(Xuân Tân Sửu) - Sau cuộc Nam chinh năm 1741, triều đình vua Lê Thánh Tông đã bố trí quân binh ở lại cai quản vùng đất vừa được tái thu phục từ người Chiêm. Bắt đầu từ thời điểm này, di dân Việt từ phía bắc đã vào vùng đất mới, phối hợp cùng quân đội, tiếp quản các xứ ruộng đất mà người Chiêm đã bỏ lại.
Các diện tích ruộng đất cũ này sau đó trở thành công điền của các làng Việt được thành lập từ thời Hồng Đức (1470 - 1497) về sau. Ở nam Quảng Nam, ven các dòng sông, suối lớn, khá nhiều làng cổ có ruộng công chiếm tỷ lệ lớn từng được ghi cụ thể trong Địa bạ thời Gia Long. Tập địa chí xưa nhất là Ô Châu cận lục ra đời năm 1553 - thời nhà Mạc đã ghi nhận 66 ngôi làng thuộc huyện Điện Bàn, phủ Triệu Phong (có lẽ) được lập sớm nhất từ sau cuộc Nam chinh của vua Lê Thánh Tông vào năm 1471. Trong đó, có ba làng ở phía nam: Thọ Khang, Địch Khang và Phú Khang (chữ Khang còn được đọc là Khương - NV).
Tra cứu các sách địa chí xưa và tư liệu chữ Nho ở các địa phương Quảng Nam hiện còn, chỉ có duy nhất tên Thọ Khang - xưa chỉ chung vùng đất từ sông Tiên Quả đến hai bên sông Bản Tân, nay là địa bàn các xã Tam Anh Nam, Tam Hiệp và thị trấn An Tân của huyện Núi Thành. Nhà nghiên cứu Albert Sallet trong bài viết “Les souvenirs Chams dans le folklore et les croyances annamites du QuangNam” (Dấu tích Chăm trong phong tục và tín ngưỡng của người An Nam tại Quảng Nam) đăng trong tập san BAVH năm 1923 cho biết: ở vùng này, đến hồi đầu thế kỷ 20 vẫn còn hiện diện nhiều dấu tích Chăm, như đền thờ bà Thiên Y A Na ở Diêm Phổ và “Ao Vuông” (nay gần sân bay Chu Lai - NV).
Vùng Thọ Khang rất gần cửa biển Đại Áp (sau gọi là cửa An Hòa) - được sử xưa ghi là nơi diễn ra các trận chiến giữa thủy quân vua Lê Thánh Tông với thủy quân Chiêm Thành. Sau chiến thắng, hẳn là nhà vua đã bố trí quân binh ở lại, cộng với di dân từ phía bắc vào vùng cửa biển Đại Áp này, ngược các dòng sông lên lập vùng đất Thọ Khang.
Nhưng căn cứ vào ngôi làng có công điền lớn nhất ở nam Quảng Nam là làng An Thái thuộc tổng An Thái Trung, huyện Lễ Dương (326 mẫu 3 sào 7 thước), có suy đoán cho rằng: làng Thọ Khang được ghi trong Ô Châu cận lục chính là làng An Thái (nay là phần lớn địa bàn xã Bình An, huyện Thăng Bình).
Địch Khang (nay một phần là xã Bình An, huyện Thăng Bình) nằm giữa dòng chảy Kế Xuyên và bờ bắc đầm Chiên Đàn. Theo ghi chép trong sổ sách của xứ Đàng Trong thời các chúa Nguyễn - được quân chúa Trịnh thu được đem về Thuận Hóa, rồi được học giả Lê Quý Đôn đưa vào sách Phủ biên tạp lục năm 1776, xã Địch Khang thuộc tổng Mông Lĩnh, huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn. Đến đầu triều Nguyễn, xã này đổi tên thành Địch Thái thuộc tổng An Thái Trung, phủ Thăng Hoa, dinh Quảng Nam.
Nhiều tư liệu chữ Nho hiện còn của cư dân địa phương này ghi địa hiệu là “Địch Khang xã, Mông Lĩnh tổng, Diên Khánh huyện, Điện Bàn phủ”. Cũng theo Phủ biên tạp lục (bản dịch của Viện Sử học, NXB Khoa Học, 1964, trang 121), địa bàn phủ Điện Bàn xưa từ phía bắc kéo dài về phía nam, đến tận địa giới phủ Quảng Ngãi. Diện tích ruộng công của Địch Thái lớn thứ nhì vùng nam Quảng Nam, được ghi trong địa bạ thời Gia Long là 164 mẫu, 5 sào, 5 thước, 9 tấc, 4 thốn. Vùng này xưa sát cận núi đất An Thái - nơi có rất nhiều di tích Chăm, đặc biệt có tấm bia chăm An Thái rất nổi tiếng được các nhà khảo cổ người Pháp phát hiện hồi đầu thế kỷ 20.
Ven phía nam sông Tam Kỳ là làng cổ Phú Khang. Làng này có diện tích công điền 162 mẫu 4 sào 2 thước 9 tấc 8 xích, lớn thứ ba ở vùng nam Quảng Nam. Theo tư liệu của 4 họ Nguyễn, Trần, Lê, Đỗ - đồng tiền hiền ở xã này, thì tổ tiên của họ đã từ vùng ven biển Thanh Hóa, theo đường biển vào nam rồi lên vùng ngã ba sông Tam Kỳ, tiếp quản và khai phá thêm ruộng đất ngay từ sau thời Hồng Đức. Thời mở đất, xã có tên Tân Khang sau mới đổi thành Phú Khang (nay là xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành). Địa bàn phía tây của xã dày đặc di tích Chăm, trong đó có ba ngọn tháp Khương Mỹ.
Ngôi làng quanh vùng tháp Chăm Chiên Đàn, gần bờ tây đầm Chiên Đàn có tên Tú Tràng là ngôi làng cổ có diện tích ruộng công (197 mẫu 8 sào 1 thước 8 tấc) lớn thứ hai vùng nam Quảng Nam. Làng/xã này là một trong ba vùng đất quan trọng của người Chăm xưa từng được dân gian ghi nhận qua câu ca: “Thứ nhất thì có La Qua/ thứ nhì Trà Kiệu, thứ ba Tú Tràng”.
Từ Tú Tràng đi về phía nam, qua hai dòng chảy lớn, đến làng cổ Chiên Đàn. Tuy diện tích công điền chỉ đứng hàng thứ tư (140 mẫu 3 sào 3 thước 5 tấc 6 thốn) nhưng Chiên Đàn lại có lịch sử lập làng xưa nhất. Tư liệu của tộc Bùi ở vùng này cho biết: Vào niên hiệu Thiệu Thành thứ hai (Hồ Hán Thương -1402), ông thủy tổ của tộc này đã từ vùng phía đông của sông Hồng - miền Bắc đưa gia đình vào xứ đất Bà Môn, lập ấp An Hòa; rồi mở rộng ra thành xã Chiên Đàn.
Truyền khẩu ở vùng này cho biết: sau khi quân Minh chiếm nước ta, vùng Chiên Đàn đã bị quân Chiêm (vốn đã nhường đất cho nước Việt trước đó) nống ra chiếm lại. Khi quân Minh bị đuổi khỏi nước ta, người Chiêm rút lại về phía nam, vùng này thành đất “ki mi” (thuộc quản lý của triều đình nhưng vẫn còn rất ít dân - NV). Chỉ đến thời Hồng Đức, dân vùng Chiên Đàn - trước chạy ra vùng đèo Hải Vân lánh nạn mới quy tụ lại. Xưa, ở đây, có ông thủy tổ tộc Ung; đồng bào Chăm của ông bỏ vào Nam nhưng ông chọn ở lại Chiên Đàn. Về sau, ông được truy tặng đồng tiền hiền làng. Mộ ông hiện ở thôn Đàn Hạ, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh.