Nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh hiện phải “nhập khẩu” nguyên liệu gây tốn thêm chi phí vận chuyển và thiếu chủ động trong hoạt động sản xuất. Trong khi đó công tác quy hoạch vùng nguyên liệu cho các làng nghề ở một số nơi chưa được chú trọng.
Máy sản xuất phở sắn cho năng suất cao. |
“Nhập khẩu” nguyên liệu
Ông Trần Trung Thu (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn) đã gắn bó với nghề làm phở sắn mấy chục năm nay. Nhưng khoảng gần 5 năm trở lại đây, muốn sản xuất phở sắn, ông phải mua nguyên liệu từ các tỉnh Gia Lai, Kon Tum về. “Thời tiết mấy năm nay ngày nắng nhiều hơn ngày mưa, thuận tiện cho việc làm phở sắn. Đã vậy còn có máy sản xuất phở sắn nữa nên năng suất cao, đỡ nặng nhọc hơn trước. Nhưng khổ một nỗi, đến khi mọi chuyện đều thuận lợi thì nguồn sắn nguyên liệu tại chỗ lại khan hiếm” - ông Thu chia sẻ.
Chi phí vận chuyển sắn từ các tỉnh khác về rất cao nên mỗi lần mua, các hộ dân làm nghề sản xuất phở sắn tại Quế Sơn phải nhập với số lượng lớn. Với những hộ có vốn mạnh, sẽ nhập một lần rồi cho vào kho bảo quản cẩn thận. Trong khi đó, nhiều hộ sản xuất nhỏ lẻ, phải hùn vốn lại để thuê xe chở sắn về. Chị Trần Thị Thu Thủy (một hộ sản xuất phở sắn nhỏ tại thị trấn Đông Phú) tâm sự: “Không có kho như họ nên tôi nhập sắn mỗi lần một ít, nhập nhiều thì sợ trời mưa sẽ hư nhưng cứ nắng ráo mấy ngày liền là nguồn sắn nguyên liệu lại cạn”.
Làng chiếu cói Bàn Thạch phải nhập nguyên liệu từ nơi khác. |
Cùng tình cảnh với làng nghề phở sắn ở Quế Sơn, người dệt chiếu cói ở làng chiếu Bàn Thạch (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) cũng phải nhập cói nguyên liệu từ TP.Hồ Chí Minh. Xưởng dệt chiếu của chị Trần Thị My tại thôn Vĩnh Nam có 10 máy dệt, mỗi ngày sản xuất được khoảng 100 chiếc chiếu nhưng nguồn cói nguyên liệu đều phải nhập từ tỉnh khác. “Ngày trước, cói ở Duy Vinh nhiều vô kể, nhưng sau này vì nhiều lý do mà cây cói ít dần. Đầu tư mở xưởng quy mô lớn, nghĩ rằng cây cói quê mình sẽ luôn có, thế mà đến nay lại phải mua nơi khác, tiền vận chuyển cao nên xưởng gặp nhiều khó khăn” - chị My nói.
Chưa chú trọng
Theo số liệu từ Phòng NN&PTNT huyện Quế Sơn, trên địa bàn huyện có 2.600ha đất trồng sắn với năng suất 240 tạ/ha/năm. Điều đáng nói, trong khi sản lượng sắn thu hoạch lớn như vậy nhưng làng nghề phở sắn lại loay hoay tìm nguồn sắn nguyên liệu. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Vũ Tánh, Phó Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Quế Sơn cho biết, giống sắn để làm phở sắn hay còn gọi là giống sắn lùn, cho năng suất rất thấp. Trong quá trình sản xuất nguồn nguyên liệu để cung cấp cho các nhà máy chế biến tinh bột, huyện đã khuyến khích người dân chuyển sang trồng giống sắn cho năng suất cao như bây giờ. Tuy nhiên, giống sắn này lại không thể làm phở sắn vì không có độ dẻo. “Hiện chúng tôi hoàn chỉnh đề án xây dựng chuỗi giá trị phở sắn. Theo đó, phòng sẽ nghiên cứu lấy giống sắn tại các tỉnh Tây Nguyên để về quy hoạch trồng tại địa phương nhằm giải quyết vấn đề khan hiếm nguồn sắn nguyên liệu tại làng nghề phở sắn” - ông Tánh cho biết.
Còn nguyên nhân khiến cho diện tích trồng cói tại xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên chỉ còn 1/3 so với những năm trước, vì việc ngăn mặn trên những cánh đồng cói khiến cho cỏ dại phát triển nhanh. Hơn nữa, thu nhập từ việc trồng cói khá thấp nên ít ai mặn mà. Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Duy Xuyên nói: “Trong công tác bảo tồn làng nghề, chúng tôi đã tổ chức nhiều chương trình quảng bá và xây dựng thương hiệu cho làng chiếu Bàn Thạch. Tuy nhiên, việc khuyến khích người dân trồng cói để phục vụ cho làng nghề gặp rất nhiều khó khăn, nằm ngoài khả năng của địa phương”.
Nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh đã được các địa phương khuyến khích phát triển và có nhiều hỗ trợ về máy móc, kỹ thuật đến lao động chuyên nghiệp nhưng công tác quy hoạch vùng nuôi trồng nguyên liệu cho các làng nghề này ở một số nơi hiện vẫn chưa được chú trọng. Nếu không sớm có hướng đi đúng đắn trong việc bảo tồn và phát triển, chắc chắn sẽ có thêm nhiều làng nghề lâm vào tình trạng như làng phở sắn Quế Sơn và chiếu Bàn Thạch!
PHAN VINH