Cuối tuần qua, Huyện đoàn Tiên Phước tổ chức diễn đàn đối thoại giữa lãnh đạo huyện với thanh niên về khởi nghiệp, kết hợp tập huấn kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, lập nghiệp cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) địa phương.
Tham gia diễn đàn, ĐVTN huyện Tiên Phước đã nghe ông Trần Viết Âu - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Toàn Cầu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đầu tư và khởi nghiệp Quảng Nam trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế về khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo. Diễn đàn cũng đã phân tích đi vào cụ thể các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho thanh niên trong khởi nghiệp, đồng thời gợi mở tham khảo một số mô hình hỗ trợ khởi nghiệp để xây dựng các chương trình phù hợp tại địa phương và với lứa tuổi thanh niên… ĐVTN còn được nghe lãnh đạo huyện triển khai khai Đề án 548 về “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang tính đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017-2025”. Đề án 548 được huyện Tiên Phước triển vào đầu năm 2017, đến nay bước đầu có chuyển biến tích cực, mang lại hiệu quả kinh tế cao, khi thu hút hơn 11 nghìn lượt khách đến tham quan các danh thắng, mô hình kinh tế vườn, mô hình chăn nuôi trên địa bàn. ĐVTN còn nghe giới thiệu khái quát về nội dung, quy trình tổ chức triển khai Đề án thực hiện Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm; trao đổi những thuận lợi, hạn chế, bất cập trong hoạt động thực tiễn việc triển khai thực hiện chương trình…
Tại diễn đàn đối thoại, ĐVTN cũng đã thẳng thắn đặt nhiều câu hỏi, chia sẻ những vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng của mình với lãnh đạo huyện trong các vấn đề về cơ chế, chính sách hỗ trợ nguồn vốn vay cho ĐVTN; thủ tục thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác còn rườm rà, vướng mắc, gây khó khăn cho các bạn trẻ; huyện có định hướng, cơ chế, chính sách nào giúp thanh niên khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương… ĐVTN cũng mong muốn huyện kêu gọi các doanh nghiệp đến xúc tiến đầu tư tạo công việc làm, giải quyết nguồn lao động trong thanh niên. “Hiện tại, phần lớn ĐVTN sống ở quê có mong muốn khởi nghiệp ngay trên mảnh đất mình sinh sống, tuy nhiên khó khăn lớn nhất là việc tiếp cận nguồn vốn vay, thủ tục vay vốn rườm rà. Nếu có được nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, thanh niên địa phương mong muốn lãnh đạo huyện đoàn, các ban, ngành cần theo dõi giúp đỡ trong việc phát triển mô hình, cùng tìm đầu ra cho sản phẩm” - Đoàn Thị Luật Thương, Bí thư Chi đoàn thôn Bình An (xã Tiên Kỳ) chia sẻ tại diễn đàn.
Hầu hết câu hỏi của cán bộ, ĐVTN tại buổi đối thoại đã được lãnh đạo UBND và đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan của huyện Tiên Phước trao đổi thẳng thắn, cởi mở, giải đáp từng nhóm vấn đề cũng như cách tháo gỡ những khó khăn, bất cập hiện nay trong việc phát triển kinh tế, tạo việc làm cho thanh niên. Đặc biệt, lãnh đạo huyện hướng dẫn, giải thích khá kỹ vấn đề ĐVTN tiếp cận các nguồn vốn vay để lập thân, lập nghiệp. “Tiên Phước là huyện miền núi, nguồn ngân sách chủ yếu dựa vào cấp trên phân bổ nên kinh phí hỗ trợ cho thanh niên phát triển kinh tế cũng gặp những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, địa phương luôn ủng hộ và sẵn sàng tạo điều kiện cho ĐVTN đầu tư phát triển những mô hình hay, cách làm giàu chân chính, hiệu quả. Thông qua kênh Đoàn thanh niên, ĐVTN có thể vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và nguồn vốn hỗ trợ từ Đề án 548, Đề án phát triển cây tiêu Tiên Phước, cây thanh trà… để phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, chăn nuôi. Ngoài ra, huyện cũng đang kêu gọi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Tiên Phước để tạo công ăn việc làm, giải quyết lao động cho thanh niên địa phương” - ông Hường Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước nói.
NGUYỄN HƯNG