Lắng nghe và hành động

BQN 21/05/2021 05:59

Ngày hội bầu cử (23.5) của toàn dân đang đến rất gần. Chia sẻ với Báo Quảng Nam trước thềm sự kiện trọng đại này, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh được giới thiệu ứng cử HĐND tỉnh khóa mới đều khẳng định sẽ thường xuyên lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nhân dân, là đại diện xứng đáng của nhân dân nếu trúng cử; luôn sâu sát cơ sở, nỗ lực góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển Quảng Nam theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII.

ÔNG PHAN VIỆT CƯỜNG - ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH HĐND TỈNH, TRƯỞNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH: KIÊN TRÌ THỰC HIỆN HIỆU QUẢ 3 NHIỆM VỤ ĐỘT PHÁ

 

Định hướng phát triển Quảng Nam giai đoạn 2020 - 2025 là tập trung thực hiện có hiệu quả 25 chỉ tiêu, với 14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đề ra.

Chương trình hành động của Tỉnh ủy đã cụ thể hóa việc thực hiện nghị quyết theo nhiều nhóm vấn đề, lĩnh vực gắn với lộ trình thực hiện phù hợp. Trong đó, xác định tiếp tục kiên trì thực hiện tốt 3 nhiệm vụ đột phá, mà đầu tiên là phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, xây dựng và kết nối đô thị.

Thứ hai, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Tốc độ về chuyển đổi số của Quảng Nam hiện nay còn chậm, từ thực tiễn đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có nghị quyết riêng về vấn đề này.

Thứ ba, tập trung cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp sáng tạo bằng sự quyết tâm cao và hành động cụ thể; trong đó, tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ số giải quyết thủ tục hành chính.

Hướng đến mục tiêu qua môi trường mạng, chủ doanh nghiệp có thể ngồi nhà đăng ký kinh doanh, làm các thủ tục như đấu thầu; hay các thủ tục liên quan đến người dân nhưng không cần phải đến trụ sở các cấp chính quyền, chờ đợi mất thời gian. Trong khởi nghiệp sáng tạo, tỉnh sẽ tập trung nhiều hơn bằng các cơ chế mang tính kích thích, khơi dậy khát vọng khởi nghiệp của tuổi trẻ, cộng đồng doanh nghiệp…

Ba nhiệm vụ đột phá nêu trên cũng là 3 mục tiêu mà bản thân tôi với vai trò người đứng đầu cấp ủy tỉnh đang hết sức tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện để cùng hiện thực hóa.

Xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn phát triển, cũng như nguyện vọng của nhân dân, tôi sẽ cùng với tập thể lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh không ngừng nghiên cứu, xem xét ban hành các nghị quyết thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển theo định hướng 5 năm, 10 năm và trở thành khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên về du lịch, sân bay, cảng biển, phát triển cây dược liệu…

Tôi cũng rất quan tâm đến tình hình biến đổi khí hậu, những cực đoan của thiên tai, việc ứng phó và xây dựng các khu định cư an toàn cho người dân ở miền núi. Ngoài ra, nhóm vấn đề về môi trường, ngăn chặn tệ nạn ma túy, tai nạn giao thông, an ninh trật tự cũng đã và đang đòi hỏi nhiều giải pháp kèm theo bằng cơ chế của HĐND tỉnh, tạo sự ổn định, đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân, chung tay xây dựng Quảng Nam giàu đẹp, phát triển bền vững.

ÔNG LÊ VĂN DŨNG - PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC TỈNH ỦY: LẤY HẠNH PHÚC, SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN LÀM MỤC TIÊU PHẤN ĐẤU

 

Điều đầu tiên đặt ra cho mỗi cán bộ là phải luôn gần dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng và xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải biết lấy hạnh phúc, sự hài lòng của người dân làm mục tiêu phấn đấu cho mình.

Sau khi lắng nghe ý kiến nhân dân rồi, những đề xuất, kiến nghị chính đáng, đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân thì phải có trách nhiệm xử lý hoặc đề đạt đến cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Có được như vậy, nhân dân mới tin tưởng, gửi gắm niềm tin, trách nhiệm cho mình.

Đất nước ta đã qua 35 năm đổi mới và phát triển, đạt được nhiều thành tựu to lớn. Tuy nhiên, trong thực tiễn, nhiều nơi đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, căn cứ địa cách mạng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, có một số đối tượng chính sách, người có công với nước còn nhiều khó khăn, mức sống trung bình chưa được như mong muốn của chúng ta.

Vì vậy, đây là những vấn đề tôi và lãnh đạo tỉnh luôn trăn trở, suy nghĩ để có biện pháp đề nghị với Trung ương, các bộ ngành liên quan ưu tiên tập trung nguồn lực nhiều hơn, để người dân ở những nơi nói trên có cuộc sống ngày càng tốt hơn. Làm cho miền núi xích lại gần hơn với miền xuôi cũng là một trong những mục tiêu lớn tôi thấy mình cần chung tay tập trung thực hiện cho kỳ được.

Ngay như qua các đợt tiếp xúc cử tri mà tôi tham gia với tư cách ứng cử viên đại biểu Quốc hội, bà con cử tri đã chia sẻ, gửi gắm niềm tin bằng tất cả tấm lòng của mình khiến những người ứng cử như tôi rất cảm động.

Những ý kiến này rất thực tiễn, sâu lắng, xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng của đông đảo bà con cử tri. Đó cũng là những vấn đề tôi luôn trăn trở và quyết tâm cùng tập thể lãnh đạo tỉnh nghiên cứu, tìm hướng giải quyết hiệu quả.

Nhiệm vụ cũng là mệnh lệnh mà người cán bộ, đảng viên cần thực hiện là phải tiếp thu, lắng nghe ý dân, tiếp nhận những kiến nghị từ thực tiễn để có kế hoạch, giải pháp xử lý phù hợp, phấn đấu đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân…

ÔNG LÊ TRÍ THANH - PHÓ BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH UBND TỈNH: QUY HOẠCH ĐÚNG LÀ CỐT LÕI CHO SỰ PHÁT TRIỂN

 

Thời gian tới, tôi sẽ tập trung ưu tiên một số nhiệm vụ quan trọng như: Lập, điều chỉnh lại các quy hoạch không gian, quy hoạch phát triển ngành trên toàn tỉnh cho phù hợp hơn trong tình hình mới; Quản lý bảo vệ rừng; Sắp xếp dân cư miền núi; Phát triển kinh tế miền núi, nhất là kinh tế vườn, trang trại, dược liệu, gỗ lớn; Du lịch cộng đồng miền núi; Quản lý khai thác hợp lý và hiệu quả các dòng sông; Đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP; Phát triển các khu đô thị hiện đại đồng thời với giữ gìn bản sắc các làng quê; Hình thành một số khu công nghiệp sinh thái; Phát triển một số khu du lịch nghỉ dưỡng - giải trí cao cấp ven biển và miền núi; Đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, GD-ĐT, văn hóa, thể dục thể thao.

Ngoài sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nâng tầm tư duy, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực của xã hội vào đầu tư phát triển địa phương, thì quy hoạch đúng sẽ là vấn đề cốt lõi cho sự phát triển mà tôi đặc biệt quan tâm.

Đối với nhiệm vụ đột phá phát triển vùng Đông của tỉnh, cần có tầm nhìn và phương pháp triển khai tốt để biến nơi đây trở thành một trong những nơi rất nổi trội về không gian sống và phát triển.

Để đột phá, Quảng Nam đang triển khai lập Quy hoạch liên vùng khu vực vùng Đông, tức là rà soát, đánh giá lại toàn bộ các quy hoạch được phê duyệt hoặc đang còn trống, mời các tư vấn hàng đầu quốc tế và Việt Nam tham gia giúp hoàn chỉnh Quy hoạch phát triển khu vực vùng Đông.

Trong đó lưu ý vấn đề kết nối hạ tầng, bao gồm hạ tầng giao thông đường bộ then chốt, xuyên suốt từ Đà Nẵng vào đến Dung Quất và hệ thống hạ tầng vùng biển lên vùng Tây qua Lào và Thái Lan, đi qua cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc đã được Chính phủ nâng lên thành cửa khẩu quốc tế, mở ra cơ hội lớn cho sự thông thương; đồng thời kết nối với khu vực Tây Nguyên, tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn mở rộng không gian phát triển cho Quảng Nam.

Tỉnh cũng tập trung đầu tư quy hoạch khu vực ven sông. Khu vực phía Đông có hệ thống sông ngòi phong phú, chảy theo hướng Bắc - Nam và Đông - Tây nên sẽ quy hoạch không gian phát triển các dòng sông hợp lý nhất, mỗi dòng sông có đặc trưng riêng để làm tiền đề cho sự phát triển đô thị ven sông.

Trước xu hướng các dòng vốn đầu tư từ nước ngoài chuyển về Việt Nam, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, phấn đấu đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp để xúc tiến, kêu gọi các nhà máy lớn, đặc biệt là các nhà máy công nghệ cao, đóng góp ngân sách lớn, dự kiến toàn bộ diện tích công nghiệp khu vực phía Đông khoảng 4.000ha. Đồng thời sẽ xem xét lập thêm quy hoạch khu công nghiệp mới ở phía Tây đường cao tốc trên địa bàn huyện Núi Thành để mở rộng thêm 2.000 - 3.000ha khu công nghiệp tại vị trí này. 

Quảng Nam là địa phương động lực, đóng góp vai trò, vị trí lớn cho sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, do đó trong quy hoạch cũng phải khớp nối với các địa phương trong vùng, nhất là hạ tầng giao thông, cảng biển, sân bay, đào tạo nguồn nhân lực, khai thác du lịch, liên kết phát triển công nghiệp phụ trợ, vùng nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp.

Năm 2019 - 2020, Quảng Nam với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Vùng đã làm nhiều việc để thúc đẩy sự liên kết này. Trong năm 2021 Quảng Nam sẽ cùng với các địa phương tiếp tục làm việc với các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ để đề nghị ban hành quy định thành lập Hội đồng điều phối phát triển khu vực miền Trung (mở rộng không gian so với 5 tỉnh, thành phố Vùng trọng điểm miền Trung hiện nay) và sẽ có những định hướng trong quy hoạch phát triển vùng và quy hoạch từng địa phương.

ÔNG TRẦN XUÂN VINH - PHÓ CHỦ TỊCH HĐND TỈNH (KHÓA IX): SÂU SÁT THỰC TIỄN ĐỂ ĐỀ XUẤT XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH

 

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và suy giảm kinh tế toàn cầu, thời gian đến, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nói chung và hệ thống dân cử các cấp nói riêng càng phải nêu cao tinh thần đoàn kết thống nhất; đề ra được các cơ chế chính sách, giải pháp hiệu quả để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII.

Cùng với tập thể Thường trực HĐND tỉnh, tôi dành sự quan tâm đặc biệt đến sự phát triển của vùng Đông - vùng kinh tế động lực của tỉnh. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển vùng Đông Nam, xác định ưu tiên phát triển kinh tế biển theo hướng đa ngành, khai thác tiềm năng biển và lấy kinh tế biển làm động lực thúc đẩy sự phát triển vùng Đông.

Muốn hiện thực hóa “khát vọng” này, chúng ta phải làm tốt công tác quy hoạch, việc quy hoạch khoa học và đồng bộ phải đi đầu. Xác định như vậy, tôi sẽ nỗ lực cùng HĐND tỉnh nghiên cứu xem xét, ban hành cơ chế thúc đẩy việc quy hoạch vùng động lực; gắn với cải thiện môi trường đầu tư trong điều kiện chuyển đổi số.

HĐND tỉnh phải ra được những cơ chế, chính sách cụ thể, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, ưu tiên áp dụng công nghệ cao, tận dụng chất xám, ngành mũi nhọn, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Trong khi đó, vùng Tây của tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển trên cơ sở nâng cao sử dụng hiệu quả các nguồn lực của tỉnh, nhất là nguồn trợ lực từ Nghị quyết 88 của Quốc hội, gắn với bảo vệ tài nguyên rừng, khoáng sản, bảo vệ văn hóa truyền thống của người dân vùng cao.

Tôi cũng như các đại biểu HĐND tỉnh luôn suy nghĩ, trăn trở trước mỗi vấn đề thực tiễn phát triển của tỉnh đặt ra, nỗ lực nghiên cứu các cơ chế, chính sách của Trung ương, tham khảo địa phương bạn để xây dựng nghị quyết phù hợp thực tiễn của địa phương mình và của từng khu vực miền núi, đồng bằng.

Người đại biểu dân cử phải sâu sát với thực tiễn, đi thực tế, chứ cứ ngồi trong phòng lạnh thì làm sao hiểu được nhu cầu cuộc sống của người dân, thực tiễn đời sống đang cần gì. Chúng ta không xây dựng cơ chế từ phòng lạnh.

Người đại biểu nhân dân phải thể hiện được chính kiến của mình, cần thiết phải chất vấn trực tiếp tại kỳ họp và gián tiếp qua văn bản yêu cầu sở, ngành liên quan làm rõ, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo làm rõ những nội dung mà cử tri, nhân dân phản ánh, có ý kiến…

ÔNG TRẦN VĂN TÂN - PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH: ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG, CƠ CẤU LẠI NỀN KINH TẾ

 

Tôi sẽ tiếp tục tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc, gắn bó mật thiết với nhân dân, qua đó lĩnh hội những thông tin quý báu, sinh động từ cuộc sống để góp phần thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị được giao. Đồng thời giúp bản thân có điều kiện thuận lợi nắm bắt thực tiễn nhiều hơn, tham gia đóng góp có chất lượng vào những quyết sách quan trọng, sát đúng với tình hình Quảng Nam.

Xuất phát từ tính tất yếu khách quan, từ chiến lược phát triển của đất nước, từ tình hình thực tế của địa phương và để đạt mục tiêu phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, tôi sẽ tích cực tham gia thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đưa Quảng Nam phát triển nhanh và bền vững.

Trong đó cần cơ cấu lại thu - chi ngân sách; tích cực huy động và nâng cao hiệu quả phân bổ, sử dụng các nguồn lực. Thực hành tiết kiệm chi đầu tư công và chi thường xuyên trong khả năng cân đối ngân sách. Ưu tiên chi đầu tư cho các nhiệm vụ trọng yếu, chiến lược, thúc đẩy vùng động lực để lan tỏa phát triển chung toàn tỉnh.

Tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cơ cấu lại ngành dịch vụ, duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ cao hơn tốc độ tăng trưởng của tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn từ 0,5% đến 1%. Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế như du lịch; có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như công nghệ thông tin - truyền thông, thương mại điện tử, công nghệ số.

Cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng khuyến khích đổi mới công nghệ, tự động hóa trong sản xuất nhằm tiết kiệm nguyên liệu, thời gian, nhân công, tăng nhanh năng suất lao động. Cơ cấu lại mạnh mẽ ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với xây dựng nông thôn mới có hiệu quả.

Tham gia xây dựng chương trình để chủ động thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; theo đó, đề ra các yêu cầu, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, địa phương tổ chức thực hiện, đồng thời hỗ trợ, đề xuất một số nhiệm vụ để doanh nghiệp chủ động xây dựng các phương án sản xuất, sẵn sàng cho hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia vào chuỗi phân phối toàn cầu và thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế.

Đặc biệt, cùng với lãnh đạo UBND tỉnh xây dựng kế sách tích cực hỗ trợ để phát triển kinh tế tư nhân theo hướng áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo. Thực hiện tốt hơn nữa hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ phát triển doanh nghiệp để thúc đẩy kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế Quảng Nam.

Đồng thời thiết lập các hệ thống công cụ ứng dụng, chuyển đổi số để phục vụ cơ cấu lại nền kinh tế trong trạng thái mới. Trong đó ưu tiên phát triển, chuyển đổi nhanh chính quyền điện tử sang chính quyền số, gắn với phát triển hạ tầng dịch vụ số nhằm tối ưu hóa các hoạt động của nền kinh tế…

ÔNG NGUYỄN HỒNG QUANG - PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH: QUAN TÂM NHỮNG VẤN ĐỀ BỨC XÚC Ở CƠ SỞ

 

Với nhiệm vụ được giao, tôi đã cùng thành viên UBND tỉnh tập trung triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng đến việc nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, tập trung chỉ đạo xử lý những tồn tại vướng mắc; đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới.

Đề xuất HĐND tỉnh xem xét, quyết định một số chủ trương lớn, đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tổ chức triển khai các nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.

Thời gian đến tôi sẽ tiếp tục quan tâm những vấn đề bức xúc từ cuộc sống người dân, nhất là đời sống của các gia đình chính sách, người có công, yếu thế trong xã hội; các vấn đề về vệ sinh môi trường, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm.

Đồng thời với chức trách được giao, tôi sẽ cùng tập thể UBND tỉnh huy động tối đa nguồn lực, đề xuất và triển khai các dự án đầu tư công trung hạn đảm bảo chặt chẽ, phát huy hiệu quả; rà soát và hoàn thiện quy hoạch mạng lưới giao thông, cân đối các nguồn vốn đầu tư, chủ động đưa vào kế hoạch trung hạn, nhất là các tuyến kết nối Đông - Tây.

Một nhiệm vụ nữa là tập trung rà soát quy hoạch khu - cụm công nghiệp, đề xuất các chính sách hỗ trợ xây dựng để thu hút doanh nghiệp đầu tư nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập, tăng giá trị sản xuất để góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó ưu tiên thu hút các dự án sử dụng tiết kiệm đất, thân thiện môi trường, giá trị gia tăng cao, đóng góp nguồn thu cho ngân sách, không đánh đổi môi trường khi thu hút đầu tư.

Từ mong muốn của đông đảo nhân dân, tôi sẽ tập trung chỉ đạo các giải pháp chống thất thu, tăng thu ngân sách địa phương, thu hút nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn; đề xuất cơ chế điều hành ngân sách trong thời kỳ ổn định mới, đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả và phù hợp thực tế.

Tích cực đề xuất các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp ủy quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước với tinh thần gần dân, nâng cao trách nhiệm trước nhân dân. Bản thân tôi cũng sẽ luôn đồng hành, lắng nghe, tiếp công dân đầy đủ, giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân theo đúng quy luật pháp luật…

ÔNG NGUYỄN CÔNG THANH - PHÓ CHỦ TỊCH HĐND TỈNH (KHÓA IX): NỖ LỰC HẾT MÌNH TRONG GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI

 

Được cử tri tín nhiệm và trở thành đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ là điều kiện thuận lợi để tôi đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh bằng tất cả tâm huyết, trách nhiệm và năng lực, kinh nghiệm công tác đã tích lũy được. Tôi sẽ có thêm điều kiện nắm bắt thực tiễn và đóng góp có chất lượng để HĐND tỉnh có những quyết sách quan trọng, đúng đắn và khả thi cao.

Quảng Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển mới nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức; nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đột phá chiến lược đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII xác lập, cần nhanh chóng cụ thể hóa, triển khai thực hiện.

Tôi sẽ cùng tập thể Thường trực HĐND tỉnh phối hợp UBND tỉnh chỉ đạo chuẩn bị các đề án, dự thảo nghị quyết, nhất là các nội dung về cơ chế, chính sách để thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược nhằm phát huy tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Sớm trình HĐND tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ đầu tư hoàn thiện hạ tầng đô thị; các cơ chế, chính sách bố trí sắp xếp dân cư khu vực miền núi; chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, phát triển hợp tác xã, kinh tế tập thể giúp người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo…

Với vai trò của mình, tôi cũng sẽ tham gia ý kiến, đề xuất bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện 7 nhóm dự án vùng Đông Nam, 6 định hướng chiến lược về phát triển vùng Tây của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi về phát triển kinh tế - xã hội, giảm dần sự chênh lệch giữa đồng bằng và miền núi, đô thị và nông thôn.

Ngoài các cơ chế, chính sách chung toàn tỉnh, tôi sẽ kiến nghị HĐND tỉnh dành nguồn lực hỗ trợ các địa phương xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới gắn với phát triển đô thị. Tiếp tục thúc đẩy triển khai, chỉ đạo hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối liên vùng, nhất là các dự án giao thông kết nối giữa Quảng Nam với Đà Nẵng, kết nối Duy Xuyên - Đại Lộc - Điện Bàn đã được HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư vừa qua.

Bên cạnh đó, tôi sẽ cùng các đồng chí trong tập thể Thường trực HĐND, UBND tỉnh tranh thủ tối đa các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương để đầu tư các công trình chống sạt lở lưu vực sông Vu Gia. Nỗ lực hết mình trong giải quyết các kiến nghị của cử tri, nhân dân, nhất là việc tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư công…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lắng nghe và hành động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO