Làng xã ở Quảng Nam

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 03/04/2016 07:44

Trong bản đồ Hồng Đức (1409) triều Lê, Điện Bàn và Quảng Nam ngày nay nằm ở miền “biên viễn” thuộc châu Hóa. Nguyễn Trãi trong Địa dư chí viết rằng: “Đây là một phên giậu thứ tư ở miền nam nước ta vậy!”.

Về làng. Ảnh: NGUYỄN HÀ
Về làng. Ảnh: NGUYỄN HÀ

Paul Mus - học giả Pháp, đầu thế kỷ XX cho rằng: Làng Việt Nam là cái chìa khóa để giải mã bí mật Việt Nam….

1. Các tài liệu sử học cho rằng từ thời nhà Trần, cư dân Việt đã có mặt ở châu Hóa nhưng khá ít và chủ yếu quần cư dọc hai con sông lớn Vu Gia, Thu Bồn. Tác giả Lê Hữu Quýnh (Chế độ ruộng đất ở VN thế kỷ 17-18) nhận định: “Ở các xứ phía nam như Tân Bình, Thuận Hóa, Quảng Nam cư dân hãy còn thưa thớt, nhu cầu di dân khai phá đất đai xây dựng xóm làng để củng cố vững chắc lãnh thổ và tăng thêm nguồn thu nhập của nhà nước cũng trở thành cân thiết”. Tuy vậy, theo sử gia Phan Khoang (xứ Đàng Trong), đến khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, trong đó có Triệu Phong ở phía nam bao gồm đất Điện Bàn ngày nay, thì: “Nhân dân bấy giờ gồm những thành phần rất phức tạp. Ngoài những người chăm lo cày cấy làm ăn, còn có những người theo nhà Mạc, hoặc khuấy động cho nhà Mạc; những người tù đày, những du đảng, phiêu lưu từ các miền Nghệ, Thanh hoặc xa hơn nữa xâm nhập qua các thời đại, đi tìm may mắn ở miền đất mới, những quan quân bất mãn họ Trịnh hoặc bị lầm lỗi bỏ chạy vào nam, những thổ hào thổ tù cường ngạnh nhũng nhiễu lương dân, những người Chàm còn ở lại…”. Để ổn định được trật tự, xây dựng xứ Đàng Trong phồn thịnh, một hệ thống chính quyền và luật pháp bên cạnh chế độ cai trị mềm mỏng chắc chắn đã được áp dụng từ đó, trong đó có các làng xã…

Từ những cải cách chính quyền cơ sở từ thời chúa Nguyễn Phúc Lan (1638) đến chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) cấp xã đã dần được hình thành song song với các cấp tương đương khác. Theo Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn), xã có 999 người (có lẽ là dân đinh) có đến 18 xã trưởng và tướng thần; xã dưới 400 dân được 8 xã trưởng và tướng thần; 70 dân thì chỉ có 1 xã trưởng và 1 tướng thần… Đến thời vua Gia Long trở đi cho đến 1944, phủ, huyện, tổng, xã là các cấp hành chính địa phương dưới tỉnh…

2. Đến năm 1908 (Thành Thái thứ 18) Đại Nam nhất thống chí cho biết dân đinh ở Quảng Nam là 55.751 người. Cứ tính theo hệ số 5, thì dân số Quảng Nam vào lúc đó khoảng hơn 250 ngàn người. Hình thức cư trú ban đầu bị chi phối bởi hai yếu tố đường giao thông và nguồn nước (nông nghiệp lúa nước). Trong đó đường giao thông chủ yếu vẫn là các thủy lộ. Câu nói “nhất cận thị nhị cận giang” đã thể hiện thứ tự ưu tiên chọn đất định cư. Nhưng “thị” cũng gắn liền với các bến sông, nên có thể nói các làng mạc đầu tiên của xứ Quảng gắn liền với các con sông, cả Thu Bồn, Vu Gia và các sông lớn nhỏ khác…

"Muốn tìm hiểu lịch sử hình thành dân tộc Việt Nam thì phải tìm hiểu cộng đồng làng xã, và muốn xây dựng lại đất nước Việt Nam thì cũng phải bắt đầu từ việc xây dựng lại cộng đồng làng xã. Vì không có làng xã Việt Nam thì không có quốc gia Việt Nam”…
(Hồi ký Vũ Đình Hòe - Bộ trưởng Quốc gia giáo dục Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa)

Cư trú theo quan hệ thân tộc là một đặc điểm khác của các làng Quảng Nam. Dòng tộc và làng xã là hai yếu tố gắn liền nhau trong nhiều thế kỷ ở cả Quảng Nam và nhiều tỉnh xứ Đàng Trong. Cho dù các tộc “tiền hiền” ban đầu chỉ là một hai người đến khai khẩn ruộng đất, nhưng hầu hết khi đã an cư thường về lại quê cũ đưa bà con anh em cùng đến. Ở Đại Lộc chẳng hạn, “việc thành lập làng thường trải qua việc khai khẩn từng vùng nhỏ, tùy tính chất từng vùng mà có tên gọi khác nhau như thôn, trang, trại, sở, phường, động, sách ngày nay vẫn còn ở các địa danh…”(Địa dư chí Đại Lộc). Cũng có hiện tượng sáp nhập các cụm dân cư nhỏ như xóm, trại ghép vào nhau để thành làng xã (như An Tự và Thanh Tú là hai điểm dân cư mới ghép lại thành làng An Thanh). Nhiều làng có đến 5 - 7 tộc tiền hiền ngày nay đều cho thấy làng đó xưa có nhiều xóm, nhiều vùng đất canh tác khác nhưng liền nhau đã được các vị đến khai phá. Sau khi cộng cư nhiều đời, sui gia lẫn nhau, dân số phát triển nên hợp lại thành làng, xây dựng chùa làng, đình làng… Nhưng tộc họ là một đặc điểm xã hội học nông thôn trong mối quan hệ đa chiều từ lâu. Các nhà dân tộc học nhấn mạnh rằng chính tộc họ là một hiện tượng đặc biệt vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay trong các thiết chế kinh tế, văn hóa cơ sở như nhà thờ tộc, đất hương hỏa, phổ hệ, gia phả, vai trò trưởng nam, giỗ chạp… Các triều đại phong kiến Việt Nam và Đàng Trong nói riêng vẫn đề cao vai trò tộc họ, thậm chí là vai trò các tộc tiền hiền, các đại tộc ở làng xã. Luật Gia Long đã thể chế hóa các quan hệ tộc họ, gia đình về mặt hình sự.

3. Trong mối quan hệ đó, làng xã ở Quảng Nam vẫn là đơn vị cơ sở trong tổ chức xã hội ban đầu. Dần dần nó trở thành đơn vị hành chính nhưng mang tính tự trị, chỉ gắn bó với chính phủ cấp trên trong việc sưu thuế, binh lính, phu dịch…

Đề tài làng xã cổ truyền hầu như không được bất cứ một cuốn sử chính thức nào ở các triều phong kiến đề cập, nhưng rải rác trong Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục… chúng ta cũng có thể tìm được một số thông tin liên quan đến làng xã dưới góc độ cơ cấu tổ chức, luật pháp, chính trị, quân sự, văn hóa và xã hội. Ngoài ra, các công trình khảo cứu của các tác giả Dương Văn An, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Phạm Đình Hổ, Ngô Cao Lãng, Trịnh Hoài Đức, Khiếu Năng Tĩnh, Nguyễn Văn Siêu, Ngô Giáp Đậu, Phạm Văn Thụ, Nhữ Bá Sĩ, Nguyễn Bá Trác…, hay gần đây là các bộ huyện chí, xã chí trong tỉnh Quảng Nam đã có thêm những ghi chép khá cụ thể về địa lý, lịch sử, dân cư, văn hóa và lối sống của khá nhiều làng xã.

Tất cả nghiên cứu, tài liệu nêu trên cho thấy một điểm chung: làng Quảng Nam hay làng Việt Nam hoàn toàn không chỉ là một khu vực cư trú đơn thuần của những gia đình nông nghiệp, nó còn là một tổ chức sản xuất, tổ chức quân sự, một tổ chức xã hội. Cộng đồng làng là một sự hợp thành của một hệ thống gia đình cá thể, có họ hàng, có phường, hội và những mối liên kết vật chất và tinh thần như tộc ước, phường lệ, hương ước và tín ngưỡng tôn giáo, hội hè, đình đám…

Ở làng, con người không tồn tại với tư cách cá nhân độc lập, mà các hành vi luôn luôn bị chi phối, điều chỉnh từ đời sống của làng và các mối quan hệ khác trong làng. Văn hóa làng từ đó mà ra!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làng xã ở Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO