Không có nghệ nhân dẫu tuổi đời của làng nghề ngót nghét hàng trăm năm. Không có người trẻ, chỉ có người già quẩn quanh cùng đồ nghề. Nguyên liệu cũng phải lấy từ vùng khác… Những làng nghề ở huyện trung du Quế Sơn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
![]() |
Bà Châu Thị Nhí - người làm gốm cuối cùng của làng gốm Quế An. |
Những người cuối cùng
Bà Châu Thị Nhí, người làm gốm cuối cùng của “làng nồi đất” Quế An, vẫn còn những ký ức ngày làng gốm “vượng” nhất. Cuộc chuyển mình của vùng đất chân núi Quế kéo theo sự nhắc nhớ về những nghề xưa tích cũ. Ở đó, người ta còn nhớ mãi một làng gốm Quế An, làng chằm nón Quế Minh, làng phở sắn Đông Phú, làng chổi đót Thạnh Hòa, dẫu không có nghệ nhân nhưng những người già xứ này đủ hoài niệm để kể người nghe về tích của nghề. Bằng những bước đi, dù chậm rãi, thì nghề xưa vẫn còn, vẫn được quan tâm để không phải khắc khoải chuyện mất nghề. Nhưng giữ, còn phát triển như thế nào, phụ thuộc rất nhiều vào thị trường hiện đại.
Nhìn đống gốm vừa làm ra, bà Nhí ngậm ngùi: “Nhớ những năm sau chiến tranh làng gốm này nức tiếng khắp các vùng xa gần với hơn 70 hộ cùng làm nghề. Từ đầu làng đến cuối xóm đều ngửi thấy mùi đất sét trộn, cảnh người làm gốm tấp nập với nhiều loại sản phẩm như ảng, nồi, ấm, chum… phơi bày khắp sân. Gốm Lò Nồi thực sự đã đem lại thu nhập đáng kể cho dân làng lúc bấy giờ”. Làng gốm xuất hiện từ khi nào không ai biết nhưng phát triển mạnh nhất vào những năm 1990, từng đoàn người quai gánh từ sáng tinh mơ mang sản phẩm đổ xô ra các chợ, lên vùng Quế Lộc, qua Hiệp Đức… được người mua yêu thích và trở thành vật dụng thiết yếu. Những nghệ nhân như Giang Thị Hồng, Mai Thị Mịch, Phạm Thị Sơn nổi tiếng bởi sự cần cù, khéo tay làm đa dạng mặt hàng gốm và rất được ưa chuộng.
Sự chuyển biến mạnh của thị trường khiến hàng loạt lò gốm bỏ nghề. Sau những năm 2000, làng gốm Lò Nồi đối diện với nguy cơ tàn lụi. Trước sự mai một của làng gốm, bên cạnh chuyển nghề để có thể mưu sinh, gia đình bà Nhí vẫn một lòng giữ lại lò nung chờ ngày làng nghề phục hưng. Hiện nay, mỗi năm lò gốm của bà Nhí cho ra khoảng 5 nghìn sản phẩm với giá từ 10 đến 20 nghìn đồng/cái. Trong đó chủ yếu là ấm gốm để sắc thuốc, và các loại nồi, chậu. Tay thoăn thoắt trên chiếc bàn xoay, chị Võ Thị Sương (con cụ Nhí) cho biết: “Hiện nay lò gốm đang phát triển tốt với nhiều đơn đặt hàng từ các huyện lân cận, mỗi ngày trung bình một người làm ra khoảng 20 sản phẩm cho thu nhập khoảng 300 nghìn đồng cũng ổn định cuộc sống”. Thay bằng giã, trộn đất bằng tay thì hiện nay lò gốm bà Nhí đầu tư máy xay đất sét để giảm bớt công sức, chất lượng gốm được nâng lên và ổn định hơn. Ngoài những đơn đặt hàng bán sỉ, lò gốm bà Nhí còn đưa đi bán ở 10 khu chợ trong khu vực nhưng liên tục bị thiếu hàng. Chính điều này càng tăng thêm động lực thúc đẩy, làm mầm mống để khơi lại làng nghề của cha ông xưa. Tuy nhiên, chỉ còn duy nhất gia đình bà Nhí bám trụ nghề, câu chuyện phục hồi cả làng nghề là điều quá khó để thành hiện thực.
Thiếu nguyên liệu
Cặp vợ chồng bà Trương Thị Chung, ông Nguyễn Văn Nhứt nay tuổi đã ngũ tuần, gắn bó với nghề làm phở sắn có từ đời ông cha. Như thể cái nghề đã thấm vào tận tế bào trong người. Nhưng bây giờ làm phở sắn thì công nghệ, tay nghề của người Đông Phú, Quế Sơn có đủ, nhưng nguyên liệu phải mua tuốt tận Gia Lai, KonTum. “Biết sao được, sắn ở quê mình không đủ chuẩn để làm thực phẩm, chỉ để cho gia súc. Muốn làm sợi bún, phở ngon, thì phải lấy sắn ngon, sạch” - ông Nguyễn Văn Nhứt chia sẻ. Thật kỳ lạ, một vùng đất gần như đã 3 - 4 thập kỷ gắn với loại cây này, giờ lại không thể cung cấp cho một làng nghề ngay tại địa phương. Chuyện thiếu nguyên liệu, hay nguyên liệu phải lấy từ vùng khác trở thành “vấn đề” của nhiều làng nghề thực phẩm trên toàn tỉnh, không riêng gì phở sắn Quế Sơn. Nhưng cũng thật oái ăm, khi cây sắn trên địa bàn huyện không có đầu ra, phải dùng cho gia súc, thì làng nghề lại thiếu nguyên liệu để sản xuất vẫn không thể dùng nguyên liệu tại vùng đất mình. Bây giờ, đa số lao động tại làng nghề phở sắn Đông Phú ở độ tuổi trung niên, theo như lời ông Nguyễn Văn Nhứt, nghề này cực, thu nhập cũng ít, nên lớp trẻ đều ly hương để kiếm việc làm. Cũng như vậy, ngay ở làng chổi đót Thạnh Hòa, người dân chỉ sản xuất vào những ngày nông nhàn với phần đông là người già.
![]() |
Làng nghề phở sắn Đông Phú, tuy đã được cải tiến công nghệ và bắt đầu tìm được đầu ra, lại gặp bài toán về nguyên liệu. |
Năm 2014, UBND tỉnh công nhận 3 làng nghề phở sắn Đông Phú, nón lá Quế Minh và làng chổi đót Thạnh Hòa (Quế Xuân) là làng nghề truyền thống của tỉnh. Với riêng nghề gốm, lãnh đạo huyện Quế Sơn cho rằng việc khôi phục làng nghề hiện gặp khó do chỉ còn 1 hộ tham gia sản xuất gốm. Mặt khác nếu quá nhiều hộ sản xuất thì sẽ không bao tiêu đủ đầu ra. Do vậy, cần phải tính toán kỹ lưỡng và cần một thị trường tiêu thụ bền vững để sản phẩm ổn định. Mới đây, UBND tỉnh phê duyệt đề án khôi phục phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch giai đoạn 2015 - 2020 với việc đầu tư, hỗ trợ phát triển 16 làng nghề, tuy vậy, Quế Sơn lại không nằm trong đề án này. Trước đó, năm 2014, huyện Quế Sơn cũng đã đưa vào thực hiện dự án khôi phục, phát triển lại các làng nghề truyền thống, bằng việc đầu tư máy móc, phát triển công nghệ sản xuất. Nhưng dường như, làng nghề truyền thống ở huyện trung du Quế Sơn vẫn còn nhiều thách thức cần phải đối mặt…
LÊ QUÂN