Lang thang qua miền trung du

Ghi chép của QUỐC TUẤN 19/01/2019 00:14

Rong ruổi qua miền trung du Đại Thạnh (Đại Lộc), nghe những câu chuyện mới - cũ, chợt thấy ngậm ngùi với bao chông chênh của vùng quê thanh bình này. 

Vườn chè của ông Phạm Hùng Anh (thôn An Bằng). Ảnh: Q.T
Vườn chè của ông Phạm Hùng Anh (thôn An Bằng). Ảnh: Q.T

Trắc trở sinh kế

Tháng Chạp. Trời vẫn se se lạnh. Những tia nắng ban mai xuyên qua làn sương mỏng lấp loáng mặt nước sông Thu. Luồn lách qua mấy khóm tre non còi cọc, ông Trương Văn Long (trưởng thôn Hanh Đông) chỉ cho chúng tôi dải đất ruộng ngày cũ giờ đã trôi theo con nước. “May mà năm rồi không có lụt lớn chớ không là mấy cái nhà dọc sông ni chắc đi hết rồi” - ông Long vừa nói vừa ngoái vào phía trong với vẻ mặt trầm ngâm. Tôi nhìn theo, từ mép nước vào gian sau của nhà ông Huỳnh Em (thôn Hanh Đông) còn ước chừng 20 mét. Ở đây nhiều đoạn không còn bờ sông nữa, từ vườn nhà bước mấy bước ra là hoẳm sâu xuống nước rồi. Trước năm 2017, hầu như hộ nào ven sông ở Hanh Đông cũng đấu giá thuê mỗi hộ vài sào đất 5% của xã dọc bờ sông để canh tác hoa màu nhưng rồi con nước hung hãn kéo sinh kế của họ xuống sông hết.      

“Chỗ cái ghe đang đậu ngoài kia mấy năm mình còn canh tác rau, đậu hả bác?” - tôi vừa chỉ tay vừa mở lời. “Mười mét nớ đáng chi. Còn ra ngoài xa lắc kia, ra ngoài tận rãnh nước đang xoáy cách bờ mấy chục mét kia kìa” - bà Võ Thị Tám chép miệng tiếc rẻ. Xót ruộng, lo vườn nhà, năm rồi người dân Đại Thạnh hì hục đào bới hơn 300 gốc tre để trồng rải rác theo những điểm sạt lở với hy vọng đất thôi trôi theo sông nữa, nhưng chưa hết năm thì trôi tuột hết gần một nửa. Ông Long nói dự kiến mùng 4 Tết Kỷ Hợi này sẽ lại vận động bà con ra quân tiếp tục trồng tre và một số loại cây giữ đất khác. “Trồng thì trồng rứa chớ bây giờ bờ sông bị nước khoét lởm chởm hoẳm đứng vào rồi thì tới mùa lụt khó mà cự được” - bà Tám thấp thỏm. Theo số liệu từ địa chính xã Đại Thạnh, cả thảy 26 hộ ở 3 thôn Hanh Đông, Hanh Tây, Tây Lễ nằm trong diện nguy hiểm có thể bị mất đất, mất nhà bởi sạt lở.

Chúng tôi vòng ra đằng trước vào ông Phan Văn Năm (65 tuổi) - Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Hanh Đông, chừng mới 9 giờ sáng nhưng ông đã chuẩn bị đồ đạc đi đám giỗ. Từ ngày không còn canh tác mấy sào hoa màu sau nhà vì sạt lở, “cực chẳng đã” ông Năm rảnh rỗi nhiều hơn. Nhà ông chỉ còn mấy sào lúa nhưng cũng bấp bênh vụ được, vụ mất, có vụ chỉ lấy công làm lời. “Vừa rồi xã có vận động anh em cựu chiến binh trong thôn nhận hai mẫu đất sát sông để trồng cây ăn quả nhưng giờ tiền đâu, giống đâu mà chúng tôi làm đây? Thương lái lên đây mấy hồi mua chuối, mua mít với giá rẻ bèo thì có trồng ra cũng không biết bán cho ai” - ông Năm thở dài. Nhà ông Năm chỉ còn hai vợ chồng, các con ông đã đi Sài Gòn làm công nhân. Hàng xóm ông Năm nhiều nhà cũng chỉ còn hai vợ chồng già, thanh niên ở đây phần lớn dạt đi tứ xứ làm ăn cả. “Năm mô lương, thưởng được được chút thì mấy đứa hắn còn về quê ăn tết chứ những năm thiếu thốn thì bọn hắn cũng thôi luôn” - ông Năm trầm ngâm. Tôi ngước nhìn lên tấm biển gắn trên góc tường, tấm bảng có chữ “Nhà tình nghĩa” đã phai bạc màu sơn…

Khắc khoải An Bằng

Dọc theo cung đường ngoằn ngoèo nằm men theo các sườn đồi của Đại Thạnh, rải rác lại thấy những hàng rào chè, vườn chè xanh mướt. Thương hiệu chè xanh An Bằng thời gian gần đây đã được chính quyền địa phương cùng người dân bắt tay khôi phục. Nhờ sự chủ động và các sự hỗ trợ đồng hành, hàng chục vườn chè ở các thôn Mỹ Lễ, Tây Lễ, đã “tỏa hương” trở lại, người ít cũng được vài sào, nhiều thì lên đến cả héc ta. Riêng ở thôn An Bằng, “thủ phủ” của vùng chè xanh An Bằng ngày trước thì người dân lại đang chật vật khi vực dậy những vườn chè. Năm rồi, hộ ông Huỳnh Hồng nhận hỗ trợ về giống để canh tác mấy héc ta chè trên sườn đồi ở thôn An Bằng thì bị thất bát do xuống giống ngay giữa mùa khô.

Người dân địa phương đang loay hoay với sinh kế để thoát nghèo.  TRONG ẢNH: Một hộ dân thôn Hanh Đông đầu tư sản xuất bánh tráng. Ảnh: Q.T
Người dân địa phương đang loay hoay với sinh kế để thoát nghèo. TRONG ẢNH: Một hộ dân thôn Hanh Đông đầu tư sản xuất bánh tráng. Ảnh: Q.T

Hỏi chuyện ông Năm Thạnh - Trưởng thôn An Bằng thì mới biết, nhiều hộ trong thôn có nguyện vọng phát triển mạnh lại vườn chè nhưng ngặt một nỗi chưa có điều kiện về giống. “Năm rồi sau khi họp hành triển khai chủ trương tôi đã phát quang mặt bằng, bán xới mấy sào keo chịu lỗ tới gần 13 triệu đồng để chờ hỗ trợ giống về mở rộng vườn chè nhưng cuối cùng chẳng thấy đâu” - ông Phạm Hùng Anh bộc bạch. Chẳng riêng ông Anh, mấy hộ hàng xóm liền kề ông cũng hăm hở động viên nhau dọn sạch đất vườn đồi sau nhà để phục hồi cây chè nhưng cuối cùng “trớt quớt”. Nghe đâu, các hộ nếu đăng ký trồng chè sẽ được nhận tổng cộng 17kg phân nhưng rồi kiểm soát lỏng lẻo nên nhiều người không có nhu cầu cũng đăng ký lấy về chăm sóc cây trồng khác còn các hộ tâm huyết với cây chè thì chừng ấy phân chẳng thấm vào đâu. Đem thắc mắc của người dân thôn An Bằng về việc bị dừng hỗ trợ về giống mà không nhận được lý do thỏa đáng, ông Thái Văn Bảo - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Thạnh giải thích: “Đợt đó bên hỗ trợ họ yêu cầu các hộ dân phải có khoảng 5ha liên cư liên địa thì mới triển khai, mà các hộ ở An Bằng thì không đáp ứng được nên xã đành tìm mặt bằng đủ điều kiện ở chỗ khác”. Được biết, Đại Thạnh hiện có chừng 25ha chè trong đó có 5ha được trồng mới và 10ha được hỗ trợ phục hồi.

Dù chưa có hỗ trợ nhưng ông Anh cũng đang miệt mài “gầy” lại vườn chè của mình. “Tính ra mấy sào chè của tôi mỗi năm thu hoạch được 4 đợt, mỗi đợt 300 - 400kg chè, cũng phụ trang trải tiền sinh hoạt. Ngó rứa chớ nhàn mà lại được tiền hơn làm nông” - ông Anh chia sẻ. Lão nông hơn 60 tuổi này còn hào hứng khoe rằng mình vừa ươm mới chừng 1.000 cây chè non và được bà con ở một số vùng khác thi thoảng ghé hỏi mua về trồng.

Cũng theo ông Anh, thương lái khi vào Đại Thạnh thu mua lá chè tươi thì thường chủ động mua chè ở thôn An Bằng với giá nhỉnh hơn một chút so với các vùng còn lại. Người dân địa phương cho biết, có đại diện đơn vị siêu thị ở TP.Đà Nẵng đề nghị hỏi mua sản phẩm chè xanh An Bằng nhưng với điều kiện là phải có hàng cung ứng liên tục số lượng lớn hằng ngày. Điều đó hiện vẫn ngoài tầm với quy mô của vùng chè xanh An Bằng. Đứng trưa, nhà văn hóa cụm thôn An Bằng đóng cửa im lìm. Dự án nhà sơ chế sản phẩm chè xanh dự định xây dựng ở đây nghe chừng cũng lâu lâu rồi nhưng đợi... lâu lâu nữa.

Bàu Toa đã vãn câu tuồng

Sực nhớ nơi đây ngoài đặc sản chè còn là quê hương của nhánh tuồng Bàu Toa của xứ Quảng. Tôi bèn quay xe ngược ra đầu xã, hỏi nhà cụ Dũng hát bội. Cụ Phạm Dũng năm nay đã 92 tuổi, còn khỏe nhưng đã nhớ nhớ quên quên. Thậm chí ông Hai Sương (nghệ nhân hát bộ một thời gắn bó cùng ông trong các gánh hát, vở diễn) qua đời nhưng ông Dũng không nhớ. Con trai ông cho biết: “Đại Thạnh bây giờ chỉ còn bà Chín và bà Liên là nắm kỹ được mấy cái hát bộ này nhưng một bà đã vào Sài Gòn còn một bà cũng theo con ra Đà Nẵng sinh sống lâu lắm rồi”… Hỏi ra mới biết, trang phục, đạo cụ diễn tuồng dạo ấy đều thất lạc cả, chỉ còn tập trung được một ít sách ghi chép trích đoạn tuồng mà thôi.
Thực ra, ở thôn Hanh Tây cũng còn “rơi rớt” lại vài người trong cuộc từng tham gia gánh hát do ông Phạm Dũng làm “chủ xị” giai đoạn sau 1975 như ông Lực, ông Hai Chương nhưng hai ông bây giờ cũng đã vui thú điền viên tuổi già và nhớ nhớ quên quên những điệu hát bội ngày cũ. Lâu lắm mới có người nhắc lại gánh hát, ông Lực hồ hởi thuật lại cảnh người dân nô nức đi xem hát của cái thời mấy chục năm về trước. “Hồi đó, ban ngày đi cày ruộng tối về diễn, có bán vé đàng hoàng đó chớ. Nhưng từ khoảng những năm 1990 là rã hẳn rồi, con cháu tôi bây giờ cũng không ham mấy món này nữa” - ông Lực nói. Sực nhớ trên đường đi tôi có tạt ngang qua trường tiểu học mang tên Nguyễn Nho Túy - người từng một thời vang bóng với gánh hát Bàu Toa những năm 1930 - 1940, nhưng tiếc là trẻ con ở đây hiếm hoi đứa biết về hát bội. Hát bội chỉ thi thoảng xuất hiện trong câu chuyện trà dư tửu hậu khi ông Dũng, ông Hai Chương hay ông Lực mà thôi…

Ghi chép của QUỐC TUẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lang thang qua miền trung du
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO