh thiếu niên có nguyện vọng như cắt tóc, sửa xe, may công nghiệp…

Gắn với đó là công bố danh sách các công ty có nhu cầu tuyển dụng, qua đó giúp giải quyết việc làm cho thanh niên bởi nhu cầu việc làm của giới trẻ khá lớn. Riêng với đào tạo nghề cho thanh niên xuất ngũ, cần bám sát thực tế và nhu cầu của doanh nghiệp, để thanh niên có việc làm sau khóa học, tránh tình trạng đào tạo lãng phí.

Điện Bàn hiện có khoảng 127 nghìn người trong độ tuổi lao động. Thời gian qua bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, UBND thị xã đã chỉ đạo các địa phương tổ chức rà soát, thống kê nhu cầu học nghề gửi về Phòng LĐ-TB&XH (nghề phi nông nghiệp) và Phòng Kinh tế (nghề nông nghiệp) để tổ chức các lớp đào tạo nghề theo yêu cầu của người lao động.

Ông Trần Ngọc Hưng - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH Điện Bàn cho biết, trong quá trình học nghề người lao động được hỗ trợ tất cả chi phí liên quan như tiền ăn 30 nghìn đồng/ngày, tiền đi lại (15km) 200 nghìn đồng/người/khóa (đối với người lao động khuyết tật, người thuộc diện gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ thu hồi đất).

Kết thúc khóa học người lao động được giới thiệu việc làm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn, nếu người lao động tự tạo việc làm thì được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị định 74 ngày 23/9/2019 của Chính phủi tối đa không quá 100 triệu/người.

“Bình quân mỗi năm thị xã giải quyết việc làm cho 5.000 – 6.000 thanh niên, trong đó tạo việc làm mới cho khoảng 3.000 người” - ông Hưng thông tin.

Năm 2022 Điện Bàn được phân bổ 600 triệu đồng đào tạo nghề theo 2 nhóm nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, đã mở 5 lớp (mỗi lớp 35 học viên) đào tạo một số ngành như trang điểm, chế biến món ăn, kỹ thuật trồng trọt… Đa phần học viên có việc làm sau khóa học.

Trăn trở nguồn vốn

Bên cạnh nhu cầu việc làm, các vấn đề lập thân, lập nghiêp, khởi nghiệp sáng tạo cũng thu hút sự quan tâm của nhiều đoàn viên tại hội nghị, trong đó nguồn vốn vay cho sản xuất, kinh doanh được khá nhiều thanh niên kiến nghị.

Anh Nguyễn Đức Phong (xã Điện Phương) cho biết, anh đang thực hiện mô hình chăn nuôi bò quy mô nhỏ lẻ, sắp tới muốn chuyển sang chăn nuôi tập trung, bán công nghiệp với dòng bò 3B nên rất cần vốn vay lãi suất thấp từ nguồn phát triển nông nghiệp, mong thị xã hỗ trợ.

Theo anh Trần Thế Thông (xã Điện Phước), Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ vay vốn đối với các mô hình sản xuất nhằm giúp thanh niên làm giàu trên chính quê hương, bởi nguồn vốn vay hiện khá khó khăn, lãi suất cao.

 

Trả lời thắc mắc này, ông Nguyễn Hữu Chương - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Điện Bàn cho biết, thời gian qua bên cạnh rất nhiều chương trình cho vay dành cho các đối tượng, mục tiêu như hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, nước sạch, vệ sịnh môi trường…, hiện mới chỉ có nguồn vốn giải quyết việc làm (dành cho nhiều đối tượng).

Riêng nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp dành cho thanh niên chưa được chuyển về địa phương nên ngân hàng chưa thể giải quyết được. Năm 2022, Ngân hàng Chính sách Điện Bàn quản lý nguồn vốn 435 tỷ đồng hỗ trợ vốn vay cho nhiều chương trình, trong đó không có chương trình dành riêng cho thanh niên.

Những năm qua mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp của đoàn viên, thanh niên phát triển ngày càng sâu rộng. Một số mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ bước đầu đem lại hiệu quả cao. Dù vậy, nút thắt đối với các bạn trẻ trong quá trình khởi nghiệp chính là nguồn vốn, dẫn đến không ít thanh niên bỏ cuộc giữa chừng do khó khăn về vốn.

Nguồn vốn vay giải quyết việc làm hiện ở hạn mức thấp (50 triệu đồng), trong khi nhu cầu sử dụng vốn để thanh niên phát triển kinh tế đòi hỏi cao hơn cũng khiến quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp gặp khó.

Theo ông Nguyễn Xuân Hà – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, sắp tới thị xã sẽ nghiên cứu tìm nguồn để hỗ trợ cho thanh niên, đồng thời có thể huy động các nguồn từ khởi nghiệp sáng tạo, hội doanh nghiệp để hỗ trợ thanh niên sản xuất kinh doanh, lập thân lập nghiệp.

Theo ông Phan Minh Dũng - Bí thư Thị ủy Điện Bàn, trách nhiệm của Đảng, chính quyền là phải quan tâm, hỗ trợ, định hướng thanh niên nhưng thanh niên cũng phải tự rèn luyện, nỗ lực vươn lên thì mới tiến bộ phát triển được.

Sau hội nghị, lãnh đạo thị xã sẽ chỉ đạo các phòng ban liên quan tiếp thu tất cả ý kiến, thắc mắc của đoàn viên thanh niên và có văn bản trả lời chậm nhất vào ngày 14/11/2022. Ngoài ra, Ban Dân vận, Thị đoàn cũng sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến của thanh niên, phân nhóm vấn đề để tham mưu Thị ủy giao nhiệm vụ, chậm nhất ngày 24/10/2022.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lắng nghe thanh niên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO