Nhiều vấn đề liên quan đến vốn vay, thuê đất, quảng bá sản phẩm… đã được lãnh đạo thị xã Điện Bàn giải đáp, tháo gỡ trong hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền thị xã với hội viên, đoàn viên diễn ra đầu tuần này.
Cần hỗ trợ về pháp lý
Gần 200 doanh nghiệp, hội viên, đoàn viên khởi nghiệp đã tập trung tại hội trường Thị ủy Điện Bàn trong buổi sáng 1.11 thể hiện sự quan tâm của nhiều bạn trẻ đã, đang và sẽ khởi nghiệp.
Chị Trần Thị Mỹ Hạnh ở xã Điện Tiến cho biết, năm 2019 chị xây dựng ý tưởng khởi nghiệp từ cây hoa hồng, tuy nhiên dịch Covid-19 bùng phát khiến dự án không triển khai được. Hiện tại chị chuyển sang mô hình sản xuất rượu gạo theo hướng công nghiệp kết hợp nuôi heo nhưng phân vân do không có được các văn bản pháp luật quy định.
“Tôi muốn khởi nghiệp dựa trên những lợi thế và nguồn nguyên liệu tại địa phương nên rất mong các cơ quan liên quan hướng dẫn, hỗ trợ để mô hình khởi nghiệp của tôi được thực hiện thuận lợi” - chị Hạnh kiến nghị.
Chị Hà Thị Kim Ngọc ở thôn Phong Ngũ, xã Điện Thắng Nam chia sẻ, năm 2019 chị tham gia cuộc thi xây dựng ý tưởng khởi nghiệp về mô hình nhà ở bán trú cho học sinh tiểu học.
Đến nay mô hình này đã thực hiện được 2 năm, hiệu quả thiết thực, giúp nhiều phụ huynh là công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp yên tâm. Dù vậy, nỗi lo của chị Ngọc hiện nay chính là chưa tiếp cận được các văn bản quy định của nhà nước về hoạt động của mô hình này.
“Tôi rất mong lãnh đạo các cấp, ngành tạo điều kiện về mặt pháp lý, có văn bản hướng dẫn cụ thể, kể cả tổ chức các hoạt động tập huấn công tác quản lý, vệ sinh an toàn thực phẩm… định kỳ đảm bảo mô hình này được hoạt động hiệu quả, ổn định” - chị Ngọc đề xuất.
Tại buổi đối thoại, ban tổ chức đã ghi nhận gần 20 phát biểu đề xuất của các hội viên, đoàn viên khởi nghiệp. Ngoài thắc mắc về những quy định pháp lý, hầu hết nội dung tập trung vào những nhóm vấn đề như cơ chế hỗ trợ của nhà nước về vốn vay, thuê đất, hỗ trợ quảng bá giới thiệu sản phẩm…
Theo anh Nguyễn Phong Lợi - Giám đốc Xí nghiệp may Nguyên Thịnh, Phó Chủ tịch Hội Khởi nghiệp sáng tạo thị xã Điện Bàn, vướng nhất của doanh nghiệp hiện nay chính là vấn đề thuê đất để mở rộng sản xuất…
Hiện tại, anh Lợi muốn thuê lại Trường Mẫu giáo Điện Hòa (thôn La Thọ 2, xã Điện Hòa) đang bỏ hoang để làm nơi đào tạo công nhân may phục vụ hoạt động sản xuất của đơn vị nhưng chưa nắm rõ thủ tục.
Bên cạnh đó, một vấn đề cũng khiến anh và nhiều người khởi nghiệp quan tâm là nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách đối với các dự án khởi nghiệp, nhất là những dự án đã đoạt giải cấp tỉnh hoặc trung ương, vì vậy nhà nước nên có cơ chế hỗ trợ để sớm đưa những ý tưởng dự án vào thực tế.
Nuôi dưỡng đam mê
Hội Khởi nghiệp sáng tạo thị xã Điện Bàn có 45 hội viên, phần lớn là người trẻ tuổi tham gia khởi nghiệp trên nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều mô hình khởi nghiệp gặp khó khăn.
Không ít mô hình khởi nghiệp đã thất bại hoặc loay hoay tìm hướng phát triển. Thậm chí, một số bạn trẻ vẫn nhầm lẫn giữa khởi nghiệp với các mô hình lập thân lập nghiệp dẫn đến thiếu sự sáng tạo, đột phá.
Khởi nghiệp phải gắn với sáng tạo. Thực tế cho thấy, để khởi nghiệp thành công là một quá trình đầy nỗ lực, ngoài niềm đam mê, kiến thức, vốn, mặt bằng… còn cần có hướng đi tốt, ý tưởng tốt để tạo ra sản phẩm tốt. Chưa kể, cần xây dựng tính pháp lý cho sản phẩm (nhãn mác, thương hiệu…), tìm kiếm đầu ra và chỗ đứng cho sản phẩm trên thị trường…
Theo anh Nguyễn Phong Lợi, muốn khởi nghiệp thành công, yếu tố tự tin rất quan trọng, đặc biệt phải biết vượt qua chính bản thân.
“Rất nhiều người suy nghĩ khởi nghiệp, mong muốn khởi nghiệp nhưng họ sợ thất bại, sợ không làm được. Nhưng tôi nghĩ đôi khi thất bại cũng là bài học qua đó hun đúc thêm nghị lực cho mình để vươn lên trong cuộc sống” - anh Lợi chia sẻ.
Được biết, anh Lợi đã trải qua nhiều lần thất bại nhưng với sự kiên trì theo đuổi mục tiêu đến nay anh đã khởi nghiệp thành công với 2 công ty và 1 hợp tác xã du lịch cộng đồng.
Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND Thị xã Điện Bàn khẳng định, lãnh đạo thị xã luôn quan tâm, khuyến khích và chia sẻ khó khăn với các mô hình khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn, nhất là trong tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay. Vì vậy, những vấn đề nào trong phạm vi giải quyết của địa phương, thị xã sẽ chỉ đạo các cấp ngành liên quan giải quyết tháo gỡ ngay.
Vấn đề nào thuộc thẩm quyền cao hơn, thị xã sẽ tổng hợp gửi đến các cơ quan chức năng xem xét giải quyết nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các mô hình khởi nghiệp được triển khai hiệu quả. Qua đó giúp tạo công ăn việc làm, tăng năng suất chất lượng sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương hiện nay và trong thời gian tới.