Tôi ra phố và về quê gần như hàng ngày từ nhiều năm nay. Con đường thân quen của tôi vẫn là quốc lộ 1 từ Đà Nẵng vô Điện Bàn và ngược lại. Có gì lạ không trên con đường ấy?
Bình yên miền quê xứ Quảng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Đường xưa...
Con đường 1 cũ nhỏ chỉ đủ hai chiếc xe chở khách Phi Long, Tiến Lực giảm tốc độ và tránh nhau. Bên đường là những chiếc xe đạp hoặc thi thoảng là vài chiếc xe ba bánh Lambretta treo lủng lẳng những gióng mủng phía sau của những người buôn bán nhỏ. Mẹ tôi và những người đàn bà ở quê thường đi trên những chiếc xe đó. Vài người thanh niên ở làng đầu tuần đạp xe đi Đà Nẵng và cuối tuần lại đạp xe về. Họ ra phố để làm nghề uốn tóc hoặc bán thuốc Cẩm Lệ. Phố xá chỉ là để kiếm tiền sinh nhai bên cạnh vài sào lúa ở quê năng suất thấp… Thời chiến tranh, xe GMC nhà binh chở lính và khí giới ngược xuôi nhiều hơn. Kèm theo đó là những chiếc xe cứu thương hú còi cấp tập chở những người bị thương đi cấp cứu sau một trận đụng độ nào đó ở miền quê hay một vụ nổ mìn ngay trên quốc lộ. “Chiến tranh đâu phải trò đùa” đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng mà con đường thiên lý này đã chứng kiến…
Người dân quê lại chạy ra phố, thuê đất là nhà để tránh đạn bom. Dân làng tôi ra Đà Nẵng ở tập trung tại các khu Tân Lập, Thạc Gián, Phước Tường, Hòa Mỹ, Ngã ba Huế. Bỏ lại ruộng vườn, mồ mả ông cha và mặc cho những ngôi nhà bốc cháy phía sau lưng.
Không khí nóng nực ở đô thị khiến nhiều người già không quen thở, bèn lén con cháu quay về vài bữa. Súng nổ tứ bề lại kéo nhau chạy đi. Vài người bức xúc quá thường nói câu cửa miệng trong đêm cúp điện ở phố hay buổi tối rúc hầm nghe hăng hắc mùi ẩm của đất và cái hăng nồng của rễ tre: “Hòa bình thà ăn hột muối cũng ngon”...
Tìm kế sinh nhai
Hết chiến tranh, đa số bà con tôi bỏ phố quay về làng. Lại phát cỏ, dọn vườn, mua trâu cày ruộng. Lại cùng nhau mua máy bơm, làm mương dẫn nước. Người lớn ít ra phố hơn. Chỉ có những đứa trẻ còn học hành là vẫn làm quen với con đường ấy, mỗi ngày, mỗi tuần. Có đưa đã sắm xe máy nhưng nhiều đứa vẫn đạp chiếc xe cà tàng đèo theo những sách vở và lương thực dự trữ cho việc đèn sách…
Giờ con đường đã mở rộng ra bốn làn xe, có dải phân cách ở giữa, mỗi bên có hai làn xe chạy ngược chiều. Các loại xe máy ngày càng nhiều. Xe hơi đông cứng và đa chủng loại theo đà phát triển kinh tế và giao lưu hàng hóa. Có những loại xe dài 18 - 20 bánh “như một toa xe lửa” chạy liên tỉnh bóp còi hơi inh ỏi. Quận huyện thị trấn và làng xã nào cũng lập ra các “ban an toàn giao thông” vì tai nạn trên quốc lộ là không kể xiết.
Trên con đường ấy, chiều chạy ra phố đông nghịt xe máy vào mỗi buổi sáng: công nhân đi đến xưởng máy, người lao động phổ thông đi kiếm việc làm, nhân viên đến công sở. Mỗi chiều tối, dòng xe dòng người ấy quay về theo chiều ngược lại. Vội vã. Chẳng ai nhường ai.
Người ta ra phố cũng bởi lẽ sinh nhai. Nhưng tâm hồn họ, hơi thở của họ, các mối ràng buộc huyết thống của mỗi người đều gắn chặt với mỗi vùng quê…
Chiều hôm phố thị
Em ngồi đếm lá bay chơi
Đèn khuya phố thị
Sao xưa sáng ở trên đồi cây rung
…
Một lần em lại bên người
Giữa ngày tháng bỏ năm trôi bên dòng
Mở hai hàng cỏ long đong
Mở hai môi mở tấm lòng xa xôi
Chiều hôm đếm lá cây rơi
Bên đèn phố thị thương đồi núi xa.
Nhà thơ Bùi Giáng vẫn cứ “thương đồi núi xa” cho dù ông ngao du nhiều năm ở khắp các miền đô thị và thổn thức nỗi nhớ bình nguyên, thương nhớ như tương tư những ngọn gió thổi liên bờ đồng ruộng quê nhà:
Anh qua miền cao nguyên
Nhìn mây trời bữa nọ
Đêm cuồng mưa khóc điên
Trăng cuồng mưa trốn gió
Mười năm sau xuống ruộng
Đếm lại lúa bờ liền
Máu trong mình mòn ruỗng
Xương trong mình rã riêng
Anh đi về đô hội
Ngó phố thị mơ màng
Anh vùi trong tội lỗi
Chợt đêm nào gió bờ nọ bay sang…
Giữa quê và phố
Và đây một sáng Chủ nhật nào, cũng trên đoạn quốc lộ 1 đã trôi qua trong đời người, tôi chợt thấy dòng xe dòng người nườm nượp ở phố thị quay về làng. Và tôi cũng ở trong, thuộc về dòng người đó của tâm thế Về Quê!
Thì, bởi vì mọi người trong dòng chảy đó, tuy có nhà có cửa, có công ăn việc làm ở phố, nhưng hơi thở của họ, tâm hồn của họ, các mối quan hệ huyết thống của họ vẫn là quê. Về quê đám giỗ, về quê thăm cha mẹ, về quê dự đám cưới, về quê sửa chữa mồ mả tổ tiên, về quê dự tế xuân, tế thu ở đình làng, nhà thờ tộc… Đủ mọi nguyên nhân, lý do cho mỗi cuộc quay về!
Còn bọn trẻ đi học đại học lại về quê thăm cha mẹ và tích góp thêm chút tiền, chút lương thực mang ra ký túc xá hay nhà trọ cho tuần lễ, cho tháng tiếp theo phải sống xa nhà.
Đứa cháu tôi họ đi làm xa tận Sài Gòn cũng tranh thủ lên máy bay về làng ăn đám cưới. Ngồi ở quán cà phê sát bờ ruộng, nó nói: “Đời con uống rất nhiều tiệm cà phê, cả những quán sang ở nước ngoài, nhưng chú ơi, được ngồi ở chỗ này thôi là con thấy sướng nhất, vì hít thở được không khí trong lành của quê nhà, thư thả không vội vàng, không ngó trước nhìn sau!”. Một hôm, có chú em Việt kiều từ Mỹ về cũng ra uống cà phê, và nó phát hiện ra điều này nữa: “Hôm qua dự đám cưới, ngồi trong bàn em nhận ra ai cũng bà con. Bà con bên nội, bên ngoại, bà con từ mấy đời ông bà trước hoặc thông gia sui gia, hỏi thăm nhau, cụng ly chúc tụng nhau, vui dễ sợ! Ở bển làm gì có!”.
Là bởi, không chỉ các mối thâm tình bền quyện, mà người ta thoát ra khỏi các thị thành huyên náo là thoát ra những cuộc mưu sinh mệt mỏi để tìm về cái nơi chốn yên bình để được thở cái nhịp thở trong lành của tự do của từng là niên thiếu!
TRƯƠNG ĐiỆN THẮNG