Làng quê sinh thái sốt đất - Bài 1: Biến động

HOÀNG LIÊN 17/04/2018 09:16

Giá đất được “tung hô” cao ngất ngưởng, nhiều nhà đầu tư đổ xô tìm mua, dân địa phương rục rịch, thấp thỏm với giá đất... là tình trạng chung tại các làng quê du lịch sinh thái Trà Nhiêu, Triêm Tây. Tại các làng quê này, dù nhiều dự án du lịch vẫn còn nằm trên giấy nhưng cơn sốt đất đã gây ra không ít xáo trộn, biến động trong đời sống cộng đồng dân cư.

Một góc Triêm Tây. Ảnh: Hoàng Liên
Một góc Triêm Tây. Ảnh: Hoàng Liên

Triêm Tây: đón đầu dự án du lịch

Gần nửa năm trở lại đây, giá đất ở vùng Triêm Tây (xã Điện Phương, Điện Bàn) bắt đầu nóng sốt, nhiều thửa được hô với giá trên trời, kể từ khi có thông tin một số dự án du lịch đầu tư vào địa bàn. Cơn sốt đất bắt đầu khi nhiều nhà đầu tư từ miền Bắc vào, từ Hội An lên, nhiều người đã lùng sục ở Triêm Tây và vùng lân cận để mua đất đầu tư. Từ một vùng đất hoang vu bên sông, um tùm cỏ dại, lau lách..., bỗng chốc Triêm Tây mất đi vẻ yên bình vốn có. Bà Lê Thị Thang, một hộ dân có nhà vườn ven sông làm du lịch cho hay: “Họ mua nhiều lắm, đất sản xuất, đất vườn cũng mua với giá cao từ 2 - 3 triệu đồng/m2. Một số chủ vườn đã bán bớt đất với giá cao để đi các nơi khác ở với con cháu. Người Hà Nội vào mua có, từ Hội An lên cũng có. Nghe đâu vườn nhà ông hàng xóm với tôi đã được chuyển nhượng cho một người, rồi người này tiếp tục sang tay cho người khác để làm homestay và mảnh vườn này được trả 5 tỷ đồng cũng không bán. Nhà tôi chỉ có một thẻo đất ven sông, tôi giữ lại để ở và làm du lịch”. Người làng ở đây còn cho biết, ông S., ông M. ở Triêm Tây có những thửa vườn hoang lâu nay thả cho cỏ mọc làm thức ăn cho bò, nay đang làm thủ tục về đất nhưng chưa bán.

Ông Nguyễn Văn Bằng - Trưởng thôn Triêm Tây xác nhận, có khoảng 10 hộ đã bán đất ở Triêm Tây, một số hộ bán một phần diện tích vườn và cũng có hộ đã bán hết đất để tới ở với con cái. Lô đất của ông Nguyễn Hữu Đại (Bảy Đại) được bán với giá hơn 1 tỷ đồng, ông Đại đã đi nơi khác sống và miếng đất này được ông Hùng - chủ nhân mới mua đang xây dựng homestay, dù có người trả hơn 5 tỷ đồng nhưng ông chưa bán… Giá đất ở địa phương nhảy múa liên tục, một đồn mười, mười đồn trăm. Giá đất cao từng ngày thông qua những tay cò đất có thể là xe ôm, là nông dân. Cũng trên những lô đất đã mua, chuyện sang tay hưởng giá chênh lệch giữa các chủ đầu tư cũng đã cao ngất ngưởng. “Nghe tin đất có giá, nhiều người xa phương tìm về đòi lại đất bỏ hoang để chuyển nhượng lấy tiền tỷ. Chứ những năm 2013 - 2014, đất ở đây bán không ai mua, mỗi lô tầm 30 - 50 triệu đồng chớ mấy” - một người dân Triêm Tây tâm sự. Ngoài các dự án du lịch đã có, thông tin dự án du lịch Triêm Đông (sông Đầm) vừa có chủ trương quy hoạch 100ha đất dọc triền sông La Nghi, do Tập đoàn Đất Quảng triển khai quy hoạch tổng thể và dự án mở đường đi qua Triêm Tây... cũng góp phần tạo nên cơn sốt đất ở làng quê này.

Dịch vụ nhà đất Triêm Tây mọc lên tại làng.  Ảnh: Hoàng Liên
Dịch vụ nhà đất Triêm Tây mọc lên tại làng. Ảnh: Hoàng Liên

Hiện vùng đất Triêm Tây có tổng cộng 7 dự án du lịch sinh thái đăng ký đầu tư, song chỉ mới 2 trong số đó được phê duyệt, cấp phép, đi vào hoạt động, số còn lại vẫn còn nằm trên giấy. Cụ thể, 7 dự án gồm dự án khu nghỉ dưỡng của KTS.Bùi Kiến Quốc; Hợp tác xã Nông nghiệp Triêm Tây với mô hình trồng rau sạch an toàn; dự án trồng thảo dược kết hợp với du lịch của TS.Tạ Thị Bích Đào; dự án tour du lịch mỗi ngày một làng quê của Mai Huy Vũ; dự án du lịch tâm linh “Bàn tay lớn”; mô hình nhà võng - làng đón khách của ông Quảng Ngọc Mười; mô hình trồng rau sạch của Công ty Việt Thiên Ngân. Riêng dự án làng hoa 19.8 của nhà đầu tư ở Hà Nội vừa xin chủ trương. Nhận định về các dự án trên, ông Lê Đức Thu - Chủ tịch UBND xã Điện Phương cho biết: “Có 7 dự án xin vào Triêm Tây rồi, nhiều dự án có ý tưởng rất hay nhưng chưa tới đâu, còn nằm trên giấy. Ngay Cụm công nghiệp làng nghề Yên Khương nằm trên địa bàn lân cận phục vụ phát triển du lịch có tổng kinh phí được phê duyệt 39 tỷ đồng nhưng từ năm 2014 tới nay, nguồn đầu tư còn rất hạn chế, chỉ mới hơn 10 tỷ đồng, chủ yếu phát triển đường sá vào cụm công nghiệp này. Việc phát triển du lịch của Hợp tác xã Nông nghiệp Triêm Tây cũng còn manh mún, nhỏ lẻ. Phát triển du lịch chưa tới đâu, nhưng cơn sốt đất ở làng quê du lịch đã diễn ra mấy tháng gần đây khiến ai nấy chóng mặt. Chẳng ai thể ngờ được làn sóng du lịch tràn đến khiến đất đai ở làng quê này biến động đến vậy” - ông Thu nói.

Trà Nhiêu: xôn xao giá đất

Cơn sốt về giá đất không chỉ là thực tế của Triêm Tây, mà còn hiển hiện ở làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu (xã Duy Vinh, Duy Xuyên) và vùng lân cận. Đầu tháng 4.2018, trong vai người mua đất, tôi được bà H., chủ nhân của một quán ăn uống ở thôn 4 (xã Duy Vinh) cho biết, miếng đất nơi chúng tôi đang đứng có diện tích 6x20m, có mặt tiền tiếp giáp với quốc lộ 14H, ngày trước chỉ bán được 30 triệu đồng là cùng, nhưng hiện nay mảnh đất này đã được thăm dò với giá gần 1 tỷ đồng. “Sắp tới họ làm đường 13m qua mặt tiền đất này nên bán được giá. Chỉ cách tôi chừng 3 cái nhà nhưng mặt tiền đường chỉ 5m nên giá chỉ bằng 1/3. Tôi có 3 miếng ở cách xa nhau, nếu đồng ý bán thì sẽ có người đến đặt cọc ngay nhưng tôi quyết giữ lại” - bà H. tâm sự. Nhiều người dân thôn 4 cho biết, vùng ven với làng du lịch sinh thái Trà Nhiêu giá đất sốt từng ngày. Nhiều người đến thôn này gom đất để bán lại kiếm lời. “Có kẻ chỉ vừa mua xong, viết giấy tay xong, vừa sang tay lại đã một lời 1 rồi” - bà H. nói. Người dân thôn 4 cũng đồn đại câu chuyện một chủ đóng tàu ở địa phương phất lên nhờ đất khi có trong tay đến mấy chục lô bán lại kiếm lời. Bà H. dẫn chứng, ngay quán cà phê đối diện quán ăn của bà có diện tích bằng 2 lô đôi (6x40m) đã có người trả mua để làm du lịch với giá 3,5 tỷ đồng. “Giá cứ lên miết, cò đất cứ hét giá, nhiều nhà đầu tư các nơi tới đây giành mua đất, chủ yếu là người gốc Bắc và ở Hội An lên. Nhiều người già độc thân, hay đau ốm mà có vườn rộng cũng cắt đất bán để dưỡng già, chữa bệnh trong đợt đất được giá này” - bà H. nói thêm.

Ông Lê Hưu, người dân thôn Trà Nhiêu cho biết, đất ở đây tăng giá mạnh, 5 - 6 triệu đồng/m2 là thường, những chỗ không có mặt tiền thuận lợi thì tầm 2 - 3 triệu đồng/m2. “Nguyên nhân dẫn tới cơn sốt đất ở làng quê nghèo là vì du lịch, nhà đầu tư các nơi tới mua đất với giá bất chấp. Nghe đâu họ mua để làm homestay hay làm nhà vườn phát triển du lịch. Cũng chủ yếu người các nơi mua, chứ ở đây chẳng ai có tiền để mua” - ông Hưu nói. Cũng theo ông Hưu, không chỉ do du lịch làm đất sốt, việc đẩy giá lên phần lớn là do cò đất điều khiển. Tiểu thương buôn đất từ các nơi cũng vung tiền không tiếc vì đón đầu dự án du lịch.

Ông Nguyễn Sáu - Chủ tịch UBND xã Duy Vinh xác nhận, đến nay vẫn chưa có dự án lớn nào vào Duy Vinh để tạo đà phát triển du lịch, chỉ có một vài dự án nhỏ, song không hiểu sao lại xảy ra hiện tượng sốt đất và giá đất cao ngất ngưởng. Ngay ở vùng ven Trà Nhiêu, giá đất được đẩy lên cao cũng bất thường, có thể đây là giá ảo. Ông Sáu lý giải, sở dĩ có tình trạng sốt đất ở Trà Nhiêu và vùng ven vì khu vực này giàu tiềm năng du lịch, gần đây có thông tin tỉnh đầu tư công trình cầu dẫn ở Duy Phước nối đường 14H, khu vực này cũng đã nối Cẩm Kim (Hội An) thuận lợi. Cũng vì lẽ đó nên những nơi dự kiến công trình đường giao thông 13m đi qua, giá đất đã lên tới 10 triệu đồng/m2

--------------
Bài 2: Siết chặt quản lý quy hoạch

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làng quê sinh thái sốt đất - Bài 1: Biến động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO