Làng Nghi Sơn - dấu ấn văn hóa, lịch sử

HẢI HÀN 26/10/2013 09:02

Thôn Nghi Sơn, xã Quế Hiệp (huyện Quế Sơn), trước đây được định danh là làng Khe Môn, một ngôi làng nhỏ nằm dưới chân núi Hòn Tàu nhưng mang trong mình bề dày văn hóa, lịch sử. Trải qua biết bao binh biến, đổi thay, các tộc họ ở làng Khe Môn vẫn trụ bám khai cơ dựng nghiệp. Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến, nơi đây là căn cứ cách mạng vững chắc, nơi từng nuôi giấu đồng chí Võ Chí Công.

Nằm ở độ cao hơn 150m so với mực nước biển, vùng đất Nghi Sơn giống như một cao nguyên thu nhỏ nhô ra từ dãy núi Hòn Tàu sừng sững phía sau. Theo gia phả của các tộc họ trong làng, vào giữa thế kỷ XV (1442), một số vị tiền nhân mang tộc họ Âu, Dương, Phùng có nguồn gốc từ phủ Thừa Tuyên (nay thuộc huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) đã đến khai phá và sinh cơ lập nghiệp tại vùng đất Sơn Đào (nay là xã Quế Hiệp, Quế Sơn). Trong quá trình khám phá mở mang vùng đất mới, các vị tiền nhân lần theo con suối nhỏ tiến dần lên vùng đất cao hơn về phía bắc khai khẩn và đặt tên Khe Môn xứ (theo sử tích ghi lại, làng có tên Khe Môn là do ở các khe suối trong vùng có rất nhiều cây môn dại). Các vị cao niên trong làng kể rằng, kế theo các vị tiền nhân họ Âu, Dương, Phùng, 12 tộc họ gồm Lê, Đinh, Đỗ, Trần Đình, Ngô, Đoàn, Phạm, Võ, Nguyễn, Trần Phước, Trần Văn đã đến định cư, khai phá tạo dựng một vùng đất rộng lớn lấy tên làng là Nghi Sơn để nhớ gốc tích Nghi Lộc của mình.

Hằng năm, nhân dân làng Nghi Sơn đều tổ chức lễ cúng ghi ơn công đức tiền nhân.Ảnh: HẢI HÀN
Hằng năm, nhân dân làng Nghi Sơn đều tổ chức lễ cúng ghi ơn công đức tiền nhân.Ảnh: HẢI HÀN

Hơn 6 thế kỷ đi qua kể từ khi tiền nhân vào Nam mở mang bờ cõi, xây dựng cơ đồ đã phải bỏ ra biết bao công sức, cả xương máu, mồ hôi và nước mắt để biến vùng rừng đồi hoang vu thành những ruộng đồng, thôn xóm. Trong điều kiện sống khắc nghiệt của vùng cận sơn, để tồn tại, người dân trong làng luôn hợp sức, tính cố kết cộng đồng rất cao. Ở đây có tín ngưỡng thờ thần núi, thần rừng. Các xóm trong làng đều lập miếu để vừa thờ các Thổ thần, Thổ công. Trong các miếu thờ ấy, miếu làng gắn liền với rừng Cấm Miếu, là nơi các tộc họ trong làng thờ tự chung. Rừng Cấm Miếu cũng theo đó được người dân gìn giữ như một “báu vật của làng” và tồn tại cho đến ngày nay. Các thế hệ con cháu làng Nghi Sơn nối tiếp nhắc nhở nhau bảo tồn khu rừng Cấm Miếu để dân làng có được muôn sự bình an, làm ăn phát đạt, con cháu thành tài.

Với tâm nguyện của bà con tộc họ trong làng muốn kết nối, lưu giữ truyền thống quê hương cho muôn đời con cháu mai sau hiểu rõ cội nguồn, Ban nhân dân thôn Nghi Sơn đã xây dựng và hình thành tập “Lịch sử làng Nghi Sơn - Quế Hiệp”. Tập lịch sử làng Nghi Sơn gồm 6 phần chính, khái quát một cách sinh động về cuộc sống con người nơi đây và sự hình thành phát triển lịch sử văn hóa đặc trưng của làng. Đây là thôn đầu tiên trong cả huyện hình thành tập sách về lịch sử làng, là nguồn tư liệu quý báu không chỉ cho làng Nghi Sơn mà cả cho huyện Quế Sơn trong việc sưu tầm tìm hiểu về lịch sử đấu tranh cách mạng của các xã, thị trấn, và bản sắc văn hóa của địa phương.

Mỗi dịp xuân về, đúng vào ngày mùng 8 tháng giêng, nhân dân làng Nghi Sơn long trọng tổ chức lễ hội Khai Sơn - lễ hội truyền thống ghi ơn công đức tiền nhân, dâng hương thần núi cầu mong những điều tốt lành đến với mọi nhà. Lễ hội có quy mô khá lớn và trang trọng không chỉ thu hút nhân dân trong làng tham gia mà còn lôi cuốn nhiều du khách từ các nơi trong và ngoài huyện về tham quan tìm hiểu. Phần hội của lễ hội Khai Sơn kéo dài trong ngày và đêm mùng 8 với những trò chơi dân gian và các hoạt động thể thao, văn nghệ mừng xuân mới. Lễ hội Khai Sơn ở làng Nghi Sơn mang đầy ý nghĩa trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây. Lễ hội cũng là dịp dân làng tri ân các vị tiền hiền, tiền bối đã có công khai sơn phá thạch, gây dựng cơ đồ, tôn vinh dòng tộc. Đồng thời, cũng là dịp các chư tộc, dân làng gặp mặt con cháu, người thân đầu năm mới. Cùng với lễ hội Khai Sơn, trước đó, ngày 23 tháng chạp trở thành ngày lệ chung của làng: cúng miếu Ông, miếu Bà, “tết” Thần núi với lễ cúng giản đơn bằng hương hoa, trà rượu để cầu sự bình an cho gia đạo, sự chở che của các vị thần rừng và sang năm mưa thuận gió hòa.

Cùng với dấu ấn về văn hóa, làng Nghi Sơn cũng đã để lại nhiều dấu ấn về lịch sử đấu tranh cách mạng, từng là một trong những căn cứ cách mạng vững chắc ở vùng rừng núi trung du phía tây Quảng Nam. Ngay từ những ngày đầu khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, tổ chức Nông hội đỏ của cả xứ Sơn Đào cũng đã được hình thành. Tháng 11.1940, dưới tán cây bàng ở Cấm Miếu, chi bộ đảng làng Nghi Sơn chính thức ra đời, lấy tên Chi bộ Lạng Sơn. Chi bộ này trở thành hạt nhân nòng cốt cho lực lượng cách mạng ở vùng tây Quế Sơn. Nhờ có cơ sở an toàn, bí mật, từ cuối năm 1941, đồng chí Võ Chí Công - Ủy viên Khu ủy 5 đã chọn Nghi Sơn làm địa bàn bám trụ hoạt động cách mạng. Những hang động ở khu rừng Cấm Miếu như hang Bà Gánh, động Cây Sanh, nổng Huấn… trở thành nơi tổ chức các cuộc họp chỉ đạo phong trào cách mạng của đồng chí Võ Chí Công. Đến đầu năm 1943, địch phát hiện cơ sở cách mạng, đưa quân lùng sục và bắn phá dữ dội, nên hầu hết cơ sở cách mạng ở vùng tây Quế Sơn (trong đó có Chi bộ Lạng Sơn) phải tự giải tán hoặc chuyển đi nơi khác. Song từ năm 1944 và sau đó, các cơ sở cách mạng ở nơi đây đồng loạt phát triển trở lại và tiếp tục là khu căn cứ cách mạng vững chắc của một vùng đất rộng lớn tây Quảng Nam.

HẢI HÀN

(1) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làng Nghi Sơn - dấu ấn văn hóa, lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO