Chỉ trong một tuần qua, lãnh đạo cấp cao của nhiều quốc gia đồng loạt tuyên bố từ chức vì những nguyên do khác nhau.
Ngày 5.12, Thủ tướng Italia, Matteo Renzi chính thức tuyên bố “rời ghế” sau khi thừa nhận thất bại nặng nề trong cuộc trưng cầu ý dân về việc cải tổ hiến pháp. Một ngày trước đó, người dân Italia bỏ phiếu về việc “có” hay “không” với cải cách hiến pháp, mà cụ thể là đối với cơ chế nhị viện hiện hành tại chính phủ. Theo cơ chế này, Thượng viện và Hạ viện có quyền lực ngang nhau, cả hai đều có quyền bãi bỏ các bộ luật, bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ và bãi miễn chính phủ. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2014, Thủ tướng Italia - Matteo Renzi cho biết sẽ tổ chức trưng cầu ý dân để cải cách hiến pháp, qua đó xóa bỏ cơ chế nhị viện được cho là nguyên nhân dẫn đến nhiều bế tắc chính trị tại Italia. Kết quả, 60% bỏ phiếu nói “không” với kế hoạch cải cách hiến pháp. Matteo Renzi nói: “Tôi đã thua, trải nghiệm lãnh đạo chính phủ của tôi dừng lại ở đây”. Tổng thống Italia Sergio Mattarella yêu cầu Thủ tướng Matteo Renzi tạm hoãn từ chức cho đến khi điều hành xong việc phê chuẩn luật ngân sách 2017 diễn ra vào cuối tuần này.
Thủ tướng Italia Matteo Renzi tuyên bố từ chức hồi đầu tuần này. Ảnh: IBTimes |
Cùng ngày, Thủ tướng New Zealand John Key bất ngờ tuyên bố sẽ từ nhiệm vào ngày 12.12 tới đây vì “lý do gia đình”, sau 8 năm cầm quyền. John Key rất xúc động và nói đây là “quyết định khó khăn nhất tôi từng đưa ra và tôi không biết sẽ làm gì”. Thủ tướng John Key giải thích một trong những nguyên do đưa đến quyết định trên bởi công việc lãnh đạo một quốc gia đòi hỏi sự hy sinh lớn từ người thân và ông muốn nghỉ ngơi để chăm sóc gia đình. “Tôi chỉ có thể nói rằng tôi đã làm tất cả những gì có thể. Tôi không còn sức lực nữa” - John Key nói. Báo chí New Zealand ca ngợi John Key đã đưa đất nước này vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế 2008, ra khỏi suy thoái. Đồng thời ông là nhà lãnh đạo giữ vai trò quan trọng trong Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Sau hai năm nhậm chức, Thủ tướng Pháp - Manuel Valls đột ngột tuyên bố rút khỏi Chính phủ vào ngày 6.12 nhưng không có ý định xa rời hẳn chính trường Pháp mà để tập trung tham gia một cuộc đua chính trị mới. Trước hết là cuộc bầu cử sơ bộ của Cánh tả được tổ chức vào tháng 1.2017 để chọn ra người đại diện tranh cử Tổng thống Pháp vào năm 2017. Ông Manuel Valls năm nay 54 tuổi, là một người theo đường lối cứng rắn về luật pháp và trật tự nhưng có quan điểm tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp. Việc Thủ tướng Manuel Valls từ chức để tập trung cho chiến dịch tranh cử khiến cuộc đua vào Điện Élysée thêm phần kịch tính.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cho biết sẽ chấp nhận và tôn trọng về quyết định luận tội nếu việc này được thông qua trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội vào ngày mai (9.12). Đồng thời nhà lãnh đạo Hàn Quốc cho biết dự định từ chức vào tháng 4 năm sau và một cuộc bầu cử Tổng thống mới sẽ được tổ chức vào tháng 6.2017. Cuộc khủng hoảng chính trị tại Hàn Quốc hay nữ Tổng thống Park đang dính vào bê bối nghiêm trọng với người bạn thân Choi Soon-sil. Bà Choi bị cơ quan công tố Hàn Quốc bắt giữ vào đầu tháng 11 vừa qua và truy tố vì tội lợi dụng mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Park để gây sức ép với các doanh nghiệp lớn buộc họ đóng góp khoảng 80 tỷ won (68 triệu USD) vào 2 quỹ phi lợi nhuận là Quỹ Mir và Quỹ K-Sports và tìm cách chuyển tiền từ một trong 2 quỹ trên sang công ty riêng của bà Choi.
QUỐC HƯNG