Làng Tuyên và sứ mệnh lịch sử

LÊ NĂNG ĐÔNG 27/07/2018 09:35

Tháng 5.1960, tại căn cứ Nước Là, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, Ban Tuyên huấn Liên Khu ủy 5 được thành lập, với bí danh là K40, do đồng chí Trương Chí Cương (Tư Thuận) - Phó Bí thư Liên Khu ủy phụ trách. Đến tháng 7.1961, Liên khu 5 chia tách thành khu 5 và khu 6.

Đồng chí Võ Chí Công và cán bộ Ban Tuyên huấn Khu 5.
Đồng chí Võ Chí Công và cán bộ Ban Tuyên huấn Khu 5.

Củng cố niềm tin cách mạng

Thời gian đầu, Ban Tuyên huấn Khu 5 - mật danh Làng Tuyên - chỉ có vài ba đồng chí cán bộ, đến năm 1964, Ban Tuyên huấn Khu 5 đã hoàn chỉnh bộ máy chuyên môn với lực lượng cán bộ hơn 600 người. Là cơ quan tham mưu cho Khu ủy về công tác tư tưởng, chính trị trong kháng chiến chống Mỹ tại chiến trường Khu 5, Ban Tuyên huấn Khu 5 được Khu ủy giao quản lý và chỉ đạo nội dung chuyên môn thuộc các binh chủng như: tuyên truyền, huấn học, báo chí, thông tấn xã, giáo dục, văn hóa, văn nghệ, điện ảnh, các đoàn nghệ thuật, nhà in, Đài Minh Ngữ, Trường Đảng…

Sau khi thành lập, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên Ban Thường vụ Khu ủy 5 giao cho Ban Tuyên huấn Khu 5 là nhanh chóng tuyên truyền tinh thần Nghị quyết 15 của Trung ương là chuyển hình thức đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong toàn khu.

Nhạc sĩ Thanh Đính với phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” trong kháng chiến chống Mỹ.  Ảnh tư liệu
Nhạc sĩ Thanh Đính với phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh tư liệu

Để phục vụ công tác tuyên truyền, ban đầu nhà in của Ban Tuyên huấn chỉ có 2 chiếc máy đẩy tay, đến đầu năm 1963 được miền Bắc chi viện, nhà in đã trở thành nhà in Trung Trung Bộ phục vụ in ấn, phát hành của các cơ quan Khu 5. Về báo chí, lúc này Khu 5 có tờ báo Cờ giải phóng Trung Trung Bộ và tạp chí nội san Tiền Phong (tạp chí lý luận, học tập xây dựng Đảng của Khu ủy). Cả 2 tờ báo này đều ra số đầu tiên vào tháng 1.1961. Báo Cờ giải phóng mỗi tháng phát hành một kỳ, đến năm 1970 mỗi tháng ra hai kỳ với số lượng 6.000 tờ/kỳ. Báo Cờ giải phóng là tiếng nói của Mặt trận Dân tộc giải phóng Trung Trung Bộ, liên tục phản ánh những tấm gương anh dũng chống Mỹ - ngụy và phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân từ thành thị đến nông thôn. Nội san Tiền Phong mỗi tháng xuất bản một số, mỗi số 4.000 tờ. Ngoài ra, còn có 60 phóng viên của Thông tấn xã Khu 5 ở đủ các bộ phận và phóng viên thường trú các tỉnh miền Trung.

Bám dân, sát chiến trường

“Hoạt động của các đồng chí tuyên huấn đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng Đảng, củng cố lòng tin, cổ vũ tinh thần chiến đấu ngoan cường của nhân dân Khu 5 quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Nhiều đồng chí đã bám sát cơ sở, bám sát quần chúng và đã hy sinh anh dũng trong lúc làm nhiệm vụ. Ban Tuyên huấn đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ”.
(Chủ tịch Hội đồng nhà nước Võ Chí Công, nguyên Bí thư Khu ủy 5)

Tiểu ban tuyên truyền được xem như lực lượng xung kích bám sát các địa phương tuyên truyền đường lối cách mạng. Kết hợp với Tiểu ban văn nghệ sáng tác ca dao, hò vè, truyền đơn in ấn phát hành đến các địa phương. Phương tiện của công tác tuyên truyền trong chiến tranh chủ yếu tuyên truyền miệng. Vì vậy, cán bộ tuyên truyền phải bám sát dân, đến từng người dân để tuyên truyền, thuyết phục họ có ý chí hướng theo cách mạng. Đồng thời cũng là nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng trong vùng địch kiểm soát. Đối với Tiểu ban Huấn học do đồng chí Trương Công Huấn phụ trách đã giúp Ban Tuyên huấn trong việc mở trường Đảng, tuyên truyền giáo dục cán bộ trong toàn khu. Tiểu ban giáo dục có nhiệm vụ tập trung xóa nạn mù chữ và có kế hoạch đào tạo cán bộ để phát triển ngành giáo dục trong thời chiến ở Khu 5. Tiểu ban hậu cần chịu trách nhiệm đảm bảo lương thực, thuốc men phục vụ chiến trường.

Cũng như các tiểu ban chuyên môn khác, cán bộ điện ảnh Khu 5 được phân công về các địa phương, bám sát các chiến trường để ghi lại hình ảnh của chiến tranh nhân dân. Năm 1965 quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, đồng chí Trần Đống đã bám sát theo trinh sát vào vùng ven Đà Nẵng ghi lại những hình ảnh quân Mỹ hành quân càn quét vùng nông thôn. Đồng chí đã ghi lại được hình ảnh lễ truy điệu sống dũng sĩ Lê Độ trước lúc anh ôm bom vào thành phố đánh quân Mỹ ở khách sạn Mo-ranh Đà Nẵng; bám sát đặc công ghi lại trận đánh kho xăng Liên Chiểu, thiêu hủy hàng triệu tấn xăng của quân Mỹ.

Phóng viên điện ảnh Khu 5 trong chống Mỹ đã dũng cảm theo từng trận chiến ghi lại hàng nghìn thước phim tư liệu. Những bộ phim tài liệu có giá trị về chiến trường Khu 5 cùng với phim tài liệu, phim truyện từ miền Bắc đưa vào đã được đội chiếu phim lưu động gùi cõng máy móc vượt đèo cao, suối thẳm đến vùng giải phóng, bản làng đồng bào Tây Nguyên, các đơn vị quân giải phóng để chiếu, góp phần củng cố niềm tin con đường tất thắng của cách mạng miền Nam.

Hoàn thành sứ mệnh

Hội tụ văn nghệ sĩ tài năng
Tiểu ban Văn nghệ Khu 5 được hình thành giữa năm 1961 với các văn nghệ sĩ từ miền Bắc vào như nhà văn Phan Tứ, Nguyễn Chí Trung, nhà thơ Vương Linh, Thu Bồn, Lưu Trùng Dương, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, họa sĩ Lý Châu Hoàn, Thế Vinh… Đầu năm 1962 tạp chí Văn Nghệ xuất bản mỗi số 4.000 bản phát hành đến tận cơ sở. Để mở rộng mặt trận văn nghệ chống Mỹ, Ban Tuyên huấn Khu 5 chủ trương tập hợp văn nghệ sĩ yêu nước chống Mỹ trong vùng địch kiểm soát, nhất là các thành phố lớn và văn nghệ sĩ là người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Mặc dù gặp địch đánh phá và bao khó khăn về điều kiện đi lại ăn ở, Ban Tuyên huấn đã kiến nghị Thường vụ Khu ủy 5 mở đại hội văn nghệ. Đại hội diễn ra tại căn cứ cách mạng Trà My với gần 300 đại biểu văn nghệ sĩ, nhiều người đến từ các thành phố, thị xã và buôn làng Tây Nguyên. Sau đại hội, trong vùng địch kiểm soát đã xuất hiện nhiều tờ báo với các tác phẩm văn nghệ yêu nước, chống Mỹ, yêu hòa bình, phản đối chiến tranh.
Văn nghệ Khu 5 đã tập hợp được lực lượng sáng tác đầy tài năng như Phan Tứ viết tiểu thuyết Gia đình má Bảy và Mẫn và tôi, Thu Bồn có Trường ca chim chơ rao... Các họa sĩ Thế Vinh, Lý Châu Hoàn, Hà Xuân Phong, Trần Việt Sơn, Hồng Chính Hiền, Giang Nguyên Thái có nhiều ký họa chân thực cảm động về đồng bào chiến sĩ Khu 5 thời đánh Mỹ… Văn nghệ sĩ Khu 5 dũng cảm bám dân bám chiến trường, nhiều đồng chí đã hy sinh như nhà văn Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, nghệ sĩ múa Phương Thảo, nhà thơ Nguyễn Mỹ...

Trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy xuân 1975, Ban Tuyên huấn Khu 5 đã tập trung lực lượng phóng viên, điện ảnh, tuyên truyền bám sát các đơn vị quân đội, giải phóng đến đâu phối hợp với địa phương tiếp quản đến đó; tuyên truyền, thành lập các chính quyền cơ sở để nhanh chóng ổn định tình hình. Tin tức thắng lợi giải phóng Tây Nguyên ngày đêm liên tục phát ra Hà Nội loan truyền khắp thế giới.
Đối với TP.Đà Nẵng, một vị trí trọng yếu, Thường vụ Khu ủy giao Ban Tuyến huấn Khu 5 tổ chức lực lượng nhanh chóng tiếp quản cơ sở thông tin, đài phát thanh sau khi giải phóng để tuyên truyền chính sách hòa hợp dân tộc. Đồng thời nhanh chóng làm tan rã các tổ chức chống phá cách mạng. Trưa 29.3.l975 Đà Nẵng được giải phóng cũng là lúc cán bộ Tuyên huấn Khu 5 có mặt tiếp quản Nha thông tin, Đài phát thanh, cán bộ Tuyên huấn còn kết hợp với cán bộ địa phương tận dụng các phương tiện thông tin của địch để tuyên truyền ổn định tình hình trật tự trong thành phố. Riêng Đài phát thanh, chiều 29.3.1975 đã được tiếp quản sử dụng nhân viên kỹ thuật của chế độ cũ ở lại thực hiện tiếp sóng Đài giải phóng và đúng 10 giờ ngày 30.3.1975 buổi phát thanh đầu tiên của Ủy ban quân quản TP.Đà Nẵng được cất lên.

Sau giải phóng, thực hiện Nghị quyết số 245-NQ/TW ngày 20.9.1975 về việc bỏ khu, hợp nhất tỉnh, Ban Tuyên huấn Khu 5 giải thể sau khi đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình. Trải qua chiến tranh, Ban Tuyên huấn Khu 5 có 1.098 cán bộ, trong đó 128 người đã hy sinh trên chiến trường, 193 người bị thương, 19 trường hợp bị nhiễm chất độc da cam; trong số cán bộ tuyên huấn còn sống sau chiến tranh, đến nay có gần 70 người đã qua đời.

Với những thành tích đã đạt được, Ban Tuyên huấn Khu 5, vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là một vinh dự cho những người đang sống, một sự động viên, an ủi cho những người đã khuất.

LÊ NĂNG ĐÔNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làng Tuyên và sứ mệnh lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO