(Xuân Giáp Ngọ) - Từ nhiều năm nay, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã trực tiếp làm công tác tiếp thị, mời gọi, xúc tiến đầu tư tại các diễn đàn, hội nghị kinh tế vùng miền trong nước hay ra tận nước ngoài. Cách “đi chợ” đặc biệt này đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành từ các nhà đầu tư.
“Tiếp thị” tiềm năng
Gian trưng bày thành tựu kinh tế Quảng Nam tại hội nghị xúc tiến đầu tư vùng duyên hải miền Trung tổ chức vào ngày 21 và 22.3.2013 tại Đà Nẵng với nhiều dự án, hình ảnh, sologan “Quảng Nam: Nơi đáp ứng tốt nhất nhu cầu nhà đầu tư”, cùng các brochure, video clip… bằng ngôn ngữ Việt, Anh, Hàn, Nhật khá ấn tượng trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Không cần phiên dịch, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu liên tục trao danh thiếp, bàn luận, trao đổi và chụp ảnh lưu niệm… đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư đến tham quan và tìm hiểu. Việc công bố rộng rãi các văn bản về kiểm soát đất đai dự án, quy hoạch, mở rộng đầu tư cơ sở hạ tầng đã nhận nhiều cái gật đầu của các nhà đầu tư. Những ý kiến đề xuất, những câu hỏi quan tâm đến môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và những thắc mắc về thủ tục đã được giải đáp tại chỗ. Nhiều nhà đầu tư thiện chí đã quan tâm đến 10 dự án cơ hội trọng điểm mà Quảng Nam đưa ra mời gọi, ưu tiên thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, chế biến các mặt hàng tiêu dùng, gia dụng, nông lâm thủy sản… đào tạo nhân lực.
Ông Risky Tan - Chủ tịch Tập đoàn KINDERWORLD Singapore nói rằng, giới doanh nhân thường quan sát rất kỹ các động thái thị trường, môi trường đầu tư trước khi quyết định đầu tư dự án hay xây dựng nhà máy. Khi đưa ra những dự án có giá trị gia tăng cao, Quảng Nam đã minh chứng cho việc không còn đuổi theo thành tích, không “tham” những dự án thiếu thực chất. Đó là mối quan tâm và cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư chân chính. Ông Risky Tan cho biết tập đoàn đã đầu tư thành công một dự án giáo dục tại Đà Nẵng. Hiện tại, tập đoàn này đã đặt vấn đề xin 50ha đất dọc sông Cổ Cò để tiếp tục đầu tư một dự án giáo dục đào tạo nhân lực khác tại Quảng Nam. Hy vọng dự án này cũng sẽ nhanh chóng được chấp thuận để nhà đầu tư có thể triển khai dự án đúng như mong muốn của cả hai phía.
Theo các nhà phân tích, những văn bản trên giấy tờ hay lý thuyết dù hấp dẫn đến mấy cũng không đủ tạo ấn tượng với các nhà đầu tư hơn là sự trực tiếp gặp gỡ với các chính khách khi muốn đầu tư. Thế mạnh của các chính khách “đi chợ“ chính là việc họ có tiếng nói, đủ thẩm quyền để quyết định ngay yêu cầu của các dự án. Một giấy chứng nhận đầu tư trao cho Công ty C&N Vina thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp trong Khu Kinh tế mở Chu Lai nhân chuyến xúc tiến đầu tư tại Osan (Hàn Quốc) của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh đã bảo chứng cho quan điểm thu hút của Quảng Nam. “Tất cả thủ tục đầu tư được giải quyết theo cơ chế “một cửa liên thông” với thời gian rút ngắn tối đa so với quy định chung. Nhà đầu tư không phải nộp bất kỳ chi phí dịch vụ nào trừ những khoản lệ phí theo quy định của Chính phủ”.
Xúc tiến đầu tư
Hình ảnh các lãnh đạo tỉnh Quảng Nam trực tiếp tiếp thị, xúc tiến đầu tư đã không còn là chuyện lạ. Công cuộc tiếp thị này không chỉ diễn ra tại các diễn đàn, hội nghị đầu tư mà ngay cả các chuyến viếng thăm theo lời mời của các tỉnh, thành các nước. Qua đó, thế mạnh và tiềm năng của Quảng Nam đều được giới thiệu đến các nhà đầu tư. Theo Ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Nam, đã có rất nhiều chuyến ra nước ngoài của lãnh đạo tỉnh để xúc tiến đầu tư. Đó là những cuộc hội thảo xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc, Nhật Bản hay diễn đàn xúc tiến đầu tư vào miền Trung Việt Nam tại Thái Lan... Kết quả những chuyến đi hay những cuộc gặp gỡ đầy ấn tượng ấy đã mang lại hiệu quả bất ngờ. Quảng Nam lại liên tục tiếp đón và duy trì liên hệ để xúc tiến những dự án với các nhà đầu tư. Quyết định của Công ty Panko (Hàn Quốc) nghiên cứu đầu tư dự án dệt, may mặc quy mô 100ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 150 triệu USD; Công ty Hansae (Hàn Quốc) nghiên cứu đầu tư dự án nhuộm và may mặc quy mô 200ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 250 triệu USD hay nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, Singapore, Purac (Hà Lan), Ise Food (Nhật Bản)… ngỏ ý đầu tư những dự án vào khu vực nông nghiệp, nông thôn mới đây đã lóe lên tia hy vọng thu hút số lượng lớn nhà đầu tư từ khu vực này vào Quảng Nam.
Ông Võ Văn Hùng - Phó ban Xúc tiến đầu tư & hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Nam cho biết, hiện đơn vị đang hoàn chỉnh bộ tài liệu giới thiệu đầu tư Quảng Nam bao gồm bản đồ chỉ dẫn đầu tư, website, brochure, video clip, dự án cơ hội bằng các ngôn ngữ Việt, Hàn, Nhật, Thái để chuẩn bị cho lãnh đạo tỉnh tham dự các hội nghị xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Đài Loan. Ngoài ra, sẽ còn rất nhiều cuộc làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, các phòng thương mại Hoa Kỳ, châu Âu… tại Việt Nam để xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. “Năm 2014 sẽ tiếp tục làm việc với các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản… để hiện thực hóa các ý tưởng, gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo tỉnh với các đối tác. Nếu mời gọi hết các dự án này sẽ là động lực để Quảng Nam phát triển rất nhanh và bền vững” - ông Hùng nói.
TRỊNH DŨNG