Liên tiếp trong nhiều ngày qua hoạt động sản xuất của một số làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng lớn bởi thời tiết bất lợi.
Thông thường mọi năm, sang đầu năm mới là thời tiết ở miền Trung ổn định với các ngày nắng kéo dài. Thế nhưng năm nay, dù Tết Nguyên đán đã trôi qua khá lâu nhưng các đợt không khí lạnh vẫn liên tiếp ảnh hưởng khiến người dân thấp thỏm, lo lắng. Hai tuần vừa rồi, trên địa bàn tỉnh trời liên tục âm u, thỉnh thoảng mới có một ngày nắng nhẹ, thậm chí có lúc còn có mưa rải rác.
Vào thời điểm này các năm trước, nhiều ngõ ngách ở làng nghề Quán Hương (thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình) đã ngan ngát mùi hương và những bó tăm hương xòe đỏ rực phơi rải khắp nơi dưới cái nắng giòn tan. Còn bây giờ, người dân vừa phải nhọc công dùng các giàn phơi xếp hương tránh ẩm thấp vừa phải trông chừng đem bạt che phủ bởi những cơn mưa lất phất có thể kéo đến bất cứ lúc nào. Ông Nguyễn Đức Phu (trú tổ 11, thị trấn Hà Lam) ngao ngán: “Cả tuần nay nhà có việc đi đâu lâu một chút cũng không được bởi trời cứ mưa tạnh thất thường, phải liên tục canh chừng, còn nếu đi phải mang hương vào nhà cất, không phơi được chừng vài hôm là hư hại mất”. Còn ông Võ Ngọc Anh (hàng xóm của ông Phu) thì bộc bạch, ở đây dù phần lớn người dân đã có máy tự động làm hương nhưng máy sấy thì không có, bởi vậy vẫn dựa rất lớn vào ông trời để mưu sinh. Ông Anh và nhiều người khác phải tranh thủ những lúc trời nắng hoặc tạnh ráo là đem hương ra phơi, rồi thấp thỏm canh chừng, nếu trời âm u là tất bật dọn dẹp. Không ít lần, hương đã ra lò nhưng không có nắng trong vài ngày liên tục đành phải tháo bột ra lại để lấy tăm hương tái sử dụng nhưng chất lượng không được như lúc đầu. Trung bình, trong mùa nắng mỗi lao động một ngày có thể thu nhập được khoảng 100 - 150 nghìn đồng nhưng với tình hình thời tiết như vậy thì nhiều người sẽ thất thu.
Trời liên tục âm u khiến người làm bánh tráng thấp thỏm. |
Ở xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, nghề tráng bánh tráng cũng đang sản xuất cầm chừng bởi không có nắng để làm khô bánh. Nhiều người lao động ở đây than thở, một số thứ khác không có nắng to vẫn phơi dần được chứ bánh tráng mà trời yểu yểu một chút là sượng và chất lượng bị giảm sút ngay. Bà Nguyễn Thị Bảy (thôn Triêm Đông 2, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn) than thở, nghề nào cũng vất vả nhưng với nghề tráng bánh này lỗ lãi dựa vào ông trời quá nhiều. Thông thường, khi sang đầu năm mới là khoảng thời gian đẩy mạnh hoạt động sản xuất để cung ứng hàng ra thị trường nhưng nếu kiểu thời tiết âm u này thì thất thu.
Một số nghề thủ công truyền thống khác cũng đang bị ảnh hưởng đáng kể bởi thời tiết như gốm La Tháp (Duy Hòa, Duy Xuyên), nước mắm Cửa Khe (Bình Dương, Thăng Bình)… Trong bối cảnh các làng nghề đã phải đối mặt với không ít khó khăn thì gần đây, thời tiết cực đoan thường xuyên xảy ra gây bất lợi đến quá trình sản xuất. Điều này cũng cần được tính đến trong chiến lược phát triển ngành nghề của các địa phương, bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu mỗi ngày thêm rõ nét…
QUỐC TUẤN