Sáng qua 25.12, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị gặp mặt 120 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh năm 2019. Tại hội nghị này, Mặt trận tỉnh lần nữa khẳng định, luôn coi trọng vai trò của già làng, người có uy tín và quan tâm phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhiều băn khoăn, kiến nghị
Để thực hiện tốt vai trò là tổ chức đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân, hằng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thường xuyên tổ chức các diễn đàn, hội nghị, nhằm tranh thủ ý kiến, kiến nghị của các vị già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số về vấn đề xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung và khu vực miền núi nói riêng.
Tại hội nghị lần này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tiếp thu 13 lượt ý kiến xung quanh các vấn đề sáp nhập thôn; chính sách cho người có công và đồng bào dân tộc thiểu số; thủ tục cấp đất rừng, đất ở; bảo tồn phát huy các sản phẩm văn hóa của đồng bào vùng cao; giải quyết việc làm cho thanh niên miền núi…
Già làng Alăng A, người có uy tín ở xã Chà Vàl (Nam Giang) nêu vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân quá chậm, thực tế đã xảy ra tình trạng tranh chấp đất đai. Trong khi đó, một số hộ do điều kiện khó khăn nên không có tiền để nộp lệ phí theo quy định khi làm thủ tục cấp sổ đỏ. Vì vậy, mong Nhà nước đẩy nhanh tiến độ làm thủ tục cấp đất cho dân, đồng thời quan tâm, hỗ trợ những gia đình khó khăn.
Ông Nguyễn Đình Sơn (Phước Sơn), đề nghị tỉnh xem xét lại chính sách đào tạo, bố trí cán bộ theo đề án 500, 600. Đồng thời có giải pháp để nhân dân miền núi sớm được khai thác gỗ làm nhà ở; bố trí việc làm cho học sinh cử tuyển…
Chia sẻ với phóng viên bên lề hội nghị, già làng Bríu Bố (Tây Giang), nói: “Những năm qua, Đảng, Nhà nước và địa phương dành nhiều quan tâm, đầu tư nhằm phát triển khu vực miền núi. Tuy nhiên hiệu quả đem lại thực sự thì còn nhiều việc phải làm, phấn đấu. Để xóa đói giảm nghèo, theo tôi cần có giải pháp để phát huy nội lực và kết hợp giải quyết bài toán đầu vào, đầu ra cho nhân dân. Cần hướng dẫn cho bà con cả việc lựa chọn cây, con giống và cách nuôi trồng, có chính sách đầu tư hạ tầng để lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm cho người dân miền núi”.
Tại hội nghị, đại diện Ban Dân tộc tỉnh đã trả lời, giải đáp làm rõ một số vấn đề mà người có uy tín các địa phương đề cập. Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vũ Văn Thẩm tham gia phát biểu ý kiến, phân tích và thông tin đến người có uy tín những chủ trương, chính sách dành cho miền núi…
Phát huy vai trò người có uy tín
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, để đảm bảo quyền bình đẳng giữa các dân tộc được phát huy, có sự hiện diện và tiếng nói của dân tộc mình trong các cơ quan quyền lực Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận và đoàn thể các cấp trong tỉnh đã vận động và hiệp thương dân chủ, giới thiệu 1.233 cá nhân tiêu biểu có uy tín đại diện các thành phần dân tộc tham gia đại biểu HĐND các cấp; vận động 2.082 vị tham gia làm thành viên Ủy ban MTTQ các cấp và nhiều vị là nhân sĩ, trí thức tham gia các hội đồng tư vấn, ban tư vấn về công tác dân tộc của Mặt trận các cấp.
Ngoài ra, Mặt trận đã phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành liên quan thực hiện tốt công tác vận động, hướng dẫn nhân dân bầu chọn 402 người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số và người Hoa trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 12/2018 của Thủ tướng.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Phi Hùng khẳng định, Mặt trận luôn coi trọng vai trò của già làng, người có uy tín và quan tâm phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Định kỳ hàng quý, Mặt trận các địa phương tổ chức tổng hợp ý kiến, kiến nghị của các vị Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp là cá nhân tiêu biểu người dân tộc thiểu số và đồng bào các dân tộc thiểu số để phản ánh với các cấp ủy, chính quyền các cấp.
Nhấn mạnh vai trò của các già làng, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc, ông Hùng nói: “Thực trạng chung ở nhiều địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đó là tâm lý trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước, cộng đồng; tinh thần, ý thức tự giác trong lao động sản xuất, vượt lên thoát nghèo chưa được phát huy. Để làm thay đổi điều này là hết sức khó khăn. Vì vậy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh mong muốn, các già làng, người có uy tín tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm để tuyên truyền, vận động bà con hưởng ứng chủ trương của Đảng, Nhà nước và địa phương về giảm nghèo, với hy vọng đời sống đồng bào có sự phát triển; diện mạo nông thôn miền núi khởi sắc…”.