Không gì thích thú bằng khi giữa ngổn ngang các loại sách báo cũ được cân ký, bất ngờ ta bắt gặp được một cuốn sách quý, một số tạp chí xưa thật là xưa, hay là những tác phẩm lấp lánh tên tuổi các nhà văn, nhà thơ từng vang bóng một thời. Tập truyện ngắn “Chân trời cũ” của nhà văn - nhà thơ tiền chiến Hồ Dzếnh mà tôi nâng niu trên tay là kết quả một lần như thế.
Cho dù sách đã bị mất bìa, giấy vàng ố, có trang rơi mất, có trang rách mất góc chả còn thấy năm tháng xuất bản, nhưng tôi đồ chừng đây phải là bản xuất bản đầu tiên vào năm 1942. Nghĩa là sách đã “già” hơn tôi cả chục tuổi. Nhưng có gì cũ hơn “Chân trời cũ”! Cầm tập sách trong tay chưa vội lật ra trang nào, tôi đã nhớ nằm lòng: “Chính ở cái nơi chốn mà mây gió còn giữ nguyên màu dĩ vãng đó, chúng tôi lớn lên hồn nhiên giữa bài thơ tưng bừng của sự sống”.
Vâng, ở đâu trong “Chân trời cũ” của Hồ Dzếnh mà chẳng “mây gió còn giữ nguyên màu dĩ vãng”. Cái đẹp, cái xao xuyến, cái độc đáo của văn chương Hồ Dzếnh là ở chỗ ông không kỳ công chạm trổ tỉa tót cho ra nhân vật, rồi vắt óc đi tìm cho ra một ý niệm lớn lao nào đó ký thác vào nhân vật. Mà là tất cả hiện thực ở ngoài đời như thế nào, thì ông cứ như thế bê nguyên vẹn vào trong truyện. Mười bốn truyện ngắn trong “Chân trời cũ” của Hồ Dzếnh như: Ngày gặp gỡ, Con ngựa trắng của ba tôi, Em Dìn, Chị Yên, Chú Nhì, Chị dâu tôi..., tất cả con người, không gian cảnh vật, thậm chí đến đồ vật, đều loanh quanh trong chính ngôi nhà của ông, trong cái làng Đông Bích bên dòng sông Ghép - quê ngoại của ông. Chỉ ngần ấy thôi mà đã làm cho bao thế hệ người đọc xưa nay rung động đến tận đáy lòng.
Nhưng tất cả mọi thanh âm “Chân trời cũ” đã góp phần tạo dựng cái thiên đường tuổi tình yêu của tôi kiểu như: “Xuân đến! Mưa bay! Người ta bảo nhỏ anh rằng trong tháng Giêng tốt lành sẽ có nhiều đám cưới” (Em Dìn), những rung động xao xuyến đó chưa phải là buổi đầu Hồ Dzếnh làm tôi run rẩy đón nhận, mà chính là “Quê ngoại” - tập thơ ông xuất bản sau “Chân trời cũ” một năm. “Quê ngoại” thì chả phải một cuộc du xuân nào hết mà là “Một chuyến tàu đời” như Hồ Dzếnh từng ngồi trên ấy hỏi vào vô tận: “Từng phen gió lạnh bay vào/ Ngẩn ngơ ta xuống ga nào hở em?” Có thể nói, trọn một cuộc đời văn, Hồ Dzếnh đã xuất bản hàng chục tác phẩm, bao gồm: tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kịch, nhưng chỉ cần “Chân trời cũ” (tập truyện ngắn) và “Quê ngoại” (tập thơ) của ông thôi, ngần ấy đã là hai đỉnh tháp bút lấp lánh chân tài đã làm nên tên tuổi Hồ Dzếnh trong dòng văn học thời tiền chiến cho đến mãi về sau này.
Thú thật, tôi cũng chẳng nhớ tự lúc nào tôi biết nghe ra “Trên đường về nhớ đầy...” - một thứ kinh “Chiều” của Hồ Dzếnh qua nét nhạc của Dương Thiệu Tước, mà giờ đây ai cũng có thể bầu bạn qua các nẻo đường xưa lối cũ. Hình như từ cái “màu mây dĩ vãng” dẫn đường kia khiến con người ta dễ lạc đường lạc ngõ, bước chân trên mặt đất gập ghềnh mà hoan lạc nghe ra tiếng buồn vang trong mây.
“Khi vàng đứng bóng im trưa/ Tiếng khô lá rụng làm thưa phố phường”. Lục bát Hồ Dzếnh vang ngân thấu đất trời như thế, nên chả trách thi sĩ họ Bùi mê say còn hơn cả mê say Nguyễn Du. Nhưng nào chỉ mỗi Bùi thi sĩ. Nguyễn Tấn Long trong “Việt Nam thi nhân tiền chiến” đã viết: “Thơ Hồ Dzếnh hơn cả Xuân Diệu, và còn hơn cả Nguyễn Bính đầu mùa, là những xâu chuỗi lanh lảnh nhạc vàng gõ vui từng nhịp nắng trên mênh mông đài trán thanh niên... Ngó thật kỹ, Quê ngoại không hằn một nếp nhăn”. Nghe vậy, có chút gì quá đà ở đây chăng? Khi đọc những câu lục bát như thế này, tức khắc sẽ tự trả lời được câu hỏi kia: “Có tơ giăng mối hai hàng/ Có muôn quan gió luồn trong một người”.
NGUYỄN NHÃ TIÊN