Lắng nghe trẻ em nói

DIỄM LỆ 23/06/2017 08:48

Sở LĐ-TB&XH vừa tổ chức Diễn đàn trẻ em tỉnh năm 2017 để lắng nghe tâm tư, giải đáp những thắc mắc của trẻ. Đây cũng là dịp nhìn lại việc giải quyết các vấn đề trẻ em nêu ra từ diễn đàn năm 2015.

Tại diễn đàn, trẻ em đã đưa ra nhiều thông điệp qua các tiểu phẩm, thuyết trình. Ảnh: D.LỆ
Tại diễn đàn, trẻ em đã đưa ra nhiều thông điệp qua các tiểu phẩm, thuyết trình. Ảnh: D.LỆ

Giải quyết khuyến nghị của trẻ

Tại Diễn đàn trẻ em năm 2017, đại diện Sở LĐ-TB&XH đã thay mặt lãnh đạo tỉnh điểm lại những khuyến nghị của trẻ em nêu ra từ năm 2015 và kết quả thực hiện đến thời điểm này. Trong đó, cả 244 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có Ban bảo vệ trẻ em. Nhiều mô hình chăm sóc, bảo vệ trẻ em được xây dựng và nhân rộng như mô hình phòng ngừa và trợ giúp trẻ lang thang, trẻ bị tai nạn thương tích, bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; phòng ngừa, trợ giúp trẻ bị xâm hại, bị bạo lực, trẻ em làm trái pháp luật; trợ giúp trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và mắc bệnh hiểm nghèo. Tỉnh cũng đã lập “đường dây nóng” tư vấn, hỗ trợ trẻ em qua số điện thoại 18001567. Đã có 181 trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh được các tổ chức trong và ngoài tỉnh hỗ trợ phẫu thuật miễn phí với tổng số tiền hơn 3,5 tỷ đồng…

Tham dự diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh đã trả lời một số vấn đề trẻ đưa ra. Trong đó, đối với các công trình xây dựng để xảy ra tai nạn chết người, nhất là tai nạn đối với trẻ em, sẽ bị điều tra, xử lý nghiêm. Đồng thời UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường phối hợp quản lý nhà thầu, có biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, đặc biệt là trẻ em, khi thi công dự án, công trình.

Riêng câu chuyện tìm việc làm sau này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh chia sẻ rằng, khi các cháu lớn lên nên tham khảo, tìm hiểu trước rồi mới đi đến quyết định học cái gì, ngành gì nhu cầu xã hội cần và phù hợp với mình. Đối với việc xin vào các cơ quan nhà nước, từ nay trở đi khi có nhu cầu tuyển dụng, tỉnh đều tổ chức thi công chức, viên chức, nên mọi người bình đẳng với nhau. Các cháu có thể yên tâm rằng người có năng lực sẽ được tuyển dụng, đừng nghĩ vì mình không phải con ông cháu cha hay gia đình không có tiền nên sẽ không được tuyển dụng...

Ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, dù đã có nhiều giải pháp thực hiện các khuyến nghị của trẻ em từ năm 2015 đến nay, nhưng một số khuyến nghị vẫn chưa được thực hiện tốt. Đó là việc xây dựng các khu vui chơi cho trẻ, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa; ít đầu tư xây dựng hồ bơi ở các địa phương do thiếu nguồn kinh phí. Ngành chức năng đã tập trung quản lý, thanh tra, kiểm tra nhưng vẫn khó ngăn chặn sự ảnh hưởng xấu từ một số quán internet, các trang mạng có nội dung không lành mạnh; trong đó có nguyên nhân từ sự bùng nổ của công nghệ, bố mẹ mua sắm điện thoại thông minh cho trẻ sử dụng, có thể truy cập internet mọi lúc, mọi nơi. Hay tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn còn diễn ra nhiều mà chưa thể kiểm soát. Rồi tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước vẫn còn xảy ra, để lại nỗi đau cho nhiều gia đình.

Còn lắm nỗi niềm

Tại diễn đàn năm 2017, trẻ em đã thể hiện sự hiểu biết về những vấn đề xã hội tác động đến sự phát triển của mình trong cuộc sống hiện nay. Đó là những tác động của mạng xã hội, nhất là tình trạng bạo lực học đường. Từ những câu nói “không vừa lòng nhau” trên facebook đã dẫn đến những vụ bạo lực ngoài đời khiến trẻ em hoang mang. Vấn nạn xâm hại trẻ em cũng có phần bắt nguồn từ mạng xã hội. Đối tượng xấu sử dụng mạng xã hội để lôi kéo, dụ dỗ trẻ tham gia các diễn đàn đồi trụy, mồi chài, gặp gỡ trẻ em để thực hiện hành vi xâm hại, hoặc đưa các em vào các đường dây bán buôn ma túy... Từ thực trạng đó, em Nguyễn Viết Hoài Nam (đến từ huyện Bắc Trà My) đặt câu hỏi: “Trước ảnh hưởng của mạng xã hội, nhiều hành vi xâm hại xảy ra khiến trẻ em lo lắng. Vậy các cấp lãnh đạo có biện pháp gì bảo vệ trẻ em, đưa các vụ việc ra pháp luật để xử lý?”. Còn em Nguyễn Quỳnh Anh (đến từ thị xã Điện Bàn) nêu vấn đề: “Cháu thấy bạo lực học đường xảy ra nhiều và ngày càng gia tăng. Trước tình trạng đó, các cô chú lãnh đạo có biện pháp gì để đưa việc giáo dục kỹ năng sống vào chương trình học chính khóa nhằm giảm thiểu bạo lực học đường? Và có biện pháp gì ngăn chặn tình trạng bạo lực hay không?”. Em Lê Thị Hồng Diễm (Núi Thành) hỏi: “Khi xảy ra hành vi xâm hại tình dục, giám định pháp y là căn cứ quan trọng để khởi tố. Vậy tổ chức nào thực hiện giám định, và có biện pháp gì để bảo mật thông tin, đảm bảo quyền cho trẻ em?”. Nhiều trẻ cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến việc trang bị kiến thức cho cha mẹ bảo vệ con mình, cho trẻ để tự bảo vệ, phòng tránh bị xâm hại, bạo lực. Một số trẻ quan tâm đến việc các cấp, ngành có biện pháp gì để xã hội cùng vào cuộc chăm sóc, bảo vệ trẻ em, có biện pháp gì ngăn chặn vấn nạn ma túy xâm nhập học đường.

Em Trương Thị Phương Hoàng (TP.Tam Kỳ) đã hỏi trực tiếp Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh rằng tỉnh có biện pháp gì hạn chế những vụ tai nạn gây thương tích cho trẻ, thậm chí chết người, tại các công trình đang thi công và xử lý ra sao? Thậm chí ở lứa tuổi này nhưng các em đã biết đề cập chuyện sau này đi học ra trường không tìm được việc làm, sẽ không thể vào làm việc ở cơ quan nhà nước vì gia đình không có thân thế, không có tiền…

Giải tỏa lo lắng

Tham gia diễn đàn, trao đổi với trẻ về vấn đề chăm sóc và bảo vệ, bà Trương Thị Lộc - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nói: “Hội phụ nữ là hội của mẹ các con, nên hội sẽ trang bị kỹ năng chăm sóc, bảo vệ trẻ em cho cha mẹ các con. Nhất là những kỹ năng phòng tránh cho trẻ khỏi bị ngược đãi, đánh đập, xâm hại tình dục, bạo lực học đường. Quan trọng là cha mẹ đã giúp các con ra sao để các con biết cách phòng tránh bạo lực, xâm hại”. Bà Lộc cũng đặt lại câu hỏi rằng các em đã xem mẹ là người bạn hay chưa? Câu trả lời là các em chưa xem mẹ là bạn, nên chưa dám tâm sự với mẹ về những gì xảy ra trong quá trình chuyển đổi tâm sinh lý lứa tuổi dậy thì, về mối quan hệ ở nhà trường, xã hội. Vì thế bà Lộc khuyên các em phải xem mẹ là bạn, nên tâm sự với mẹ những gì diễn ra hàng ngày, đặc biệt là tâm tư lứa tuổi dậy thì. Có em đã chia sẻ rằng cha mẹ chưa xem con là bạn nên con không dám hỏi, vì khi hỏi có thể bị cha mẹ la. Bà Lộc cho biết, đối với việc này, Hội LHPN các cấp sẽ tuyên truyền cho mẹ các cháu. Đồng thời khuyên trẻ, nếu có vấn đề gì không hỏi mẹ được, có thể hỏi những người thân thiết như dì, cô, hay chị. Bà Lộc cũng đã cung cấp số điện thoại cá nhân ngay tại diễn đàn để trẻ có thể liên hệ trực tiếp với bà khi gặp phải vấn đề nhưng không biết cách xử lý.

Trẻ em mạnh dạn đặt ra các vấn đề khúc mắc của mình với lãnh đạo tỉnh tại diễn đàn. Ảnh: D.LỆ
Trẻ em mạnh dạn đặt ra các vấn đề khúc mắc của mình với lãnh đạo tỉnh tại diễn đàn. Ảnh: D.LỆ

Trả lời các em về vấn nạn ma túy xâm nhập học đường, ông Mai Văn Hà - Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh cho hay, chương trình quốc gia về phòng chống ma túy đang được triển khai mạnh. Đối với phòng chống ma túy trong học đường, có sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể liên quan. Bản thân các em học sinh cũng phải có trách nhiệm trong việc phòng chống; phải nâng cao cảnh giác, khi phát hiện trường hợp, đối tượng sử dụng, mua bán hoặc nghi ngờ sử dụng, mua bán chất ma túy phải báo ngay cho cơ quan chức năng, gần nhất là thầy cô trong nhà trường để phối hợp với cơ quan chức năng kịp thời vào cuộc ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Khi một số học sinh bày tỏ lo lắng nếu tố giác sẽ bị trả thù, ông Hà khẳng định mọi thông tin của người tố giác được giữ bí mật hoàn toàn, đồng thời bản thân phải tránh xa các đối tượng và các chất nghi là ma túy.

Đối với vấn nạn bạo lực học đường, ông Phan Văn Hùng - Phó Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên Sở GD-ĐT nhìn nhận, bạo lực học đường ngày càng diễn ra nhiều hơn và là nỗi lo của cả xã hội. Qua đợt khảo sát của Sở GD-ĐT, hầu như trường học nào cũng xảy ra tình trạng bạo lực học đường, phần lớn ở giới nữ và diễn ra bên ngoài nhà trường. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ, hoặc ghen tuông trong quan hệ bạn bè nam nữ mà các em gọi là tình yêu tuổi học trò... Ông Hùng khuyến cáo các em học sinh cần biết tự tiết chế bản thân, loại trừ những suy nghĩ tiêu cực, nhằm kiểm soát hành vi của mình. Trẻ em từ 14 đến dưới 16 tuổi nếu vi phạm pháp luật nghiêm trọng cũng sẽ bị quản chế bởi pháp luật, nên các em phải hiểu để điều chỉnh hành vi. Bên cạnh đó, ngành giáo dục cần triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, giáo dục giới tính; trong nhà trường, thầy cô phải gần gũi, tâm sự với học sinh để hiểu các em hơn và vào cuộc kịp thời để can thiệp, bảo vệ các em.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lắng nghe trẻ em nói
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO