“Lắng nghe trẻ em nói” cũng chính là chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm nay. Những ngày tháng 6, các bạn nhỏ lại có dịp nói lên tiếng nói của mình, “đánh động” thông qua diễn đàn Quyền trẻ em 2015.
Thông điệp...
Đừng bao giờ nghĩ rằng trẻ con bây giờ chỉ biết ăn học mà không hề quan tâm đến những vấn đề liên quan đến cuộc sống xung quanh mình. Bởi, từ thành thị đến vùng sâu vùng xa, ở bất cứ nơi nào các em cũng mong muốn được quan tâm, được sống đúng quyền của mình và được nói lên tiếng nói của bản thân. Hiểu được điều đó, nên cứ vào dịp hè, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan ban ngành liên quan như Tỉnh đoàn, Sở VH-TT&DL, Sở Thông tin - truyền thông, Công an tỉnh, Hội LHPN tỉnh... tổ chức diễn đàn Quyền trẻ em và phiên đối thoại với đại diện lãnh đạo tỉnh để được các cô chú giải đáp những ưu tư, thắc mắc về cuộc sống xung quanh các em trong một năm qua. “Năm nay, diễn đàn và phiên đối thoại vẫn được các em “làm nóng, làm khó” các cô chú bởi những tình huống, câu hỏi đặt ra. Chất lượng câu hỏi và kỹ năng đặt vấn đề của các em qua buổi đối thoại được nâng cao hơn rất nhiều so với những diễn đàn trước đây” - chị Nguyễn Thị Lưu, cán bộ phụ trách trẻ em Phòng LĐ-TB&XH TP.Tam Kỳ chia sẻ.
Các bạn thiếu nhi tham gia hoạt động tại diễn đàn Quyền trẻ em 2015. Ảnh: THỤC ANH |
Năm thông điệp về Quyền trẻ em được chính các em lên ý tưởng, xây dựng kịch bản và trình bày vào chiều ngày khai mạc gồm: quyền được học tập; quyền được vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; quyền được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến và tham gia các hoạt động xã hội; quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng; quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự. Phần thảo luận của các bạn nhóm 4 (gồm: huyện Thăng Bình, Đông Giang, Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em tỉnh) đề cập câu chuyện đang mang tính thời sự trên cả nước về Ngôi nhà hạnh phúc ở TP.Hồ Chí Minh, về “quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng”, liên quan trực tiếp đến cuộc sống của các bạn thiếu may mắn trong nhóm. Hay vở kịch ngắn về cuộc sống đối lập, sự đối xử thô bạo giữa trẻ con nhà giàu với các bạn lang thang bán báo, vé số diễn trên nền bài hát “Đứa bé” của nhóm 5 (gồm: Tam Kỳ, Phú Ninh, Bắc Trà My, Duy Xuyên) đã truyền đi thông điệp trẻ em có quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự... một cách sâu sắc. “Nhìn các bạn diễn cảnh trẻ mồ côi, lang thang ăn ngấu nghiến, em thấy mình thật may mắn khi được ba mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng không thiếu thứ gì. Nhờ đó em thấy cần phải trân trọng hơn bao giờ hết. Em mong các bạn cũng được các cô chú lãnh đạo và toàn xã hội chăm sóc, đối xử công bằng trong tình yêu thương” - Nguyễn Thị Hồng Anh (lớp 9, thị xã Điện Bàn) tâm sự.
Lắng nghe, chia sẻ
Tại phiên đối thoại, nhiều câu hỏi của các bạn nhỏ đặt ra liên quan trực tiếp và sát với cuộc sống hằng ngày đang diễn ra xung quanh các em. Bạn Hồng Quân (lớp 9, thị xã Điện Bàn) thắc mắc: “Hiện nay dịch vụ internet phát triển tràn lan, trong đó có những nội dung không lành mạnh, mang tính bạo lực, kích động, ảnh hưởng đến sự phát triển của chúng cháu. Cháu được biết tại địa phương cháu có một số bạn sa ngã vào các dịch vụ đó, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, học tập, đạo đức dẫn đến vi phạm pháp luật ngày càng nhiều. Các cô chú lãnh đạo có biện pháp gì thật hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng trên hay không?”. Hay ý kiến của bạn Phan Hoàng Nhã (Trường THCS Quế Châu, Quế Sơn) đặt ra cho lãnh đạo Sở GD-ĐT: “Cháu thấy quyền học tập của trẻ em ở vùng khó khăn chưa được thực hiện tốt, nhiều bạn phải bỏ học giữa chừng do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Các trang thiết bị như sách vở, máy vi tính, y tế học đường... để phục vụ nhu cầu học tập thiết yếu của trẻ em chưa được đảm bảo. Trẻ em bỏ học ở vùng núi luôn ở mức cao. Các khóa học kỹ năng sống dành cho trẻ em cũng chưa có nhiều. Vậy các cô chú có biện pháp gì để giúp chúng cháu được học tập trong môi trường tốt hơn?”.
Dành trọn nửa ngày để đối thoại, đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan đều đánh giá cao vai trò trách nhiệm của các em qua từng câu hỏi. “Câu hỏi hay buộc người lớn phải thay đổi suy nghĩ về các bạn nhỏ - nhưng có tư duy, trách nhiệm của người trưởng thành” - ông Phan Văn Hùng (cán bộ Sở GD-ĐT) chia sẻ ý kiến sau khi bị các bạn nhỏ “xoay” tại diễn đàn. Ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nói: “Đây thực sự là cơ hội để các cháu nói lên tiếng nói của mình, và thông qua đó các nhà lãnh đạo hiểu được tâm tư, nguyện vọng của trẻ để cùng chia sẻ, giải quyết trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì diễn đàn để tiếng nói của các em luôn có cơ hội thể hiện, nhắc nhở người lớn phải thực hiện chứ không phải chỉ là lời nói suông”. |
Trả lời câu hỏi của bạn Hồng Quân, bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở Thông tin - truyền thông nói: “Mạng internet nếu được sử dụng đúng và tích cực sẽ là công cụ đắc lực giúp các em khai thác kiến thức rộng lớn, bao la của thế giới phục vụ cho việc học tập của mình. Các em cần có bản lĩnh để biến internet thành công cụ phục vụ cuộc sống. Tôi tin các em tham gia diễn đàn này đa số là những bạn trẻ có nhận thức, kỹ năng đó. Các em cần tuyên truyền, giúp đỡ những bạn xung quanh hiểu được hai mặt của internet để có hướng sử dụng đúng. Các cơ quan quản lý cũng đã có những trăn trở, suy nghĩ để hạn chế tiêu cực của internet như game online, văn hóa phẩm đồi trụy... bằng những quy định đối với các tiệm internet. Sắp tới, Sở Thông tin - truyền thông sẽ ráo riết và kiên quyết thực hiện quy định về quản lý internet”. Còn ông Phan Văn Hùng - đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT trả lời câu hỏi của bạn Hoàng Nhã: “Quảng Nam còn nghèo, kinh tế khó khăn nên cô chú biết rất rõ các bạn nhỏ ở vùng sâu, vùng xa điều kiện sống học tập rất khó khăn. Chúng tôi rất chia sẻ điều đó với các em. Chúng tôi cũng đã có những nỗ lực, thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, lãnh đạo tỉnh về hỗ trợ học tập cho trẻ em vùng sâu như tiền ăn mỗi tháng cho trẻ vùng cao, trợ giúp sách vở, bút mực... Để các em được công bằng trong việc đảm bảo các điều kiện học tập như các bạn ở vùng đồng bằng thì hơi khó trong thời điểm hiện tại, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức. Về vấn đề được học các lớp học kỹ năng, hiện chương trình của Bộ GD-ĐT chưa có nên hơi khó, tuy nhiên các trường trong điều kiện cụ thể sẽ linh hoạt để tổ chức, giáo dục cho các em”.
CHIÊU THỤC ANH