Làng thanh niên lập nghiệp A Sờ: Sự phá sản của một mô hình

THÂN VĨNH LỘC 11/07/2014 10:36

Làng thanh niên lập nghiệp A Sờ (xã Ma Cooih, Đông Giang) được xây dựng năm 2002 trên diện tích 628ha nhằm ổn định đời sống, phát triển kinh tế cho thanh niên và trao đổi, học hỏi kinh nghiệm làm ăn giữa đồng bào dân tộc thiểu số và người Kinh. Tuy nhiên, qua hơn 10 năm, A Sờ bây giờ vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Nhiều hộ bỏ làng

Năm 2008, Làng thanh niên lập nghiệp A Sờ chính thức được Tỉnh đoàn bàn giao lại cho xã Ma Cooih và huyện Đông Giang quản lý, được đổi tên thành thôn A Bông. Nếu như những ngày đầu làng có 115 gia đình thì nay còn 79 hộ đăng ký (37 hộ Cơ Tu và 42 hộ người Kinh), nhưng trên thực tế chỉ có 52 hộ còn bám trụ, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. “Trước đây đông lắm chứ, không đìu hiu như bây giờ” - ông Phan Huy Tuấn, một trong những hộ dân còn ở lại làng mở đầu câu chuyện. Theo ông Tuấn, ngày đó với nguồn kinh phí hỗ trợ của dự án, nhiều gia đình từ các huyện Đại Lộc, Quế Sơn, Hội An… đã lên đây nhận đất, nhận rừng cùng hy vọng biến A Sờ thành một mô hình kinh tế mới. Ban đầu mỗi hộ được hỗ trợ 3 triệu đồng để mua tôn lợp nhà và một con bò, ngoài ra, còn được dự án cấp từ 2 - 3ha đất rừng và khoảng 1ha đất vườn để chăn nuôi, trồng trọt các loại cây như quế, cam, ổi, mận, xoài, bưởi 5 roi… Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, phần lớn đã bỏ làng trở về quê cũ do cuộc sống khó khăn. “Có nhiều nguyên nhân nhưng theo tôi là do thất vọng. Họ tưởng rằng lên đây sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước nhưng qua thời gian thấy không như ý. Ngoài ra, cũng có người không chịu nổi điều kiện sống nơi núi rừng nên quay về quê cũ vì dễ làm ăn buôn bán hơn” - ông Tuấn lý giải.

Nhiều ngôi nhà đã bị bỏ hoang do các gia đình bỏ làng trở về quê cũ. Ảnh: T.V.L
Nhiều ngôi nhà đã bị bỏ hoang do các gia đình bỏ làng trở về quê cũ. Ảnh: T.V.L

Thực tế, dự án Làng thanh niên lập nghiệp A Sờ không đáp ứng được kỳ vọng ban đầu; quế mất giá, nhiều vườn cây sau bao năm chăm sóc đã không ra trái, nếu có trái thì bị sâu đục bên trong. Hơn 20ha đất rẫy thiếu nước tưới do hệ thống thủy lợi thấp hơn các ruộng lúa. Công trình nước sạch sinh hoạt đã hư hại, xuống cấp hoàn toàn, gần 2 năm qua người dân phải đi lấy nước sinh hoạt tại suối T’rây cách làng 5km. “Họ đầu tư lạ lắm, chỗ có dân thì không có điện, chỗ không có dân thì có đường điện, đường bê tông cũng được đầu tư theo kiểu đó. Tôi nghĩ mô hình đã thất bại rồi” - ông Alăng Diên, Trưởng thôn A Bông nhận xét.

Ngoài ra, việc chưa cấp sổ đỏ nhà ở cũng đã tạo nên tâm trạng chán nản của những hộ người Kinh nơi đây. Đến nay, 32 hộ dân chủ yếu là người Kinh đã bỏ làng quay về quê quán cũ, để lại những căn nhà xây kiên cố, xung quanh cỏ mọc um tùm. Nhiều gia đình ở lại đời sống đang gặp rất nhiều khó khăn, cùng với đó là những kiện tụng, tranh chấp đất đai giữa các hộ bỏ làng đi và những người mới đến. “Làng bây giờ không biết làm gì, dân khổ lắm, được ngày nào hay ngày đó thôi ” - già làng Alăng Lép thổ lộ.

Tranh chấp đất đai

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Ma Cooih - ông Nguyễn Tài khẳng định, mô hình Làng thanh niên lập nghiệp A Sờ vẫn hiệu quả, việc thiếu nước sinh hoạt chỉ mang tính nhất thời do đang mùa nắng nóng. “Các vườn cây không có trái thì xã cũng chịu thôi, vì trước đây chỉ trồng thí điểm cho vui. Định hướng của địa phương là tập trung phát triển các loại cây có giá trị nông lâm nghiệp như bắp, lòn bon, mây… Riêng các tranh chấp đất đai tại A Bông đến nay xã vẫn chưa nghe báo cáo từ thôn” - ông Tài nói. Tuy nhiên, theo ông Alăng Diên - Trưởng thôn A Bông, tất cả vấn đề này thôn đã báo lên xã nhưng được khuyên là thôn tự giải quyết, dù nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp đất đai là bắt nguồn từ cách chia đất không hợp lý của ban quản lý dự án từ những ngày đầu lập làng khi người đến trước chia nhiều đất, đến sau chia ít hoặc không có. Bên cạnh đó, nhiều hộ người Kinh bỏ làng về xuôi để đất hoang không trồng trọt, các hộ đến sau đã tự vào canh tác dẫn đến tranh chấp. Ngoài ra, một số hộ dân từ thôn A Dớ (di dời từ dự án thủy điện A Vương) thiếu đất sản xuất cũng lấn sang phát rẫy, chặt keo gây nên trình trạng lộn xộn ở thôn A Bông… Đến nay, thôn đã tiếp nhận hơn 10 đơn kiện tranh chấp đất đai giữa các hộ dân nhưng không thể xử lý được. “Xã  nói là thôn mời các hộ đó lên (các hộ đã bỏ làng) để xã giải quyết, hạn chót là ngày 15.7 nhưng hiện nay thôn không thể gửi giấy mời được vì không biết họ đang ở đâu” - ông Diên phân trần.

Ông Nguyễn Tài cho rằng, dù có tình trạng trên chính quyền xã cũng chưa thể giải quyết được. Trước mắt, sẽ tiến hành rà soát lại những diện tích đất bỏ hoang (khoảng 90ha) của 32 hộ dân bỏ làng (dự kiến đến ngày 20.8.2014 xong) trên cơ sở những trường hợp nào sử dụng sai mục đích hoặc bỏ hoang mới có thể xin chủ trương thu hồi. Còn theo ông Đàm Văn Hào, Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện Đông Giang, rất khó thu hồi những diện tích đất trên vì phần lớn đã được trao quyền sử dụng. Sau khi tiến hành rà soát xong căn cứ số liệu đất sử dụng thực tế, phòng sẽ tham mưu huyện, xin chỉ đạo của tỉnh để có chủ trương cụ thể. “Xử lý theo hướng nào cũng phải tuân thủ theo luật đất đai và căn cứ trên những đặc thù địa phương và dân tộc” - ông Hào nói.

Với mục đích “giúp thanh niên làm giàu”, xây dựng cuộc sống tự lập, phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ an ninh quốc phòng dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn... nhưng qua hơn 10 năm lập làng, A Sờ đã không như kỳ vọng ban đầu. Sự phá sản của các mô hình kinh tế vườn, rừng cùng sự thất vọng của người dân nơi đây đã đặt ra cho các cấp chính quyền địa phương những vấn đề cần giải quyết kịp thời nhằm có những định hướng đầu tư phù hợp, để đưa A Sờ phát triển.

THÂN VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làng thanh niên lập nghiệp A Sờ: Sự phá sản của một mô hình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO