Môi trường

Lắng nghe thiên nhiên và động vật hoang dã

HÀ SẤU 11/02/2024 12:05

Du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã dần trở thành xu hướng được du khách quan tâm. Quảng Nam có nhiều dư địa để thúc đẩy loại hình này.

tnb-62059-02.jpg
Đàn cò ốc quý hiếm thường xuất hiện kiếm ăn vào mùa hè ở Sông Đầm là một tài nguyên giá trị cần nghiên cứu khai thác gắn với hoạt động du lịch. Ảnh: PHAN VŨ TRỌNG

Xu hướng của tương lai

Đại dịch COVID-19 đã chấm dứt giai đoạn tăng trưởng nóng của ngành du lịch nước ta (khoảng từ 2015 - 2019) và đòi hỏi phải có sự chuyển đổi để thích ứng bối cảnh mới, nhất là khi du khách ngày càng có xu hướng quay về với tự nhiên, trải nghiệm lại các giá trị nguyên bản của cuộc sống.

Theo ước tính của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 3 triệu người đi du lịch tham quan động vật hoang dã.

Ở nước ta, loại hình này còn tương đối mới mẻ và chỉ mang lại doanh thu khoảng 100 tỷ đồng mỗi năm, rất khiêm tốn so với doanh thu toàn ngành.

Thực tế cho thấy dù chỉ là công viên bảo tồn động vật bán hoang dã nhưng River Safari là một trong số khu vực lôi cuốn du khách mọi lứa tuổi nhất khi đến với Vin Wonders Nam Hội An (Thăng Bình).

Ông Hoàng Hoa Quân - Phó Trưởng phòng Quản lý lữ hành, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam thông tin, ngành du lịch đang xây dựng bộ tiêu chí tăng trưởng xanh cho điểm đến du lịch ở nước ta, trong đó các giá trị tiêu chí về xanh chiếm 70% số điểm đánh giá, riêng bảo tồn động vật hoang dã chiếm 10%.

Dự thảo Chương trình hành động du lịch xanh đến năm 2030 cũng đề cập việc chú trọng xây dựng các sản phẩm cung cấp trải nghiệm cho khách du lịch tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên, đặc biệt là động vật hoang dã. Các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên sẽ là địa bàn ưu tiên thúc đẩy du lịch xanh.

Nhận diện cơ hội, Vườn quốc gia Sông Thanh đã có những động thái để thiết lập nền tảng, tiếp cận loại hình du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên trong tương lai.

Ban quản lý Vườn quốc gia Sông Thanh đã phác thảo 7 điểm du lịch ưu tiên phát triển gồm: lòng hồ Khe Vinh, thượng nguồn Sông Thanh, vườn thực vật, vườn dược liệu, trung tâm du khách, cầu treo xã Tà Bhing, dọc sông Ring.

Ông Tào Quý Tâm - Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Sông Thanh cho hay, các khu vực trên đã có quy hoạch, định hướng phát triển loại hình du lịch phù hợp cũng như định vị các điểm nhấn nổi bật thu hút khách. Kỳ vọng các doanh nghiệp có tiềm lực sẽ sớm nghiên cứu, xúc tiến hợp tác phát triển du lịch.

Cơ hội nào cho Quảng Nam?

Dù có sự đa dạng sinh học về loài cao, nhưng số lượng cá thể một số loài quý hiếm như sao la, voi hay khướu Ngọc Linh… rất khiêm tốn nên không dễ để thúc đẩy loại hình du lịch bảo tồn động vật hoang dã. Dầu vậy, không phải là không có cơ hội.

Vào mùa hè, hàng nghìn con cò ốc (có tên trong Sách đỏ Việt Nam) bay về rợp một góc trời sông Đầm, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ. Vùng đất ngập nước này đang được quy hoạch phát triển thành bảo tàng đa dạng sinh học.

Tương lai gần, Bãi Sậy - Sông Đầm được kỳ vọng sẽ trở thành “đất lành” để các loài chim hoang dã sinh sôi, trở về tạo ra nét mới mẻ cho điểm du lịch này.

Có dịp ghé Tam Mỹ Tây (Núi Thành) tảng sáng một ngày đẹp trời, du khách sẽ phải trầm trồ khi được chiêm ngưỡng đàn voọc chà vá chân xám túc tắc tìm lá cây ăn sáng rộn rịp một góc rừng Hòn Dồ. Đây có thể xem là nơi dễ quan sát đàn vọoc nhất ở cả khu vực miền Trung với số lượng ghi nhận năm 2022 khoảng 70 cá thể.

Ông Lê Hoàng Hà - Giám đốc Công ty Du lịch EMIC Travel cho hay, đã từng tham gia trải nghiệm, khảo sát và nhận thấy điểm đến này hội tụ nhiều yếu tố để thúc đẩy du lịch giáo dục, du lịch có trách nhiệm.

tnb-62059-01.jpg

“Với hạt nhân là đàn voọc, cần định hình sản phẩm du lịch mà Tam Mỹ Tây cung cấp là gì, loại hình ra sao; ví dụ như du lịch giáo dục, trải nghiệm văn hóa bản địa, trekking… Khi có sản phẩm rồi chúng ta sẽ mời một số đơn vị lữ hành để phối hợp nghiên cứu, xúc tiến thị trường cho điểm đến Tam Mỹ Tây trong thời gian sớm nhất” - ông Hà nhận định.

Loài khỉ là đối tượng đáng chú ý, cần sớm có giải pháp bảo tồn cũng như khai thác hợp lý phục vụ du lịch. Hai khu vực tiềm năng nhất là Cù Lao Chàm và hồ Phú Ninh, thậm chí số cá thể khỉ ở Cù Lao Chàm đã sinh sôi đến mức đáng báo động, tác động đến đời sống dân cư.

Cù Lao Chàm hay hồ Phú Ninh đều đã là những điểm du lịch phổ biến, thu hút lượng du khách khá lớn nên nếu hình thành được những “đảo khỉ”, "vương quốc khỉ" với phương thức tương tác, trải nghiệm độc đáo có thể sẽ là sản phẩm tạo đột phá cho hai khu vực này.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lắng nghe thiên nhiên và động vật hoang dã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO