"Làng xứ Quảng"

LÊ MINH QUỐC 14/03/2021 07:41

Đọc sử của một đất nước, nếu chỉ đọc phần chính sử ta sẽ không rõ sinh hoạt, đời sống bình thường của người dân thuở ấy. Điều này có thể khắc phục, nếu được đọc thêm những trang gia phả của từng dòng họ, qua đó, những con người cụ thể gắn với những số phận thăng trầm sẽ góp phần không nhỏ để bổ sung cho chính sử.

Làng quê xứ Quảng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Làng quê xứ Quảng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Nói cách khác, để hiểu lịch sử của một đất nước không thể không xem xét lịch sử của từng địa phương. Chính những trang sử đó sẽ khắc họa, bổ sung cho diện mạo chung của lịch sử đất nước. Khi đọc “Làng xứ Quảng của tác giả Trương Điện Thắng, trong tôi, suy nghĩ này càng rõ nét.

Tình yêu máu thịt nơi chôn nhau cắt rốn

Vậy, những ai đã ý thức được điều này và dám dành trọn một đời để khám phá lịch sử của vùng đất mà mình đã sống? Xin thưa, có thể kể lướt qua các ông như Nguyễn Văn Xuân (Quảng Nam), Nguyễn Văn Uẩn, Nguyễn Vinh Phúc, Tô Hoài (Hà Nội), Quách Tấn (Bình Định), Nguyễn Đổng Chi, Thái Kim Đỉnh (xứ Nghệ), Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc (Nam Bộ), Nguyễn Văn Hầu (An Giang), Bửu Kế (Huế)… Thế hệ sau đã có nhiều người nối gót theo. Bằng tình yêu máu thịt về nơi chôn nhau cắt rốn, để rồi từ thế mạnh đó, họ có những trang viết mới mẻ, nhiều phát hiện về nơi mình đã và đang sống, trong số đó ở Quảng Nam có Trương Điện Thắng.

Làng của Trương Điện Thắng là làng Thanh Quýt - một trong 66 làng thuộc phủ Điện Bàn ngày xưa. Không chỉ có thế, từ ngôi làng này, anh đã có nhìn rộng ra nhiều làng khác nhằm nêu bật khái niệm về giá trị văn hóa làng ở xứ Quảng. Điều thú vị và đáng ghi nhận ở đây, theo tôi vẫn là những ghi chép điền dã, khảo sát thực tế, chứ không hẳn chỉ căn cứ vào các nguồn tài liệu đã có, đã công bố.

Thế thì, ta thấy được những gì?

“Chưa thấy ở đâu tồn tại một thứ đơn vị hành chính gọi là giáp (từng có từ đời họ Khúc, 905 - 930, lộ, phủ, châu, giáp, xã) như ở Điện Bàn, với Nhứt giáp, Nhị giáp, giáp Ba, Tứ giáp, Ngũ giáp và Lục giáp vẫn tồn tại đến ngày nay. (Nhà sử học Li Tana viết rằng vùng đất này có đến bảy giáp, nhưng giáp thứ bảy tôi vẫn chưa tìm được dấu tích thực địa ngày nay). Ở miền Bắc còn địa danh Giáp Bát, nay là một khu vực nhộn nhịp ở phía nam Hà Nội. Tôi xét thấy rằng giáp ngoài Bắc không phải là đơn vị hành chính vừa có ý nghĩa quân sự như ở Điện Bàn”. Một gợi ý lý thú, nếu chúng ta muốn nghiên cứu một cách rốt ráo, vì sao tại phía bắc sông Thu Bồn lại hình thành tên gọi hành chính này với ý nghĩa như anh vừa nêu? Câu trả lời không dễ dàng.

Bìa tập sách “Làng xứ Quảng”.
Bìa tập sách “Làng xứ Quảng”.

Một khi đề cập nếp sinh hoạt của bất kỳ cư dân vùng đất nào, không thể quên đi yếu tố cốt lõi ăn, ở, mặc và phương thức chiến đấu để tồn tại. Với cái đòn bánh tét, anh đồng tình với ông Nguyễn Văn Xuân khi nhìn nhận nó chính là “biến thể” của bánh chưng: “dài đòn dễ mang xách, ăn được nhiều lần, có khi cả hơn chục ngày. Cứ mở sợi lạt, lột bánh ra rồi cắn một đầu sợi lạt trên miệng, một đầu cầm trên tay cắt bánh như một con dao! Còn bao nhiêu gói lại, hôm sau ăn tiếp”. Một cách ăn thuận tiện “vừa đi… vừa ăn” của cư dân Đàng Ngoài trong hành trình đi vào Đàng Trong đấy chăng? Từ đó, anh suy luận về sự ra đời của một món ăn “rất Quảng Nam”: “Cả món khoai lang chà cũng vậy. Cứ bỏ theo trong bọc, trong túi. Khi đi đường mà đói thì lấy ra ăn rồi ghé vào khe suối, bến sông vục nước uống. Khoai chà gặp nước nở ra, no”. Những chi tiết này, có thể đồng tình hoặc không cũng khiến cho người đọc cảm nhận được câu chuyện quay ngược về quá khứ một cách dễ chịu, và gợi mở cùng tìm hiểu thêm ý nghĩa của đặc sản quê mình.

Luận giải

Những ghi chép của Trương Điện Thắng, thú thật, khi đọc tôi tin rằng có nhiều người đã biết nhưng cũng chi tiết gần như là sự phát hiện bất ngờ. Trong chuỗi sự kiện đó, tôi chọn lấy một cách đặt “mật mã” mà có dòng họ ở Quảng Nam đã dành cho con đời sau.

Rằng, “Một mộ tổ khác chôn ở Vạt Cháy cũng cách đâu 150 năm, lại ghi Mộ táng Đảnh Chí sở thạch bi. Theo cách suy luận trên, con cháu ông hiểu ra Đảnh hay Đỉnh có nghĩa là cái vạc, trong chữ Chí lại có bộ Hỏa, dính líu đến việc cháy của lửa; nhờ vậy đã đến Vạt Cháy và quả thực tìm được mộ (cho dù Vạc và Vạt trong tiếng Việt là khác nhau). Đó là nói về nơi an táng. Nhưng khi nói đến tên người quá cố, có gia phả ghi, chẳng hạn Tằng tổ tỉ P.T. Quý Nương hiệu Nam Trân nhưng trong dòng họ ấy không có ai tên là Nam Trân, mà cụ tổ tỉ này tên thật là L (tên bộ phận sinh dục nữ, đặt tên xấu cho cháu bé dễ nuôi, theo tục lệ người xưa). Người giúp tìm mộ là một vị thâm nho đã liên tưởng đến giai thoại về quả lòn bon của xứ Quảng (Nam Trân quả), nhờ vậy con cháu đã tìm được mộ bà”.

Một trong những chi tiết lạ lùng này, xét ra, cho ta thấy thêm tính cách của người Quảng Nam đấy chứ? Tất nhiên rồi. Hoặc khi nói đến cư dân Xứ Quảng, quên gì thì quên, không thể không nhớ đến tô mỳ Quảng, thuốc lá Cẩm Lệ… Sở dĩ thuốc lá Cẩm Lệ vang danh lừng lẫy, từ ghi chép thực địa, Trương Điện Thắng cho biết, vì nó được trồng trên đất Cồn Mô, sau đó, cách chế biến mới “độc địa” làm sao: “Lá thuốc Nhứt khô được ủi (là) phẳng, đặt tên là “thuốc đẩy” dùng làm “lá áo” để cuốn những lá thuốc nhánh, xai, cơi, nhóc (sau khi đã tước hết cọng, tẩm các vị thuốc bắc nấu chung với cọng thuốc)… bên trong thành những cuốn dài 2,5m, đường kính độ 3,5cm. Những cuộn thuốc này được đưa vào một máy xắt thành những lát thật mỏng trước khi bán lẻ cho người hút”…

Văn hóa làng - giá trị cốt lõi

Có thể nói những công việc làm, nếp ăn nếp nghĩ, đất có lề, quê có thói là những yếu tố hình thành nên tính cách cư dân nơi đó. Với cách viết tản mạn từ quan sát đời thường, “gặp đâu xâu đó” một cách có chủ đích, với cái nhìn xuyên suốt, ta thấy trong chừng mực nào đó, Trương Điện Thắng đang từng bước góp phần khắc họa văn hóa làng từ làng Thanh Quýt đã gắn bó từ thuở cất tiếng oa oa chào đời.

Có lẽ nhiều người, nhất là thế hệ trẻ cảm thấy lạ lùng khi lý giải về sự ràng buộc chằng chịt, quy ước bất thành văn tại sao con người nơi đó phải tuân theo sự chi phối chung của đời sống ở làng? Chẳng hạn, anh kể chi tiết, có người trưởng nam chi tộc nọ khi đi ăn giỗ tại làng, lúc về “cầm nhầm” cái khăn đội đầu bị mang tiếng xấu không thể thanh minh được, cuối cùng phải dắt díu vợ con bỏ làng đi biệt xứ!

Từ văn hóa làng của mỗi làng, nếu không nhìn nhận lấy nó như nó đã tồn tại vốn có, nên mới dẫn đến nhiều sự tréo ngoe. Ở đây, Trương Điện Thắng đôi lần thở dài trước cái cổng làng hình thành sau này. Trong tiếng thở dài ấy, anh đã nhắc lại phát biểu của kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính từng chia sẻ với anh: “Cổng làng mang đậm ý nghĩa văn hóa, tồn tại lâu dài, còn cổng chào với khẩu hiệu lại mang tính thực dụng, nhằm tạo không khí chào đón. Nhiều nơi biến cổng làng thành cổng chào bằng cách xây hai cái cột xi măng rồi cho quét một lớp vôi vội vã lên, trên gắn một cái biển bằng thiếc. Lại có nơi, người ta thay cổng làng bằng cách dựng lên đó cổng chào được lát đá hoa phổ thông, nhìn từ xa trông sáng loáng. Vì thế mà cái cổng cũng trở nên vô hồn, vô duyên...”.

Câu chuyện của anh không chỉ “tìm về” mà còn hướng đến thực tại nữa. Tôi thích một thực tại đáng ghi nhận như anh cho biết là từ nhiều năm nay, tại xã Điện Thắng, quê anh vào ngày mùng Bốn Tết hằng năm diễn ra “Ngày hội khuyến học” tại đình làng Thanh Quýt nhằm khuyến khích, biểu dương tinh thần hiếu học của con em trong làng. Một trong những nét đẹp văn hóa làng chính là đây.

Viết về vùng đất nơi mình sống, đã gắn bó bao giờ cũng ít nhiều mang tính chủ quan. Không sao cả. Vì ở đó, không chỉ tìm hiểu, lý giải mà còn mang tính hoài niệm nữa. Sự hoài niệm ấy, có thể khác nhau ở từng người nhưng chung cuộc vẫn là một cách trình bày tình yêu chính mình dành cho quê mình. Và, với một quyển sách có tính cách nghiên cứu lẫn ghi chép thực địa, nếu đặt ra những vấn đề cần tranh luận, trao đổi thêm, theo tôi vẫn là điều cần thiết. Tập sách “Làng xứ Quảng” của Trương Điện Thắng không ngoại lệ. Tuy nhiên, qua các góc nhìn khác nhau, qua nhiều câu chuyện kể khác nhau khiến người đọc có điều kiện cảm nhận thấu đáo hơn về vùng đất và con người nơi ấy. Âu đó cũng là một đóng góp tìm về bản sắc văn hóa Việt nói chung.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Làng xứ Quảng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO