(QNO) - Sáng nay 28/5, Huyện ủy Phú Ninh tổ chức hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương với đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ với chủ đề “Khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển kinh tế và chuyển đổi số”.
Báo cáo tại hội nghị cho biết, ở lĩnh vực phát triển kinh tế, khởi nghiệp, Huyện đoàn Phú Ninh và Hội LHPN huyện phối hợp các ngành liên quan hướng dẫn đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ lập dự án vay vốn từ các kênh của đoàn, hội. Đảm nhận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, hội LHPN có 80 tổ tiết kiệm vay vốn với tổng dư nợ hơn 166,8 tỷ đồng; đối với đoàn thanh niên đã thành lập được 9 tổ tiết kiệm vay vốn với tổng dư nợ hơn 13,4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhiều đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ bằng nguồn vốn ban đầu của mình đã tạo dựng nhiều dự án và tổ hợp sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Tính đến nay, toàn huyện có 23 sản phẩm OCOP đã được UBND tỉnh cấp chứng nhận (trong đó 10 sản phẩm của hội viên phụ nữ và đoàn viên thanh niên) và 7 sản phẩm năm 2023 đang lập thủ tục để trình tỉnh cấp chứng nhận sản phẩm OCOP.
Phát biểu tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến của đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ cho biết, đang gặp khó khăn và cần được ngành chức năng huyện hỗ trợ trong việc tiếp cận nguồn vốn vay mở rộng sản xuất kinh doanh; hướng dẫn làm thủ tục được hưởng các cơ chế chính sách về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại theo Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh. Nhiều ý kiến nêu các vướng mắc trong xây dựng nông thôn mới và đưa ra kiến nghị nhằm góp phần nâng chất lượng xây dựng nông thôn mới của huyện, nhất là ở tiêu chí về môi trường…
Một số ý kiến đoàn viên thanh niên cũng cho rằng, hiện nay việc thành lập tổ công nghệ số cộng đồng tại khu dân cư đã có, nhưng về góc độ chuyên môn thì các thành viên trong tổ vẫn chưa tiếp cận được với nhiệm vụ cụ thể, đồng thời chưa có kiến thức cơ bản về chuyển đổi số.
Từ đó, kiến nghị UBND huyện Phú Ninh có kế hoạch tập huấn cho lực lượng tổ công nghệ số cộng đồng, có hướng dẫn cụ thể để những tổ công nghệ này tiếp cận chuyển đổi số và hỗ trợ người dân được tốt hơn. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ đối với các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng ở thôn, khối phố trong quá trình hoạt động.
Trao đổi tại cuộc đối thoại, ông Vũ Văn Thẩm - Bí thư Huyện ủy Phú Ninh lưu ý, thời đại công nghệ thông tin đang bùng nổ, song lực lượng đoàn viên thanh niên nếu không chịu tìm tòi, nắm bắt thông tin, thiếu thông tin về các chủ trương, cơ chế chính sách thì sẽ không có chiến lược đầu tư bài bản, khoa học khi lựa chọn mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp.
Ghi nhận các kiến nghị, đề xuất, ông Thẩm đề nghị các cấp chính quyền, ngành chức năng của huyện đổi mới nhận thức, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại cơ sở. Các ngành phải có trách nhiệm đầy đủ, với phương châm hướng dẫn tận tình, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tiếp cận các cơ chế chính sách được ban hành để phát triển các mô hình kinh tế, khởi nghiệp, lập nghiệp.
Theo ông Thẩm, nhiều cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện được tổ chức vừa qua nhằm nắm bắt tâm tư nguyện vọng, lắng nghe ý kiến cơ sở để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết. Qua đó cũng thể hiện rõ quyết tâm, quyết liệt trong mọi công việc của lãnh đạo huyện, tạo sự nhận thức đồng bộ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; cùng hành động hiện thức hóa khát vọng xây dựng và phát triển quê hương Phú Ninh.
“Tôi cam kết với tất cả chị em hội viên phụ nữ và đoàn viên thanh niên, lãnh đạo huyện luôn lắng nghe, bám sát nhu cầu cấp thiết từ thực tiễn cơ sở đặt ra và tập trung chỉ đạo giải quyết tốt nhất, thúc đẩy sự phát triển chung của địa phương” - Bí thư Huyện ủy Phú Ninh Vũ Văn Thẩm nhấn mạnh.