(QNO) - Bão số 9 quét qua, gây ra trận sạt lở lớn khiến thôn 3, xã Phước Lộc (Phước Sơn) gần như bị mất dấu, 11 người chết và mất tích. Hơn 2 tháng trời, nỗ lực khơi thông tuyến đường vào thôn vẫn chưa thể giúp thông tuyến, bộn bề khốn khó trong công tác tìm kiếm người mất tích lẫn tái thiết cho vùng này.
Tuyến đường bị hàng trăm điểm sạt lở băm nát, chính quyền xã Phước Lộc phải huy động dân làm nhiều cầu tạm để đi bộ vào thôn 3. Phải mất hơn 2 giờ đồng hồ, chúng tôi mới vào được điểm thôn. Khung cảnh tan hoang, ngổn ngang đất đá và cây cối. Cánh đồng lúa nước xanh tươi của thôn đã bị vùi lấp hoàn toàn. Sót lại chừng chục căn nhà sau bão, song bà con cũng không dám ở do nguy cơ thiếu an toàn.
Nhiều hộ dân thôn 3 được bố trí ở trong các dãy nhà tạm do chính quyền dựng lên sau bão. Hiện lương thực, thực phẩm được gùi cõng cấp cho dân, đủ để lo cái ăn trong vòng vài tháng tới. Ngoài ra, chính quyền cũng đã cấp quần áo, chăn màn, nhu yếu phẩm cần thiết từ nguồn hỗ trợ của tỉnh, huyện cũng như nhà hảo tâm. Tuy nhiên, việc tái thiết gặp rất nhiều khó khăn.
Thôn 3 từng là nơi khá trù phú của xã Phước Lộc với nghề nuôi ong bộng lấy mật, có biệt danh là “làng ong”. Ngoài ra, người dân còn trồng lúa nước, canh tác rẫy, trồng cây dược liệu, thu nhập ổn định nhất nhì xã. Đây cũng là thôn có mặt bằng dân cư được bố trí khá đẹp, chưa hề được xếp vào vùng “nguy cơ” bị ảnh hưởng do thiên tai.
Tuy nhiên, bão số 9 khiến ngọn núi lở, lũ quét cuốn theo lượng đất đá khổng lồ, cây cối từ thượng nguồn đổ xuống xé tan hoang thôn này. Thống kê cho thấy, có đến 43 hộ bị thiệt hại, trong đó có 32 căn nhà hư hỏng 70% trở lên. Sau hơn 2 tháng tìm kiếm, vẫn còn 3 người mất tích chưa được tìm thấy. Phương tiện cơ giới không thể tiếp cận do đường chưa thông nên việc tìm kiếm đang được tạm dừng.
Hộ anh Hồ Văn Đoàn bị hư hỏng gần như toàn bộ ngôi nhà sau bão. Nhiều tài sản, đồ đạc, gia súc bị cuốn trôi. Hiện cả gia đình sống tạm trong căn lều do xã dựng. Mưa kéo dài, cộng thêm ruộng, rẫy đã sạt lở nên cái ăn chủ yếu dựa vào nguồn hỗ trợ của xã. “Tôi rất mong sớm được bố trí tái định cư, có nơi an toàn và được hỗ trợ để có kinh phí dựng lại nhà cửa, ổn định cuộc sống. Sau bão lũ, gia đình tôi lâm vào cảnh tay trắng, rất khó khăn” - anh Đoàn nói.
Ông Lưu Huyền Thoại - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc cho hay, sau khi đường thông, chính quyền sẽ đưa xe múc cùng hơn 30 nhân công vào tiếp tục tìm kiếm người mất tích. Hiện nay xã đã dựng nhà tạm cho khoảng 30 hộ, dự trữ lương thực cho người dân thôn 3.
“Thời gian tới, địa phương sẽ mua ống nước để cấp cho dân, cố gắng khôi phục 10ha trong tổng số 32ha lúa nước trên toàn xã, trong đó có thôn 3. Công tác khảo sát mặt bằng đã được tiến hành, tuy nhiên do thôn 3 đã bị sạt lở phần lớn, chỉ còn 2 điểm có thể làm lại mặt bằng bố trí tái định cư và đang đề xuất các cơ quan chức năng của huyện đánh giá, lên phương án” - ông Lưu Huyền Thoại thông tin.
Theo ông Thoại, xã cũng sẽ kiến nghị huyện, tỉnh cấp giống bò, heo cho người dân chăn nuôi trở lại, khoanh nuôi trồng rừng gỗ lớn và trồng cây dược liệu để khôi phục sinh kế cho dân. Riêng nghề nuôi ong, chắc phải mất một thời gian dài mới có thể khôi phục do cây cối làm bộng ong ngã đổ khá nhiều, đàn ong hiện đã đi khỏi các tổ do người dân làm để nuôi.
Từ nay đến Tết Nguyên đán, chính quyền xã Phước Lộc sẽ tiếp tục có những hỗ trợ cần thiết để đảm bảo đời sống cho dân. Người dân thôn 3 vẫn rất cần sự giúp đỡ, chung tay của cộng đồng, nhà hảo tâm trong những ngày sắp đến.
PV Báo Quảng Nam online là phóng viên đầu tiên tiếp cận thôn 3 sau hơn 2 tháng trời cô lập. Dưới đây là một số hình ảnh ghi lại sau chuyến đi: