Lắng nghe trí thức, văn nghệ sĩ

LÊ QUÂN 23/12/2013 08:43

Rất nhiều ý kiến đóng góp thiết thực từ đội ngũ trí thức và văn nghệ sĩ Quảng Nam đến các cấp lãnh đạo được ghi nhận tại buổi gặp mặt do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức diễn ra vào cuối tuần qua. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sỹ đến dự và tham gia ý kiến.

  • Gặp mặt đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ
Quang cảnh buổi gặp mặt.
Quang cảnh buổi gặp mặt.

Buổi gặp mặt quy tụ nhiều văn nghệ sĩ, trí thức trong tỉnh. Từ Sở GDĐT, Sở Y tế, Đảng đoàn và đại diện lãnh đạo các hội thành viên thuộc Hội VH-NT và Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật (KH-KT) tỉnh đã có những ý kiến đóng góp thẳng thắn, sát sườn về việc phát huy vai trò của đội ngũ này đối với sự phát triển Quảng Nam. Đa số đều nhìn nhận thời gian vừa qua đội ngũ trí thức và văn nghệ sĩ đã nhận được nhiều hơn sự quan tâm từ các cấp lãnh đạo, bằng chứng là đã có rất nhiều giải thưởng để tôn vinh đội ngũ này như Giải thưởng VH-NT đất Quảng, Giải thưởng Phạm Phú Thứ về khoa học công nghệ (KH-CN)… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khuyết điểm trong công tác quản lý mà chỉ có người trong cuộc mới nhìn ra.

Thiếu kinh phí

Theo ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở KH-CN, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Các hội KH-KT, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cơ bản “lệch” về ngành nghề đào tạo và phân bố trong khu vực hành chính lẫn sự nghiệp. “Những người trực tiếp làm khoa học rất ít. Việc công bố nghiên cứu KH-KT chủ yếu nằm trong các cơ quan quản lý, sản phẩm khoa học công nghệ lại ít. Hệ thống ARD (các cơ quan tổ chức, nghiên cứu và phát triển khoa học kỹ thuật) có khá nhiều nhưng tiềm lực KH-KT chuyên sâu ít, ngoại trừ ở các trường đại học, trong khi đó cơ sở vật chất thấp, cơ bản là hoạt động hành chính, ít tham gia nghiên cứu” - ông Sinh nói. Trong khi ở rất nhiều tỉnh thành đã áp dụng cơ chế xã hội hóa hoạt động KH-KT bằng cách mua kết quả nghiên cứu và đem vào ứng dụng để phát huy hết tố chất cũng như tôn vinh các nhà khoa học, nhưng Quảng Nam đến nay vẫn chưa làm điều này. Cũng theo ông Sinh, hiện nay mỗi năm tỉnh cấp kinh phí và yêu cầu thực hiện 9 chương trình KH-CN, 16 - 18 đề tài nghiên cứu khoa học, nhưng sự tham gia của đội ngũ khoa học lại rất ít. Ngoài ra, vấn đề hậu nghiệm thu đề tài lại ít nhận được sự quan tâm, tỉnh chưa có cơ chế để đưa vào ứng dụng, các đề tài khoa học nghiệm thu xong chỉ để cất vào tủ. Ông Sinh nói thêm: “Tôi đề nghị HĐND tỉnh có nghị quyết chuyên đề về xây dựng tiềm lực KH-CN tỉnh, và có chủ trương tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược KH-CN để xem chúng ta đã làm được những gì. Bên cạnh đó, tôi đề nghị nâng cấp Trung tâm Nhân lực chất lượng cao của tỉnh thành viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Quảng Nam để phát huy hết vai trò và tố chất của đội ngũ trí thức, khoa học”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Hoàng - Phó Giám đốc Sở GDĐT thì cho rằng cần phải cân đối lại ngân sách với giáo dục, hiện nay chỉ tiêu đào tạo, chất lượng giáo dục phân bố không đồng đều, còn chênh lệch giữa các vùng, địa phương. “Do địa bàn tỉnh ta quá rộng, địa bàn phân bố các trường lại không đồng đều. Việc đào tạo các ngành học ở cao đẳng cũng không đáp ứng nhu cầu của xã hội, ngành thì thừa ngành lại thiếu. Một số trường tư thục và cao đẳng không hoạt động được do không có chỉ tiêu để tuyển” - ông Hoàng nhìn nhận. Hiện nay, toàn tỉnh có đến 18 xã chưa có trường mầm non, tỷ lệ học sinh THPT bỏ học còn đến 3,6% (trong khi cả nước là 3,4%), cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí hoạt động còn nhiều khó khăn. Với đội ngũ y tế, vẫn xảy ra tình trạng thiếu kinh phí đầu tư cho các trạm y tế cũng như sự quá tải các bệnh viện, trang thiết bị y tế ở nhiều nơi còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu sức khỏe của người dân.

Riêng về hoạt động của Hội VH-NT tỉnh cũng như của đội ngũ văn nghệ sĩ, ông Nguyễn Hoàng Bích - Chủ tịch Hội VH-NT Quảng Nam cho rằng vẫn chưa tạo được môi trường để sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. “Vấn đề lớn nhất chúng tôi gặp phải hiện nay vẫn là kinh phí để quảng bá tác phẩm của các văn nghệ sĩ. Tác phẩm sáng tác ra, in ấn nhưng lại gặp khó ở khâu quảng bá và phát hành. Thêm nữa, đội ngũ các nghệ sĩ trẻ vẫn chưa có được nhiều sân chơi để nuôi dưỡng và phát huy năng khiếu, đam mê của mình” - ông Bích nói.

Xây dựng môi trường hoạt động

Tại buổi gặp mặt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ ghi nhận sự đóng góp quan trọng của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ vào sự phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống chính trị và là nguồn nhân lực quý giá của Quảng Nam. “Làm sao tạo được môi trường tốt hơn để phát huy tính sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ cũng như để thu hút đội ngũ trí thức làm việc là yêu cầu đặt ra với Quảng Nam trong thời gian tới” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ nói. Theo đồng chí Nguyễn Văn Sỹ, đối với lực lượng văn nghệ sĩ vẫn chưa có nhiều tác phẩm chất lượng thực sự, văn nghệ sĩ vẫn còn ngại phê phán và phản biện. Liên hiệp Các hội KH-KT làm việc chưa hiệu quả. Giáo dục miền núi vẫn còn khá nhiều bất cập, chất lượng cũng như trang thiết bị của y tế chưa đáp ứng yêu cầu sức khỏe của người dân.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ yêu cầu lực lượng văn nghệ sĩ cần phải phấn đấu có những giải thưởng lớn về văn học, phát hiện và bồi dưỡng những cây bút, nghệ sĩ trẻ, vấn đề kinh phí quảng bá Tỉnh ủy sẽ lưu ý trong thời gian tới. Riêng đối với Liên hiệp Các hội KH-KT, cần phải tập trung củng cố các hội thành viên, phối hợp các hành động chiến lược, trong thời gian tới, tỉnh sẽ đặt hàng đơn vị tham gia phản biện các đề án về quy hoạch y tế, phát triển kinh tế - xã hội, chính sách với đội ngũ trí thức, chất lượng nguồn nhân lực. Sở GDĐT cần phải nâng cấp các trường phổ thông miền núi, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường THPT chuyên Bắc Quảng Nam, tập trung xây dựng trường mầm non. Với Sở Y tế, cần tập trung bảo hiểm y tế toàn dân, nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành y tế, huy động nguồn lực đầu tư trang thiết bị cho bệnh viện, có lộ trình đầu tư xây dựng trạm y tế cơ sở.

LÊ QUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lắng nghe trí thức, văn nghệ sĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO