Với sự đồng thuận cao của người dân, việc xây dụng khu dân cư nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu ở thôn Kế Xuyên 1 ( xã Bình Trung, Thăng Bình) sau một năm thực hiện đã tạo nên diện mạo mới cho làng quê.
Ông Thanh bên những luống rau càng cua. Ảnh: G.B |
Phát huy vai trò tộc họ
Thôn Kế Xuyên 1 có 339 hộ với hơn 1.200 nhân khẩu, đời sống người dân hoàn toàn phụ thuộc vào nông nghiệp. Đây cũng là một trong những ưu điểm để xã Bình Trung chọn làm điểm xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu. Ngay khi bắt tay vào thực hiện, UBND xã đã thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác rà soát từng tiêu chí theo quy định để lên phương án thực hiện. Theo đó, Ban chỉ đạo xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu xã đã phát tờ rơi tuyên truyền vận động, xây dựng chương trình phát thanh hàng tuần trên sóng Đài truyền thanh xã với các nội dung liên quan đến việc xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu để người dân hiểu rõ và thực hiện. Mặt khác, Ban chỉ đạo cũng đã tổ chức tuyên truyền theo từng tổ tự quản thông qua tiếp xúc cử tri, họp dân, sinh hoạt để tuyên truyền 10 tiêu chí xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu. Theo ông Ngô Văn Sự - Trưởng thôn Kế Xuyên 1, qua hướng dẫn, tập huấn của tỉnh, huyện, các thành viên đã hiểu đúng về chủ trương và tìm các giải pháp thực hiện. Điều đặc biệt ở thôn Kế Xuyên 1 là sự đóng góp của tộc họ rất lớn vào sự sự thành công của thôn.
Thôn Kế Xuyên 1 có 339 hộ dân thì hơn một nửa là con cháu của tộc Ngô. Chính quyền thôn chủ động kết nối với những người có uy tín trong dòng tộc để tuyên truyền, vận động, qua đó, con cháu trong tộc Ngô đồng thuận cao nên hiến 1.000m2 đất để làm đường giao thông nội đồng, phá dỡ hàng chục tường rào kiên cố để làm đường ĐH6. Ngoài ra, thôn Kế Xuyên 1 đa số đều nằm trên trục đường chính của tuyến ĐH 6 do vậy, cũng có những thuận lợi nhất định cho việc tập hợp, tuyên truyền. Ông Ngô Văn Sự - Trưởng thôn Kế Xuyên 1 cho hay, một khi công tác tuyên truyền được làm tốt thì việc gì cũng thống nhất và thành công. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân trong thôn đã hiến hơn 70 bụi tre, mỗi bụi 20 - 30 cây. Dù giá trị của cây tre không lớn nhưng gắn liền với đời sống của người dân từ lâu đời. Ban đầu thôn chọn một vài hộ là con cháu tộc Ngô vận động chặt phá bờ tre và huy động lực lượng trong thôn cùng tham gia hỗ trợ. Sau đó, các hộ khác thấy việc chặt phá tre tạo không gian thoáng đoãng nên các hộ khác đều đồng loạt thực hiện. Bây giờ, những bụi tre rậm rạp đều được chặt phá thay vào đó là những hàng cây râm bụt, cây xanh rợp bóng. Cùng với đó, người dân trong thôn còn tích cực chỉnh trang tường rào, cổng ngõ quanh nhà.
Diện mạo mới của làng quê
Gia đình ông Bùi Ngọc Thanh ở tổ 5 thôn Kế Xuyên 1 tận dụng diện tích đất mà trước đây bóng tre che phủ bỏ không, trồng rau càng cua, rau diếp cá... vừa sử dụng trong các bữa ăn trong gia đình vừa bán kiếm tiền. Ông Thanh cho rằng, ở cái tuổi 65 như ông, bây giờ ông tận dụng diện tích trong vườn nhà để trồng rau xanh không những tạo nguồn thu nhập ổn định mà còn có được niềm vui lúc tuổi già. Ngoài ra, vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, ông còn trồng xen canh gần 50 chậu hoa vạn thọ, để bán. Được biết, gia đình ông Bùi Ngọc Thanh là một trong 10 hộ được chọn làm vườn mẫu của thôn Kế Xuyên 1. Từ khi tham gia vườn mẫu, bản thân ông Thanh vận động vợ con trong gia đình giữ gìn vệ sinh vườn nhà, chặt phá bụi rậm, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Ông Thanh chia sẻ, cũng một diện tích vườn nhưng khi phát quang sạch sẽ thì không gian trở nên thay đổi hẳn làm cho con người thấy phấn khởi, tươi mới hơn.
Nhờ công tác tuyên truyền vận động mà người dân thôn Kế Xuyên 1 đồng thuận cao với chủ trương xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu. Hiện thôn đã có 2km điện đường được thắp sáng tại trục đường chính, 97% đường được cứng hóa bê tông đạt chuẩn tối thiểu cấp C. Toàn thôn không có nhà ở dột nát. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người toàn thôn đạt hơn 35 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,04%. Làng quê Kế Xuyên hôm nay đã đổi thay theo hướng đi lên, đó là điều ai cũng phấn khởi. Ông Ngô Văn Sự - Trưởng thôn Kế Xuyên 1 cho biết thêm, hiện chúng tôi đang tính đến chuyện quy hoạch vùng trồng rau diếp cá với diện tích hơn 5 mẫu đất. Bởi vì ở thôn này từ lâu cây rau diếp cá đã có thương hiệu với 30 hộ tham gia trồng. Do vậy, quy hoạch để bà con làm rau có đầu ra ổn định, không bị thương lái ép giá.
GIANG BIÊN