Làng nghề vào vụ tết

NGUYỄN QUANG VIỆT 07/01/2014 09:47

Không khí lao động sản xuất tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh vào những ngày này hết sức sôi động. Vụ tết được kỳ vọng đem lại thu nhập khá cho nhiều gia đình.

Vụ chính của năm

Không khí sản xuất của làng nghề Quán Hương (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) càng tất bật hơn khi tết cổ truyền đang đến gần. Người lớn, phụ nữ, trẻ em cùng tất tả với các công đoạn sản xuất hương. Anh Võ Hưng Ba, người theo nghề sản xuất hương truyền thống từ hơn 10 năm nay tại làng nghề này, cho biết: “Qua mấy trăm năm hình thành, thăng trầm đủ cả nhưng đã là người làng thì ai cũng muốn làm hương. Nghề này đem lại thu nhập tương đối nên sẽ bền lâu theo thời gian”. Mỗi ngày, gia đình anh Ba sản xuất được khoảng 5 kiện hương, bán cho các mối hàng khắp miền Trung và Tây Nguyên thu được khoảng 500 nghìn đồng. “Bây giờ làng nghề chủ động sản xuất hương bằng máy chứ ít xe tay nên sản lượng nhiều hơn. Sau khi trừ chi phí, mỗi ngày thu được mấy trăm nghìn không phải là ít. Tranh thủ vụ tết - vụ sản xuất chính của năm nên chúng tôi lao động miệt mài từ sáng sớm cho đến tối mịt mới thôi. Vụ này hy vọng bán được nhiều hương hơn, đem lại thu nhập cao hơn” - anh Ba nói.

Làng rau sạch Bình Triều (Thăng Bình) vào vụ tết.
Làng rau sạch Bình Triều (Thăng Bình) vào vụ tết.

Những ngày này, tại huyện Thăng Bình, làng nước mắm Cửa Khe (thôn 6, xã Bình Dương) cũng rộn rã vào vụ tết. Tết là thời điểm tiêu thụ hàng mạnh nhất trong năm nên chủ cơ sở sản xuất nào cũng khẩn trương lao động. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường tết cũng như quảng bá sản phẩm tại Hội chợ khuyến mại xuân Quảng Nam sẽ khai mạc vào ngày 9.1 này, nhiều loại can, chai 1 lít, 2 lít, 5 lít với mẫu mã sang trọng đã được để sẵn chờ rót mắm. Theo các hộ sản xuất nước mắm, năm nay giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh nên nghề sản xuất nước mắm truyền thống cũng gặp chút khó khăn. Hiện các loại nước mắm công nghiệp vẫn được phổ biến ở khắp các chợ, quầy bán tạp hóa, siêu thị… nhưng không vì thế mà người làm mắm ở làng nghề lo lắng. “Mắm truyền thống là hương vị của quê hương. Đã thành lệ, cứ ngày tết là mọi người trong xã đều sử dụng mắm Cửa Khe. Đến thời điểm này, nhiều tư thương quen thuộc đã đặt hàng ở đây. Do nguồn cầu lớn vào dịp tết nên chúng tôi rất yên tâm sản xuất” - chị Lê Thị Lợi, chủ một hộ sản xuất mắm tại thôn 6 (xã Bình Dương) cho biết. Ông Đỗ Võ Bán, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng Thăng Bình thông tin thêm: “Cứ vào dịp tết là làng mắm Cửa Khe tất bật hẳn lên. Người người, nhà nhà sản xuất mắm để giữ truyền thống của làng nghề. Nước mắm Cửa Khe phát đạt hơn từ nhiều năm qua và sẽ càng có thêm thị trường tiêu thụ qua các hội chợ được tổ chức ở trong và ngoài tỉnh”.

Mở rộng thị trường

Sau khi được chứng nhận rau VietGAP (ngày 25.5.2012), làng rau Hưng Mỹ (xã Bình Triều, Thăng Bình) có thêm cơ hội quảng bá sản phẩm rau sạch. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, làng rau vẫn gặp khó về đầu ra sản phẩm. Vào đầu tháng 10.2013, Hợp tác xã Sản xuất - tiêu thụ rau sạch và dịch vụ nông nghiệp Mỹ Hưng được thành lập với hy vọng sẽ giúp sản phẩm rau sạch của làng nghề được phân phối trực tiếp đến các siêu thị, nhà hàng trên địa bàn TP.Đà Nẵng như Metro, BigC… Mới đây, ngày 29.12.2013, làng rau Hưng Mỹ được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - công nghệ) chứng nhận sản phẩm rau sạch độc quyền, là điều kiện thuận lợi để làng rau có thêm thị trường tiêu thụ ổn định. Vào những ngày này, làng rau Hưng Mỹ cũng sôi động hẳn lên. Ông Trịnh Tấn Ưu, đại diện Hợp tác xã Sản xuất - tiêu thụ rau sạch và dịch vụ nông nghiệp Mỹ Hưng cho biết, đến nay rau sạch Hưng Mỹ có chỗ đứng trong hệ thống siêu thị của miền Trung, đặc biệt là Quảng Nam và Đà Nẵng. “Các hợp đồng cung ứng, bao tiêu sản phẩm rau sạch Hưng Mỹ sẽ được ký kết giữa chúng tôi và hệ thống siêu thị vào đầu năm 2014 này sau nhiều lần chào mời, giới thiệu và kiểm định sản phẩm. Trước tiên là Co.opMart Tam Kỳ, sau đó là Metro Đà Nẵng. Đây là kết quả của những nỗ lực không ngừng của chúng tôi suốt thời gian qua” - ông Ưu nói.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp TP.Tam Kỳ cũng nỗ lực khẳng định thương hiệu rau sạch khi dành nhiều đầu tư cho các làng rau trên địa bàn thành phố, đặc biệt là làng rau Trường Xuân. Vào thời điểm này tại làng rau sạch ở khối phố 2 (phường Trường Xuân), các hộ dân khẩn trương chăm bón rau phục vụ tết. Bà Trần Thị Bích (một người trồng rau) cho biết, nhờ tham quan học tập và được tập huấn kỹ thuật trồng rau sạch, năm vừa rồi, gia đình đầu tư trồng các loại rau xà lách, cải bẹ, hành, ngò, tía tô… trên 3 sào đất. Tính bình quân trong năm vừa rồi gia đình thu được khoảng 20 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Vào vụ tết này, gia đình chủ yếu đầu tư sản xuất các loại rau chuộng thị trường như xà lách và cải bẹ. “Mặc dù phải đầu tư nhiều công sức, kỹ thuật nhưng nhìn chung trồng rau sạch vẫn nhàn nhã hơn các ngành nông nghiệp khác. Thu nhập trồng rau cũng cao hơn hẳn trồng lúa và hoa màu. Nếu thị trường ổn định hơn, chúng tôi sẽ mở rộng diện tích” - bà Bích nói.

Tuy nhiên, ngoại trừ các nông hộ biết cách đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của thị trường thì đầu ra của sản phẩm rau sạch tại TP.Tam Kỳ vẫn còn gặp khó. Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng - chuyển giao kỹ thuật NN&PTNT TP.Tam Kỳ cho biết: “Ưu tiên chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị nên trong thời gian đến, TP.Tam Kỳ chú trọng đầu tư phát triển thêm rau sạch tại các địa bàn Tân Thạnh, Tam Phú, An Phú, Hòa Thuận. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, trong thời gian đến, ngoài việc chú trọng ứng dụng kỹ thuật cao, ngành nông nghiệp thành phố sẽ quảng bá thêm sản phẩm rau sạch, giúp các nông hộ tiếp cận các siêu thị, đảm bảo hơn đầu ra của sản phẩm”.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làng nghề vào vụ tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO