Tháng 5.1935, đồng chí Võ Chí Công được kết nạp vào Đảng. Từ người yêu nước trở thành người chiến sĩ cộng sản, đồng chí đã lăn lộn, bám dân, bám đất xây dựng phong trào cách mạng.
Những năm 1936 - 1939, phong trào cách ở Quảng Nam gặp rất nhiều khó khăn, phong trào cách mạng liên tục bị bể vỡ, nhiều cán bộ chủ chốt và đảng viên bị địch bắt. Đồng chí Võ Chí Công đã tìm cách gây dựng lại phong trào, lập lại Phủ ủy Tam Kỳ, rồi thành lập lại Tỉnh ủy Quảng Nam.
Với vai trò Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí lăn lộn hết địa phương này đến địa phương khác để lãnh đạo ổn định tình hình tư tưởng, bàn kế hoạch chống khủng bố, giữ liên lạc từ tỉnh đến cơ sở.
Phát huy sức mạnh của báo chí
Đi đến đâu, đồng chí Võ Chí Công cũng mang theo báo để tuyên truyền, thậm chí còn trực tiếp viết báo, in báo và kiêm luôn nhiệm vụ phát hành báo chí cách mạng. Nhờ việc vừa phát hành báo chí, vừa xuống cơ sở nắm bắt tình hình, trực tiếp xây dựng cơ sở cách mạng, tháng 7.1941, Tỉnh ủy đã bắt liên lạc được với Xứ ủy.
Lúc bấy giờ bên cạnh tờ báo Khởi Nghĩa của Tỉnh ủy, tờ báo Bẻ Xiềng Sắt của Trung ương, tờ báo Cứu Quốc của Xứ ủy được Tỉnh ủy chủ trương in lại, phát hành cho các địa phương và đưa vào tận nhà lao để tuyên truyền, cổ động quần chúng.
Đồng chí Võ Chí Công vừa là người phụ trách, vừa biên tập, vừa là người in ấn và cũng trực tiếp phát hành báo chí cách mạng lúc bấy giờ. Theo đồng chí, “Đây là công việc hết sức khó khăn, vì chúng tôi vừa phải viết bài, tiến hành in bản bằng đá và trực tiếp đi phát hành.
Lúc này, tuy có giao thông phát hành báo, nhưng chúng tôi vừa đi công tác, vừa mang báo đi phân phát cho các phủ huyện. Viết báo không phải là sở trường của chúng tôi, song vì yêu cầu cấp bách của đảng viên, quần chúng, buộc phải làm. Nhờ vốn kiến thức rất phong phú nên các bài viết của chúng tôi cũng khá tốt”.
Vì vậy, “Tờ báo có tác dụng rất lớn. Nhờ đọc báo, đảng viên và quần chúng cách mạng biết được đường lối, chủ trương của Đảng nên càng phấn khởi, tin tưởng vào đường lối cách mạng của Đảng”.
Đầu năm 1942, trước sự đánh phá, khủng bố của kẻ thù, đồng chí Võ Chí Công và Nguyễn Sắc Kim phải tạm lánh vào các tỉnh phía Nam. Lúc này, các đồng chí còn đem theo báo Cứu Quốc để phát hành.
Sau thời gian tạm lánh vào các tỉnh phía Nam, tháng 6.1942, đồng chí Võ Chí Công về Quảng Nam tổ chức hội nghị liên tịch quyết định thành lập Ban Chấp hành Liên Thành - Tỉnh ủy: Quảng Nam - Hội An - Đà Nẵng. Hội nghị chủ trương khôi phục tổ chức, phát triển tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, đồng thời chủ trương ra báo Cờ Độc Lập thay cho báo Khởi Nghĩa.
Tháng 10.1943, đồng chí Võ Chí Công bị địch bắt giam tại nhà đày Buôn Mê Thuột, báo Cờ Độc Lập ra đến số thứ 8 thì tạm dừng. Tháng 3.1945, từ nhà đày Buôn Mê Thuột trở về, đồng chí tham gia Ban lãnh đạo khởi nghĩa tỉnh Quảng Nam, được phân công về chỉ đạo cuộc khởi nghĩa ở Hội An.
Với nhãn quan chính trị nhạy bén, khi thời cơ cách mạng chín muồi, đồng chí đã thống nhất với Ủy ban bạo động Hội An nhanh chóng báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban bạo động tỉnh cho phép Hội An khởi nghĩa giành chính quyền trong đêm 17 rạng sáng 18.8.1945.
Dấu ấn với Nghị quyết 15
Sau Hiệp định Giơnevơ, với cương vị Phó Bí thư Liên Khu ủy 5, đồng chí Võ Chí Công cùng với các đồng chí trong Liên Khu ủy lo bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ của liên khu và các tỉnh ở lại hoạt động, chuyển hướng tư tưởng, tổ chức, phương châm, phương thức đấu tranh trong giai đoạn cách mạng mới.
Trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, phong trào cách mạng ở khu 5 lâm vào thế thoái trào, hàng vạn cán bộ, đảng viên và nhân dân bị bắt, bị giết, bị tù đày tra tấn dã man. Trước nỗi đau của nhân dân, những mất mát hy sinh của đồng chí, với trách nhiệm của người lãnh đạo, đồng chí luôn trăn trở về đường lối và phương pháp đấu tranh.
Từ thực tiễn phong trào cách mạng ở khu 5, đồng chí đã nhiều lần đề xuất ý kiến với Trung ương các vấn đề mang tính chiến lược về con đường của cách mạng miền Nam, đóng góp vào việc xây dựng và ban hành Nghị quyết Trung ương 15, mở ra bước ngoặt lớn cho cách mạng miền Nam.
Nghị quyết 15 phổ biến đến đâu như luồng gió mới thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh của nhân dân, phong trào cách mạng của quần chúng trong liên khu chuyển biến rất sôi nổi và mạnh mẽ. Phong trào nổi dậy của quần chúng diệt ác, phá kèm, diễn ra ở Tây Quảng Ngãi, Tây Quảng Nam.
Nổi bật là cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi cuối tháng 8.1959. Cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi to lớn, có ý nghĩa sâu sắc, thế nhưng lúc đầu trong hàng ngũ lãnh đạo, cán bộ địa phương, những địa phương xung quanh và ngay trong cơ quan Liên Khu ủy cũng có nhiều ý kiến khác nhau.
Bằng tư duy sáng tạo và kinh nghiệm thực tiễn cách mạng, đồng chí Võ Chí Công xuống địa phương để nắm tình hình, lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ căn cứ Liên Khu ủy 5, trước khi đi đồng chí điện cho Tỉnh ủy Quảng Ngãi: “Đừng vội phê phán anh em, tôi sẽ xuống”.
Tháng 9.1959, Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức hội nghị mở rộng, đồng chí Võ Chí Công đến dự và kết luận: “Cuộc nổi dậy của nhân dân Trà Bồng nổ ra kịp thời; có chuẩn bị, có lãnh đạo, đứng vững được, đi đúng đường lối cách mạng miền Nam, đóng góp nhiều kinh nghiệm quý báu cho việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II...”.
Nhận định tình hình và sự chỉ đạo sáng suốt của đồng chí Võ Chí Công đã làm cho Tỉnh ủy và toàn thể hội nghị phấn chấn hẳn lên. Lòng tin vào đường lối Nghị quyết 15 của Trung ương và sự lãnh đạo của Liên Khu ủy được củng cố.
Linh hồn phong trào cách mạng khu 5
Tháng 3.1965 quân Mỹ trực tiếp đổ bộ vào miền Nam, Quảng Nam - Đà Nẵng trở thành chiến trường trọng điểm của khu 5. Nắm bắt được tâm lý ngại Mỹ xuất hiện trong một bộ phận cán bộ và nhân dân, đồng chí Võ Chí Công đã cùng với Khu ủy 5 quyết định đẩy mạnh công tác tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, kiên trì phương châm đấu tranh cả quân sự và chính trị, phát huy sức mạnh của chiến tranh nhân dân, luôn luôn tiến công địch.
Tinh thần tiến công cách mạng không ngừng cùng với những quyết sách nhạy bén, táo bạo của đồng chí đã góp phần ổn định tư tưởng, củng cố quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của nhân dân ta.
Chiến thắng Núi Thành (26.5.1965) là minh chứng hùng hồn cho tư tưởng tiến công cách mạng của đồng chí Võ Chí Công, của quân và dân khu 5, khẳng định một điều chắc chắn rằng ta có thể đánh Mỹ và thắng Mỹ.
Những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, trên cương vị Bí thư kiêm Chính ủy Quân khu 5, đồng chí Võ Chí Công đã tham gia chỉ đạo phong trào cách mạng của địa phương từng bước vượt qua nhiều khó khăn.
Đồng chí trực tiếp xuống sát vùng địch kiểm soát để nghiên cứu cách đánh Mỹ trên vành đai diệt Mỹ Chu Lai của quân và dân huyện Nam Tam Kỳ, chỉ đạo cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1968 tại Quảng Đà…
Trong cuộc tổng tiến công nổi dậy Xuân năm 1975, trong khi tham gia chỉ đạo chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột (10.3.1975), nhận thấy “địch bỏ Tây Nguyên, tình thế xuất hiện”, đồng chí điện ngay cho Bộ Chính trị đề xuất “cho đánh ngay Đà Nẵng vì điều kiện có đủ để đảm bảo thắng lợi”.
Đồng thời điện về Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cho thay đổi phương án, không đánh về phía nam mà chớp thời cơ nhanh chóng chuyển hướng ngay ra phía bắc, đánh thẳng vào Đà Nẵng. Đây là một đề xuất tạo bạo và kịp thời, thể hiện tư duy nhạy bén, sáng tạo sát với thực tế chiến trường.
Nhận được điện, đồng chí Lê Duẩn điện cho Khu ủy 5 và đồng chí Võ Chí Công: “Nếu thấy làm được thì giải phóng Đà Nẵng đi”. Ngày 29.3.1975, Đà Nẵng được giải phóng, trong niềm vui thắng lợi, đồng chí Võ Chí Công điện ngay cho Bộ Chính trị và đồng chí Lê Duẩn: “Đà Nẵng giải phóng hoàn toàn và tôi đã ở trong Đà Nẵng”.