Làng nghề truyền thống Hội An trước lối đi mới

QUỐC HẢI 16/02/2023 10:00

TP. Hội An đang thực hiện “Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO”, nhưng nghề truyền thống đang đối diện với nhiều khó khăn.

Hội An tôn vinh những người thợ thủ công, nghệ nhân, đại diện các nghề, làng nghề truyền thống và cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh: Q.Hải
Hội An tôn vinh những người thợ thủ công, nghệ nhân, đại diện các nghề, làng nghề truyền thống và cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh: Q.Hải

Biến động làng nghề

Tại Hội An hiện vẫn còn bảo tồn 28 làng nghề và nghề truyền thống nhưng chỉ có 4 làng mộc Kim Bồng, rau Trà Quế, gốm Thanh Hà và tre dừa Cẩm Thanh là đang phát huy hiệu quả sản xuất và kinh doanh.

 Những năm trước khi chưa xảy ra dịch bệnh COVID-19, làng nghề tre dừa Cẩm Thanh có 37 sản phẩm, trong đó có 11 sản phẩm mỹ nghệ phục vụ du lịch, giải trí với doanh thu bình quân hơn 7 tỷ đồng/năm.

Trong khi đó, 27 hộ với 134 lao động tại làng mộc Kim Bồng cũng không ngừng cải tiến, sáng tạo mẫu mã, kể cả áp dụng công nghệ 3D vào quy trình thủ công nên doanh thu bình quân đạt gần 10 tỷ đồng/năm.

Thế nhưng, từ năm 2020 đến nay, có rất nhiều khó khăn đang hạn chế khả năng mở rộng quy mô sản xuất cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của các làng nghề.

“Việc bảo tồn một làng nghề truyền thống trong cuộc sống hiện đại rất khó khăn, khó khăn lớn nhất vẫn là vấn đề tiêu thụ sản phẩm, vốn và nguyên liệu sản xuất. Tình trạng chung là các cơ sở sản xuất làng nghề đều thiếu vốn đầu tư, nguyên liệu cũng vô cùng khó khăn khi chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu.

Thêm vào đó, sự liên kết giữa các cơ sở sản xuất với nhau và với các đối tác giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm là quá mỏng. Vì thế, sản phẩm thiếu ấn tượng, chưa mang tính biểu tượng của làng nghề và không có đầu ra. Lớp trẻ bây giờ ít tham gia mà có lớp trẻ thì mới bảo tồn được làng nghề” - nghệ nhân Huỳnh Sướng (Cơ sở mộc Kim Bồng Huỳnh Ry) nói.

Sau đợt kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, trong số 233 nghệ nhân của làng rau Trà Quế, chỉ có 35 người trong độ tuổi từ 18 đến 39, chiếm tỷ lệ chưa tới 15%. Tình trạng này cũng tương tự ở các làng nghề truyền thống khác tại Hội An.

“Điều này cho thấy áp lực về nhân lực kế truyền nghề nghiệp phục vụ bảo tồn lâu dài tại các làng nghề truyền thống là rất lớn. Trên thực tế, công việc thủ công luôn nặng nhọc, tiêu tốn nhiều thời gian và đòi hỏi phải có năng khiếu mới thành công.

Trong khi đó, việc làm ở các ngành dịch vụ, du lịch hay các công ty có thời gian cố định, lương tương đối cùng các chế độ bảo hiểm khác… đã tác động đến sự lựa chọn công việc của lao động trẻ” - ông Trương Hoàng Vinh (Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An) cho biết.

Nỗ lực vì “Thành phố sáng tạo”

Hội An đang thực hiện “Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO”, lựa chọn lĩnh vực tiếp cận là mảng nghề thủ công mỹ nghệ và văn nghệ dân gian.

 

Cùng với các lễ hội giỗ tổ nghề gốm Thanh Hà, nghề mộc Kim Bồng, lễ hội Cầu Bông làng rau Trà Quế…, Hội An liên tục tổ chức các sự kiện như “Nét hoa nghề Hội An”, “Con đường nghệ thuật và sáng tạo”, festival nghệ thuật sắp đặt môi trường biển Hội An…

Trong sự kiện “Nét hoa nghề Hội An”, những nghề, làng nghề tại Hội An như gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, rau Trà Quế, lụa và thổ cẩm, nghề làm đầu lân, đầu thiên cẩu, làm lồng đèn, nghề làm tranh tre, đan lưới, làm bánh truyền thống, mặt nạ, chế tác sản phẩm từ vải vụn và củi lũ… được giới thiệu trong không gian trưng bày tạo dựng từ các gian nhà làm hoàn toàn bằng chất liệu tre, gỗ, lụa. Những ngư dân bình dị như ông Phạm Đông ở làng chài An Bàng (Cẩm An) cũng được mang lưới lên tham gia.

“Vui quá đi, dễ chi được cùng bà con không chỉ khắp thành phố mà còn ở các huyện miền núi của Quảng Nam xuống giao lưu nữa. Tổ chức lễ hội vui thì bà con phấn khởi làm ăn” - ông Phạm Đông nói.

Hội An còn tôn vinh những người thợ thủ công, nghệ nhân, đại diện các nghề, làng nghề truyền thống và cộng đồng doanh nghiệp đã và đang góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống ngành nghề Hội An. Đặc biệt, còn có sự tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch và làng nghề của các huyện miền núi Quảng Nam.

“Làng nghề thường gắn liền với tri thức dân gian và ký ức của cư dân bản địa và Hội An tổ chức những chuỗi hoạt động này nhằm đánh thức các ký ức đó. Thứ hai là muốn có sự giao lưu và trao truyền cảm hứng giữa những thế hệ đi trước, những nghệ nhân về những khát vọng, bí quyết được lan tỏa với lớp trẻ.

Qua việc tổ chức các lễ hội làng nghề sẽ thu thập thông tin, sự đồng thuận xã hội để đề ra những giải pháp, chính sách, cơ chế duy trì, bảo tồn và phát triển những giá trị đặc trưng của làng nghề Hội An bên cạnh những giá trị văn hóa nổi trội toàn cầu khác” - ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An chia sẻ.

Tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo, Hội An chú trọng phát triển không gian sáng tạo và đổi mới, mở rộng cơ hội sáng tạo cho nghệ nhân, nâng cao việc tiếp cận, tham gia vào đời sống văn hóa cộng đồng.

Chính vì vậy, những nét văn hóa đặc sắc, dung dị và đậm chất truyền thống ở các làng nghề đã và đang tiếp thêm sức sống cho các nghề thủ công mỹ nghệ và văn nghệ dân gian trên hành trình xây dựng Hội An - Thành phố sáng tạo toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làng nghề truyền thống Hội An trước lối đi mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO