Làng nghề vào tết - Bài 3: Giữ vị xuân xưa

LÊ QUÂN - ĐĂNG NGUYÊN 07/02/2018 10:03

Bánh nổ, bánh tổ, bánh khổ khảo… vẫn đang được người làng nhiều vùng xứ Quảng tất bật làm để đưa ra thị trường mỗi dịp tết.

Tin liên quan

  • Làng nghề vào tết - Bài 2: Sắc xuân ở Hồng Lư
  • Làng nghề vào tết - Bài 1: Dậy hương An Lạc
Làm bánh khổ khảo ở thôn Trung Lương, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành.
Làm bánh khổ khảo ở thôn Trung Lương, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành.

Bánh của tết

Làng Tân Phong (Duy Châu, Duy Xuyên), năm nào cũng vậy, cứ vào đầu tháng Chạp là lại chộn rộn. Gian hàng bánh kẹo ngày xuân ở hầu khắp các chợ truyền thống cánh bắc Quảng Nam, có thể xa hơn chút là Đà Nẵng, đều thấp thoáng gói bánh nổ Tân Phong. “Trên bàn thờ tổ tiên, có bánh thuẩn, bánh nổ, bánh tổ, bánh tét… là đủ để thấy gia đình có một cái tết ấm cúng” - ông Đỗ Văn Tuấn - hộ làm bánh lâu năm của làng Tân Phong cho biết. Mùi thơm dịu nhẹ của nếp của gừng quyện trong cái lạnh những ngày giáp tết, khiến mùi của tết trở nên quyến rũ hơn. Gia đình ông Đỗ Văn Tuấn là một trong những hộ còn giữ nghề bánh truyền thống này. Ông Tuấn kể: “Năm nào cũng vậy, những tháng cuối năm là mấy chục hộ trong làng lại làm bánh. Gần 20 năm nay gia đình vẫn giữ nghề này. Cứ bắt đầu vào tháng 10 là soạn sửa đồ nghề, chuẩn bị củi lò để tới tháng Chạp là kịp có bánh bỏ cho bạn hàng”. Những ngày cuối năm cả làng càng tất bật làm bánh cung ứng cho bạn hàng khắp mọi miền. Mỗi sáng, từ 3 giờ cả làng đã dậy: người nhóm lò than bung vỏ nếp, nấu đường, chuẩn bị gừng, người sửa soạn khuôn bánh, mài dao cắt bánh. Trung bình mỗi ngày, một người tham gia làm bánh có thể kiếm được 300 nghìn đồng.

Những ngày này, về thôn Trung Lương (xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành) sẽ cảm nhận được không khí tấp nập, nhộn nhịp với nghề làm bánh khổ khảo. Từng công đoạn, từ xay bột gạo, vô khuôn, hấp chín, nướng bánh, vào đường, tẩm mè đều được người làng thoăn thoắt đôi tay để kịp hoàn thiện mẻ bánh khổ khảo giao cho khách hàng. Người làng Trung Lương cho hay, từ đầu tháng 11 âm lịch hàng năm, hộ làm nghề ở thôn đã bắt tay vào sản xuất bánh để cung ứng cho thị trường tết. Hầu hết người dân ở đây chỉ tập trung sản xuất bánh trong vòng hơn 1 tháng để bán tết rồi nghỉ. Trung bình mỗi cơ sở làm hơn 150 gói bánh xuất bán hàng ngày, với giá 25 nghìn đồng/gói.

Thương hiệu bánh khổ khảo làng Trung Lương luôn được thị trường đón nhận mỗi dịp tết bởi hương vị riêng, đậm đà và giòn xốp. Tết của làng, đã được bắt đầu và gìn giữ bằng nét văn hóa - cũng là cái nghề bao năm nay...

Nghề bánh nổ của làng Tân Phong chỉ làm để phục vụ tết cổ truyền, sau khi đồng ruộng đã được bà con xuống giống. Những ngày nông nhàn giáp tết, nghề làm bánh nổ như một trong những cách để bà con kiếm thêm thu nhập. Nhưng sâu xa hơn, như ông Đỗ Văn Tuấn nói, là để cái tết vẫn còn hương vị cổ truyền. Làm bánh nổ không khó, nhưng ngay từ khâu lựa chọn nguyên liệu đầu tiên, phải làm sao để nếp không lẫn gạo, gừng tươi và thơm, thì cái bánh mới để được lâu. Làng Tân Phong có đến 50 hộ làm bánh nổ và các loại bánh cổ truyền để đưa ra thị trường tết. Trong tháng giáp tết, sau khi trừ tất cả chi phí, mỗi hộ có thể kiếm được 10 - 15 triệu đồng. Ông Đặng Văn Kính - Trưởng thôn Tân Phong cho biết, nghề làm bánh truyền thống của làng góp phần không nhỏ cải thiện thu nhập cho bà con nông dân, bên cạnh đó giữ được nghề truyền thống của địa phương, làm nên một không khí vào xuân ấm cúng. Trải qua nhiều thập kỷ, nghề làm bánh nổ vẫn được gìn giữ. Tết đến với làng bắt đầu từ mùi hương bánh và hương gừng vương theo chân người…

Trở lại bánh xưa

Chưa năm nào, các loại bánh truyền thống lại được thị trường đón nhận nhiều như tết năm nay. Bà Lê Thị Thu Mai, tiểu thương tại chợ Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn) nói, số lượng bột mỳ, nếp, và đường năm nay bán chạy hơn các năm do những cơ sở làm bánh truyền thống nhận đơn hàng từ các nơi khá nhiều. Cũng như vậy, các chủ cửa hàng bánh kẹo năm nay đều dành một không gian khá lớn để trưng bày các loại bánh đặc sản của Quảng Nam. Tại quầy bánh tết của chị Lê Thị Thu Hải (chợ Tam Kỳ) và các hộ lân cận, bánh thuẩn, bánh khổ khảo, bánh nổ được bày trang trọng ngay giữa gian hàng. Theo chị Hải, lượng bánh cổ truyền bán cho các bạn hàng ngoại tỉnh nhiều hơn là người tiêu dùng trong tỉnh. Lý giải chuyện này, chị Hải cho rằng bạn hàng từ miền Nam ra bỏ bánh tết cho mình xong thì cũng mua vài thùng bánh cổ truyền Quảng Nam vào bán ở miền trong. “Bánh tết thì đa dạng nhưng bánh cổ truyền đang có chỗ đứng trở lại trong những ngày xuân và được người dân tin dùng” - chị Hải nói.

Dù không bắt mắt như bánh công nghiệp, hay bánh ngoại nhập, nhưng sự tin cậy của người tiêu dùng dành cho bánh thủ công truyền thống đang tăng trở lại. Sức mua từ vài ngày gần đây cho thấy độ thu hút của các loại bánh thủ công. Từ đầu tháng Chạp đến nay, cơ sở làm bánh thuẩn của chị Nguyễn Thị Thu (Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn) đã nhận hơn 50 đơn đặt hàng của bạn hàng từ Đà Nẵng, Hội An. “Có thể nói sức mua của người tiêu dùng đối với bánh tết truyền thống ngày một tăng. Trong vài năm trở lại đây, bánh tết truyền thống đã có chỗ đứng trên thị trường bánh tết” - chị Nguyễn Thị Thu nói. Tại chợ Hội An, hầu như quầy bánh kẹo nào cũng chưng vài ổ bánh tổ, như vậy mới thấy ra tết. Dù ngày thường, bánh tổ cũng được một vài tiểu thương tại chợ bày bán.

Để hiểu, một cái tết truyền thống, dù thế nào, vẫn phải có bánh thuẩn, bánh nổ, bánh tổ…

-----------------------
Bài 4: Nước mắm, bánh tráng lên ngôi

LÊ QUÂN - ĐĂNG NGUYÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làng nghề vào tết - Bài 3: Giữ vị xuân xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO