Ở Huế có làng Kim Long thường được gọi trại là Kim Luông; ở Quảng Nam có làng Trà Long, dân gian xưa cũng quen gọi Trà Luông. Làng này nay thuộc địa bàn thôn Trà Long, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình.
Tứ cận Trà Long xưa
Địa bạ thời Gia Long chép vị trí làng/xã Trà Long xưa như sau: “Đông giáp xã Trà Sơn, xã Tuân Dưỡng, xã Vinh Hoa Chính lập cột đá làm giới/ Tây giáp xã Kế Xuyên, thôn Phú Long, xã Tuân Nghĩa/ Nam giáp xã Tuân Dưỡng, xã Vinh Hoa Chính/ Bắc giáp xã Phố Thị, xã Kế Xuyên, xã Trà Sơn, lấy bờ ruộng làm giới” (Địa bạ Dinh Quảng Nam, Nxb Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, 2010, trang 245). Trong các địa danh giáp giới bốn bên trên, nay xã Vinh Hoa Chính và thôn Phú Long đã mất tên, còn các xã khác vẫn nguyên tên trên địa bàn các thôn của hai xã Bình An và Bình Trung, huyện Thăng Bình.
Thời vua Gia Long, làng/xã Trà Long thuộc địa bàn tổng An Thái Trung, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa; đến thời vua Đồng Khánh, Trà Long vẫn giữ nguyên tên và là một trong 37 xã, thôn, phường thuộc tổng, huyện như cũ của phủ Thăng Bình. Theo một bản sao địa bạ còn lưu ở Trà Long, phía Tây và Tây Nam làng có đường thiên lý (quốc lộ) dài 756 tầm 2 thước; phía Nam giáp xứ đất Thực Lòng của xã Tuân Dưỡng, phía Bắc giáp xứ đất Lồi Trai của xã Kế Xuyên.
Đình Trà Long: giai thoại và tư liệu
Dân gian Quảng Nam xưa có câu: “Rộng thình thình như cái đình Trà Luông”. Ở Trà Long, hiện còn một tư liệu ghi lại lời kể của dân làng về huyền thuyết “thầy Lánh tráo đình” như sau: “Ông thầy Lánh họ Nguyễn (Nguyễn Đức Lánh - ngoại hiệu Bích Nhãn tôn sư - NV) ở xã Diêm Điền, huyện Hà Đông, Tam Kỳ. Ông dùng phép thuật “thắt bù nhìn” vào đình khiêng trộm về làng. Sáng ra làng Trà Long mất đình đi đến làng Diêm Điền tìm thấy đình, thì thấy bầu bí ra trái bò phủ cả nhà đình, nên làng phải bỏ đình” (trích “Truy tầm kê biên tư liệu tiểu sử nguồn gốc dòng tộc tiền hiền làng Trà Long”, trang 8).
Tập biên soạn về tiền hiền làng Trà Long đã dẫn trên do mấy vị cao niên trong làng hợp soạn, được hoàn thành và phổ biến vào năm 2002; người chấp bút là cụ Lý Ngọc Thiệu ở tổ 2, thôn Trà Long (mất năm 2016 thọ 92 tuổi - NV). Biên soạn này dựa vào một tập tư liệu chữ Nho có xuất xứ từ thời Minh Mạng và được bổ sung qua nhiều đời vua sau đó. Theo lời kể của thầy giáo hưu trí Lý Sĩ Tiên - con trai cụ Thiệu, tập tư liệu chữ Nho này cùng với bản dịch, qua tay nhiều người trong làng, hiện thất lạc chưa tìm lại được. Theo tập biên soạn năm 2002 hiện còn thì: “Cuối thời Hậu Lê (thời các chúa Nguyễn - NV), làng Trà Long là một đại xã phải có đình làng theo lệnh trên, nên dòng họ dân làng đồng ý vào phía Nam làng (…) xây dựng một cái đình trong diện tích 5 sào thổ tại xứ Cây Rõi - Bồ Đề, dài 5 gian, có hậu tẩm cao rộng rất quy mô, gồm có 7 hàng cột có 42 cây. Cột, tránh, kèo, xuyên, hoành tử, rui hoàn toàn gỗ mít rất tốt, lợp bằng tranh. Qua triều Gia Long, giặc giã yên tĩnh, làng mới lợp bằng ngói (…). Thường năm đến ngày 14 tháng Tư âm lịch, toàn dân làng rước sắc thần đến đình làng làm lễ cầu an cho dân” (trang 15). Dấu tích đình làng Trà Long nay nằm ven phía Đông đường quốc lộ - đoạn giữa Kế Xuyên (xã Bình Trung) và Tuân Dưỡng (xã Bình An)
Tiền hiền làng Trà Long
Tập biên soạn nói trên cũng cho biết: Sáu tộc La Viết, Lý Văn, Lê Văn, Nguyễn Địch, Lý Ngọc và Phùng Văn là những tộc họ đầu tiên từ các vùng Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị đến khai phá và dựng làng Trà Long. Địa bàn định cư ban đầu của các tộc được ghi như sau: Họ La cư trú tại trung tâm làng - xứ Cây Rõi - Bồ Đề. Họ Nguyễn Địch cư trú tại xứ Trà Long hạ và Cây Rõi - Bồ Đề. Họ Lê Văn cư trú tại xứ Dương Tháp và xứ Trà Long thượng. Họ Lý Văn cư trú tại xứ Trà Long hạ. Họ Lý Ngọc cư trú tại xứ Trà Long thượng. Họ Phùng Văn cư trú tại xứ Châu Biên và xứ Thù Kế.
Tập tư liệu nói trên có ghi phiên âm nguyên văn bài văn cúng tiền hiền chữ Nho với các chi tiết: “Hậu Lê hoàng triều”, “Ninh, Thanh, Nghệ, Trị”, cho biết quê quán cũng như thời điểm vào Nam của các tộc tiền hiền làng Trà Long. Đây là một bài văn rất giá trị, nói lên được rất nhiều điều về hoàn cảnh “vì loạn ly mà phiêu bạt” của những lưu dân từ Bắc vào Nam mở đất (Nại hà: Lao trở viễn hương, việt tòng binh cách chi loạn ly; Ta thán: Bắc Nam chi dao viễn, phiêu lưu tất đáo ư tha hương).
Cách an táng các vị tiền hiền, hậu hiền làng Trà Long cũng được ghi chép khá rõ. Đó là cách an táng ở các địa điểm giáp giới với các làng lân cận để “giữ đất”, như mộ ông Lê Văn Nhơn táng phía Bắc giáp đất làng Tuân Dưỡng, mộ ông Phùng Văn Dũ táng phía Nam giáp đất làng Tuân Dưỡng, mộ ông Lý Ngọc Hoành táng phía Tây giáp đất làng Phô Thị, mộ các vị tiền hiền - tiền bối tộc La thì táng ở vị trí trung tâm làng. (Có thể gặp cách an táng để giữ đất này ở các tộc Trần và Nguyễn đồng tiền hiền làng Tam Kỳ, huyện Hà Đông xưa - NV).
Nhà thờ tiền hiền làng Trà Long có từ thời các chúa Nguyễn, đến thời Gia Long làm lại toàn bằng gỗ mít, lợp ngói. Vào tối ngày mùng Một tháng Bảy năm Nhâm Dần (Thành Thái thứ 15 - 1903), có kẻ gian phóng hỏa đốt nhà thờ này. Hậu quả là toàn bộ kiến trúc nhà thờ tiền hiền cùng với mọi giấy tờ, bằng sắc liên quan đến công tích mở đất của các tộc phái lưu tại nhà thờ đều bị thiêu rụi. Sau đó, làng phải trình lên phủ để xin xác nhận lại. Tri phủ Thăng Bình lúc ấy là ông Trần Thống lập trát sức yêu cầu các tộc họ trong làng đem hết giấy tờ xưa cùng gia phả ra phủ để xem xét. Điều tra xong, quan phủ phê công nhận “tứ tộc” cùng “bát phái” ở xã Trà Long chính là các tộc phái có công mở đất lập làng từ trước đến sau. Vì thế, trên cây xà cò của nhà thờ tiền hiền Trà Long (được dựng lại vào năm 1905) có khắc dòng chữ nay vẫn còn “Thành Thái thập thất niên, tứ nguyệt, nhị thập nhị nhật. Trà Long xã - Tứ tộc, Bát phái trùng tu”. Gọi là “tứ tộc” vì trong sáu tộc tiền hiền, người tộc La không còn ai nối đời ở làng; hai tộc Lý Văn và Lý Ngọc chung thành một. Tám phái còn lại là những phái đến sau.
Địa bạ làng Trà Long
Theo chân bác Nguyễn Ngôi (84 tuổi ở tổ 2 thôn Trà Long, xã Bình Trung), người viết đến nhà thầy giáo Lý Sĩ Tiên, cựu giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Du xã Bình Trung. Tại đây, chúng tôi được cho xem một tập địa bạ (bản sao) chữ Nho khá dày ghi lại toàn bộ ruộng đất làng Trà Long được lập vào ngày 17 tháng 8 năm Gia Long thứ 11 (1812) gồm: công điền, tư điền và tư điền của người xã khác đang có ở Trà Long; cùng với đó là đất dành cho các cơ sở thờ tự (thần từ), đất chôn cất (mộ địa) và đất bỏ trống - chưa khai khẩn (hoang nhàn). Các khe suối, mương dẫn nước, bờ đắp, đường thiên lý có trong nội xã cũng đều được thể hiện rõ chiều dài. Tên các xứ đất được ghi rõ ràng, như các xứ đất là ruộng công: Bà Linh, Hà Ra, Dương Tháp, Trà Long thượng - hạ, Thù Kế; ruộng tư: Cù Vào, Bà My, Ma Tân, Chu Biên, Cây Rõi - Bồ Đề…
Tổng diện tích đất Trà Long được ghi trong địa bạ lập năm 1813 này là 719 mẫu, 7 sào, 10 thước, 5 tấc (trong đó công điền là 248 mẫu và tư điền là 421 mẫu). So sánh với diện tích ruộng đất kê trong bộ điền năm 1932 của toàn xã Trà Long là 1.114 mẫu 4 sào 11 thước 4 tấc (công điền 300 mẫu, tư điền 600 mẫu - theo tư liệu “Truy tầm kê biên…” đã dẫn trên - NV) có thể thấy cả một quá trình khai phá làm tăng thêm ruộng đất của một xã cụ thể ở Quảng Nam từ đầu thế kỷ 19 đến gần nửa đầu thế kỷ 20.