Nhận diện được nguyên nhân khiến các làng nghề truyền thống lâm vào cảnh đìu hiu để cùng tìm hướng gỡ khó và phát triển là việc làm cấp thiết hiện nay của các cấp ngành.
|
Trống Lâm Yên chỉ sản xuất cầm chừng. Ảnh: V.L |
Thiếu đồng bộ
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 89 làng nghề, trong đó có 25 làng nghề được UBND tỉnh ra quyết định công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống, làng nghề mới theo tiêu chí quy định tại Quyết định 26/QĐ-UB ngày 20.3.2003 của UBND tỉnh và Thông tư số 116/2006/TT-BNN ngày 18.12.2006 của Bộ NN&PTNT với trên 7.450 hộ tham gia hoạt động nghề, giải quyết việc làm cho hơn 16.180 lao động nông nhàn tại địa phương. Một số cơ sở sản xuất ở các làng nghề đã chủ động đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa các mặt hàng truyền thống như làng dệt chiếu, mộc Kim Bồng, dệt vải, chế biến nông sản, mây tre đan... Nhiều địa phương như Duy Xuyên, Hội An, Tam Kỳ, Thăng Bình, Đại Lộc... không chỉ hỗ trợ khuyến khích phát triển các làng nghề truyền thống mà còn đẩy mạnh triển khai công tác phát triển nghề, đưa nghề mới về các thôn, xã chưa có nghề, tiến hành đồng bộ một số biện pháp phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông thôn, phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản gắn với phát triển các loại hình dịch vụ và ngành nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Nhờ đó, bước đầu đã tạo được chuyển biến tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo ở nhiều vùng nông thôn.
Theo điều tra của Sở NN&PTNT, số làng nghề trên toàn tỉnh có số hộ tham gia dưới 20 hộ là 24 làng; số làng có nghề có số hộ trên 20 hộ đến 100 hộ là 49 làng; số làng có nghề có số hộ trên 100 hộ đến 200 hộ là 7 làng. Riêng số làng nghề có số hộ trên 300 hộ là 8 làng, thu hút 3.374 hộ tham gia, giải quyết việc làm khoảng 7.560 lao động. |
Tuy nhiên, theo ông Hồ Tấn Cường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, khó khăn hiện nay là công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành nghề nhìn chung còn lúng túng và thiếu tính đồng bộ. Việc phân bố các làng nghề không đồng đều, phần lớn tập trung ở các huyện đồng bằng, đặc biệt là Duy Xuyên, Đại Lộc chiếm trên 49,4% số làng có nghề của tỉnh. Khu vực miền núi số làng nghề chiếm tỷ lệ rất thấp, khoảng 16,8%. Quy mô làng nghề còn nhỏ, số hộ tham gia làm nghề tại các thôn, xã chưa nhiều. Việc khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống, làng nghề mới trong thời gian qua tuy có phát triển, song chưa mạnh, chưa đồng đều, vẫn còn nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm đến việc phát triển các làng nghề, nhân cấy nghề; hơn 60% số làng (xã, thôn) trong tỉnh chưa có nghề tiểu thủ công nghiệp.
Tìm giải pháp
Mới đây, làng mộc Văn Hà chính thức được UBND tỉnh công nhận danh hiệu làng nghề và phân bổ vốn đầu tư 500 triệu đồng. Tuy nhiên, để làng nghề này quay trở về thời hưng thịnh của nó cần sự liên kết cũng như hướng đi hiệu quả. Từ năm 2005 đến nay, bình quân mỗi năm làng mộc Văn Hà sản xuất gần 300 sản phẩm các loại, như nhà kết cấu kèo, trính gỗ, mộc dân dụng, các sản phẩm chạm khắc mỹ nghệ… với doanh thu 2,5 tỷ đồng. Nhưng thu nhập bình quân chỉ 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng, được cho là quá ít so với công sức người thợ bỏ ra. Bởi sản phẩm làng nghề chủ yếu làm thủ công nên năng suất không cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu vẫn qua “kênh” quen biết mà chưa có sự liên kết, liên doanh để tìm đầu ra cho sản phẩm.
Theo đề án Khôi phục, phát triển làng mộc Văn Hà giai đoạn 2012 - 2015, tầm nhìn đến 2020 của UBND huyện Phú Ninh, những năm tới, mộc Văn Hà muốn phát triển cần liên kết “4 nhà” (gồm doanh nghiệp - người dân làng nghề - các tổ chức khuyến khích làng nghề - nhà nước). Có như thế, sản phẩm làng nghề mới tìm được đầu ra ổn định, giúp nâng cao thu nhập người dân. Từ đó, việc thu hút lao động trẻ tại địa phương tham gia sẽ dễ dàng hơn. Việc đầu tư nhà xưởng, hỗ trợ người làng nghề về nguyên liệu cũng như máy móc thiết bị là điều đặt ra để khôi phục và phát triển làng nghề. Năm 2008, UBND huyện Phú Ninh đầu tư kinh phí để mở lớp đào tạo nghề mộc cho 10 học viên của xã Tam Thành do cụ Đinh Thạch - nghệ nhân của làng hướng dẫn. Tuy nhiên, khóa học đó chỉ có 4 người được chọn vào nghề. Mãi đến năm 2012, khóa học thứ 2 mới được mở. Tuy nhiên, vẫn như những làng nghề thủ công khác, 10 người của khóa học lần này thì chỉ có 3 người ở độ tuổi dưới 30.
Một trong vướng mắc lớn nhất của làng nghề là vốn. Theo ông Nguyễn Văn Thông – Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương), thường những hộ cá thể thì không đủ điều kiện để được vay số vốn lớn ở các ngân hàng thương mại, trong khi vay ở ngân hàng chính sách xã hội thì không đáp ứng mở rộng sản xuất. Trưởng thôn, trưởng bản không đủ tư cách pháp nhân để đứng ra vay vốn cho các hộ thành viên trong làng nghề. Họ đang rất cần một người cầm trịch, liên kết các hộ sản xuất lại với nhau, hình thành nên một hợp tác xã để hỗ trợ người dân làng nghề phát triển… Cũng giống như nông nghiệp, người dân ở các làng nghề cần có sự liên kết, bắt tay của nhiều ngành, lĩnh vực như người dân – công thương – VH-TT&DL - ngân hàng để 89 làng nghề trên toàn tỉnh sống khỏe, sống mạnh chứ không èo uột như hiện nay.
Nguy cơ mai một Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đang đứng trước nguy cơ tàn lụi, trong đó nguyên nhân chính là sản phẩm làm ra bán với giá thấp, kém cạnh tranh. Tìm lối ra cho làng nghề đang trở thành nỗi trăn trở của nhiều người. Được hình thành từ khoảng 200 trăm năm trước, làng trống Lâm Yên (thôn Ấp Nam, xã Đại Minh, Đại Lộc) một thời vang bóng với các loại trống chầu, trống cái, trống cơm..., nay đang đứng trước nguy cơ mai một do thị trường ngày càng thu hẹp. Hiện làng chỉ còn khoảng 12 hộ sản xuất nhưng cũng chỉ cầm chừng, sản phẩm làm ra ngày càng ít hơn do không có thị trường tiêu thụ. Nếu trước đây cả làng có hơn 20 gia đình làm trống với số lượng lên đến 2.000 chiếc mỗi năm thì nay chỉ còn tính bằng trăm. Ông Phan Văn Hai, một trong số ít người dân còn theo nghề cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là sự xuất hiện của nhiều cơ sở sản xuất trống của người Bắc tràn vào những năm gần đây. “Dọc quốc lộ 1 từ Đà Nẵng trở vào có gần chục xưởng trống của người Bắc mở bán với giá thấp, mà tâm lý khách hàng là thích giá rẻ và tiện lợi nên trống Lâm Yên khó cạnh tranh lại” - ông Hai nói. Theo ông Hai, trung bình mỗi chiếc trống trung Lâm Yên giá bán từ 3 - 4 triệu đồng, thời gian dùng khoảng 7 năm da mới hỏng, nhưng lúc đó người ta cũng chỉ cần thay da là thành trống mới, do vậy khách hàng mua một cái trống thời gian sử dụng chí ít cũng được 10 năm mới mua lại. Trước đây, mỗi năm gia đình ông đóng bán từ 100 – 150 trống nhưng bây giờ chỉ còn vài chục trống, riêng năm 2012 chỉ bán được hơn 50 trống, lãi chừng 30 triệu đồng. Còn ở làng chiếu Trà Nhiêu (thôn Trà Đông xã Duy Vinh, Duy Xuyên) tiếng thoi cũng đang dần im vắng do chiếu đang hồi mất giá. Theo bà Nguyễn Thị Đua, một người dân làm nghề chiếu, nếu trước đây một đôi chiếu rộng 1,15m bán cho bạn hàng được khoảng 110 nghìn đồng thì nay chưa đến 80 nghìn đồng. Trong đó, chi phí tiền mua sân (đay), mua phẩm nhuộm cũng đã chiếm vài mươi nghìn đồng. Mỗi ngày 2 chị em bà dệt từ sáng đến chiều đạt lắm cũng chỉ được 2 đôi, còn thông thường thì được đôi rưỡi (3 chiếc). Nhà bà Đua có 1,5 sào ruộng lúa, xong vụ mùa cả nhà chỉ còn trông vào 3 sào lác (cói) nên bây giờ dù chiếu có mất giá cũng không thể bỏ được. “Nhà có sẵn lác nên phải dệt, coi như làm kiếm ngày công” - bà Đua nói. Hằng ngày sau khi cơm nước xong, 2 chị em bà Đua lại ngồi vào khung dệt cặm cụi để chiều bạn hàng đến lấy, kiếm 40 - 50 nghìn đồng chợ búa. Bà Đua cho rằng, nguyên nhân chiếu mất giá là do không cạnh tranh được với chiếu dệt máy của các cơ sở nơi khác đến. “Không phải chiếu mình làm ra xấu hay bị ép giá đâu mà do bây giờ chiếu dệt bằng máy nhiều quá, họ làm một ngày được cả chục đôi nên bán giá rẻ hơn mình là đúng rồi” - bà Đua phân tích. (VĨNH LỘC) |
______________________
Bài cuối: Dựa vào du lịch
Phát triển làng nghề dựa vào du lịch được xem là hướng đi hợp lý bởi thực tế, ở những nơi du lịch phát triển, làng nghề truyền thống luôn có “đất sống”.
LÊ QUÂN - THỤC ANH